Có giải pháp để giảm giá vé máy bay nội địa kích cầu du lịch
Sáng nay (29/5), tiếp tục chương trình làm việc, Quốc hội thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2023, đầu năm 2024.
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Lưu Bá Mạc (đoàn Lạng Sơn) thống nhất cao với báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2024.
Qua đó thấy rằng, tình hình kinh tế - xã hội nước ta đã có xu hướng phục hồi tích cực và đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Trong đó, lĩnh vực phát triển văn hoá đã được chú trọng, lĩnh vực phát triển du lịch đã được quan tâm thúc đẩy và có sự phục hồi mạnh mẽ.
Bày tỏ quan tâm tới lĩnh vực văn hoá, đại biểu Lưu Bá Mạc kiến nghị với Chính phủ cần có cơ chế, chính sách và có giải pháp đối với đội ngũ nghệ sỹ, diễn viên đã hết tuổi nghề, nhưng chưa đến tuổi nghỉ hưu. Đồng thời, cần có cơ chế, chính sách thu hút, đãi ngộ đối với người làm trong lĩnh vực này.
Từ đó, có thể góp phần nâng cao chất lượng các chương trình nghệ thuật, vừa thực hiện nhiệm vụ chính trị, vừa đáp ứng tốt hơn, đối với yêu cầu ngày càng cao về hưởng thụ, sáng tạo văn hóa của mỗi người dân, người nghệ sỹ, diễn viên.
Đồng thời, cần tiếp tục điều chỉnh, nâng mức phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp và chế độ bồi dưỡng, đối với người làm trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật, sớm xây dựng, ban hành định mức tiêu chuẩn kinh tế - kỹ thuật, tính giá các loại dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật.
Về lĩnh vực du lịch, đại biểu Lưu Bá Mạc kiến nghị với Chính phủ cân nhắc, có giải pháp để giảm giá vé máy bay nội địa. Từ đó, góp phần giảm chi phí đi lại cho người dân; đồng thời, góp phần thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế, nhằm kích cầu các hoạt động du lịch, dịch vụ nội địa, tăng tính cạnh tranh so với các tour du lịch nước ngoài.
"Có chính sách để hỗ trợ các hãng hàng không trong nước, thông qua việc miễn, giảm thuế, phí có liên quan, giảm giá trong dịch vụ hàng không; tăng số lượng máy bay, mở thêm các đường bay cũng như cần tăng năng lực điều hành, vận hành khai thác tại các cảng hàng không. Vì một đội máy bay hùng mạnh chính là sức mạnh quốc gia", ông Mạc đề xuất.
Khuyến khích người đứng đầu dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm
Cũng quan tâm đến những vấn đề văn hóa, đại biểu Trần Thị Thu Phước (đoàn Kon Tum) chỉ ra rằng để đánh thức được tiềm năng phát triển của các địa phương, nhất là các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn thì con đường đúng đắn nhất là phải có sự đầu tư, phát triển mạnh mẽ về văn hóa, du lịch.
Bà Phước cho biết, nhiều địa phương, trong đó có Tây Nguyên, tuy có những khó khăn về điều kiện đường sá, sinh hoạt, sản xuất của người dân nhưng bù lại những nơi này có những cảnh quan tươi đẹp, di tích lịch sử rất nhiều, nhiều nét văn hóa đa dạng.
"Những điều kiện này nếu được quan tâm đầu tư, khai thác không chỉ góp phần thu hút khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng, phát triển kinh tế - xã hội, mà còn là con đường tất yếu để bảo tồn các di tích lịch sử, danh lam, thắng cảnh", bà Phước nói.
Từ đó, đại biểu Phước đề nghị cần quan tâm bố trí đúng, đủ nguồn lực cho Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng phát triển văn hóa xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2026 - 2030 tầm nhìn 2045.
Các địa phương miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số rất cần sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước; sự quan tâm hỗ trợ, phối hợp của các bộ, ngành liên quan, nhất là các địa phương còn nhiều khó khăn, ít kinh nghiệm trong phát triển kinh tế - xã hội, kết hợp với văn hóa và du lịch.
"Có cơ chế khuyến khích người đứng đầu các địa phương dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; chủ động nỗ lực hết mình để có chính sách, cách làm phù hợp, đột phá, giúp địa phương mình phát triển đi lên cùng đất nước. Quyết tâm cải thiện, đưa người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số của địa phương mình vươn lên thoát nghèo bền vững", đại biểu Phước nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận