Để tăng trưởng cả năm 6 - 6,5% phải nỗ lực rất nhiều
Sáng 25/5, tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội thảo luận tổ về kết quả phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022, kế hoạch năm 2023.
Đại biểu Trần Văn Lâm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - ngân sách
Phát biểu tại tổ, đại biểu Trần Văn Lâm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - ngân sách cho rằng, thời gian qua, giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản chưa cao vì những khó khăn, vướng mắc. Những khó khăn, vướng mắc này chúng ta đã chỉ ra, có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan (biến động giá cả, thời tiết, dịch bệnh).
Nhưng yếu tố chủ quan vẫn là quyết định, những vấn đề vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục rườm rà, không dám nghĩ, dám làm, trách nhiệm của một số cơ quan, từ cơ quan chuẩn bị dự án, đến cơ quan thực hiện dự án vẫn còn tồn tại.
"Ngay cả việc phân bổ vốn đầu tư, theo quy định, Quốc hội giao cho Thường vụ Quốc hội cho ý kiến để Chính phủ phân bổ chậm nhất đến ngày 31/3 vừa rồi, nhưng đến mốc này vẫn còn đến hơn 200 nghìn tỷ vốn trung hạn, trong đó của Trung ương là hơn 140 nghìn tỷ chưa được giao cho các dự án", ông Lâm nói.
Đại biểu Trần Văn Lâm cho rằng, từ cuối năm 2022 đến quý I/2023, sự khó khăn của nền kinh tế ngày càng gia tăng, thể hiện tốc độ tăng trưởng quý I năm nay chỉ đạt 3,32%.
"Với tốc độ này thì để năm nay đạt được mục tiêu tăng trưởng là 6 - 6,5% quả là thách thức, điều này đòi hỏi một nỗ lực rất lớn cho thời gian còn lại của năm 2023", ông Lâm nói.
Chỉ ra những khó khăn ở quý I/2023, ông Lâm cho biết, nổi lên là những khó khăn sản xuất của doanh nghiệp. Chính vì thế số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động giảm, tạm dừng thì tăng. Cùng với đó là thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản gặp khó khăn.
Kinh tế khó khăn, ngân hàng không chia sẻ lại còn "tranh thủ"
Từ những khó khăn trên, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - ngân sách Trần Văn Lâm đề xuất, thứ nhất, tiếp tục duy trì chính sách ổn định kinh tế vĩ mô.
Đại biểu Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam) cũng băn khoăn việc hơn 2 năm qua, không chỉ doanh nghiệp Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài (FDI) chịu trận rất nhiều quy định "trên trời" của PCCC.
"Vì quy định "trên trời" đó, hàng vạn doanh nghiệp dừng sản xuất, và phải bỏ ra chi phí phát sinh hàng nghìn tỷ đồng để đủ điều kiện "trên trời". Trách nhiệm thuộc về ai cũng phải chỉ rõ, thiệt hại quy ra là bao nhiêu, cần phải quy trách nhiệm của người ban hành ra chính sách này, có lợi ích nhóm ở đây hay không", ông Khải nói.
"Chúng ta không thể nóng vội vì đầu năm tăng trưởng thấp mà tung ra những chính sách quá nới lỏng về tài chính. Bởi nếu tăng khoản cung tiền cho vay của ngân hàng, tín dụng thì lập tức đẩy chỉ số lạm phát cao. Lạm phát cao thì lập tức lãi suất cao, kéo theo lại phải cho vay cao, lúc đó doanh nghiệp không thể vay được tiền để tái sản xuất. Tuy nhiên, cũng không nên quá lo lắng mà siết quá chặt", ông Lâm nói.
Đối với chính sách tiền tệ, ông Lâm cho rằng, phải làm sao để doanh nghiệp tiếp cận dòng tiền. Thực tế, hiện nay doanh nghiệp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vì lãi suất vẫn cao.
"Trong bối cảnh lạm phát của chúng ta ổn định mà lãi suất ngân hàng ở mức cao thì bất hợp lý. Hiện nay chúng ta đang điều chỉnh nhưng mức điều chỉnh này vẫn là nhỏ giọt. Thực tế doanh nghiệp có nơi vẫn phải vay mức hơn 13%/năm', ông Lâm nói.
Để giảm lãi suất, theo ông Trần Văn Lâm, phải duy trì kinh tế vĩ mô ổn định với lạm phát thấp tương đối, tiếp đến là giảm chi phí của ngân hàng.
"Tức là chênh lệch lãi suất cho vay và đi vay phải về mức hợp lý. Thực tế, vừa qua, doanh nghiệp khó khăn, nhưng các ngân hàng vẫn báo lãi một cách khủng khiếp. Vì sao lại có hiện tượng này, vì chênh lệch lãi suất đi vay và cho vay lớn", ông Lâm nói.
Dẫn chứng trong báo cáo giám sát nguồn lực cho phòng chống Covid-19 vừa rồi có nêu "trong thời gian dịch Covid-19 thì lãi suất đi vay giảm nhưng giảm chậm hơn lãi suất cho vay", ông Lâm cho rằng, như vậy là ngân hàng "ăn dày" hơn.
"Ăn" vào lãi suất tiết kiệm của người dân, "ăn" vào chi phí doanh nghiệp phải bỏ ra khi đi vay, như vậy làm gì chẳng lãi hơn. Nền kinh tế khó khăn, ngân hàng không chia sẻ, không hỗ trợ thì lại còn tranh thủ", ông Lâm nói.
Từ đó, ông Trần Văn Lâm cho rằng, các ngân hàng phải thực sự gắn kết với nền kinh tế, với sự sống còn của doanh nghiệp, chứ không phải "một mình một chợ, độc quyền".
Đại biểu Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam)
Đại biểu Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam) thì cho rằng, trong suy thoái kinh tế, người dân và doanh nghiệp khó khăn thì ngân hàng lại lãi rất cao. Điều đáng nói là ngoài việc lãi suất cao rồi thì còn có chuyện "ép" người dân, doanh nghiệp mua bảo hiểm.
"Theo thôi tìm hiểu thì mỗi ngân hàng lãi hàng chục nghìn tỉ từ việc bán bảo hiểm. Điều kiện của họ là muốn vay được là phải mua bảo hiểm, nếu không mua bảo hiểm thì không giải ngân, không cho vay. Để tình trạng này thì ai chịu trách nhiệm?", ông Khải cho biết.
Theo báo cáo của Chính phủ, tăng trưởng GDP quý I đạt 3,32% - thấp hơn cùng kỳ 2022 là 5,03%. Nhiều địa phương sản xuất công nghiệp tăng trưởng thấp, thậm chí có tỉnh tăng trưởng âm. Hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhất là lĩnh vực công nghiệp, xây dựng. Thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống bị thu hẹp. Nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng.
Thu ngân sách nhà nước năm 2023 có xu hướng giảm; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng mới đạt 15,65% kế hoạch năm. Số doanh nghiệp thành lập mới giảm, trong khi số tạm ngừng hoạt động và giải thể tăng. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản tiếp tục gặp khó khăn về thanh khoản, dòng tiền. Chất lượng lao động chưa đáp ứng nhu cầu thị trường, nhiều người mất việc làm tại một số địa phương, khu công nghiệp. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên cao. Số người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần tiếp tục tăng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận