Tạo tiền lệ xấu khi tách thành hai luật
Sáng nay (16/11), Quốc hội tiếp tục phiên làm việc tại hội trường, thảo luận về dự án Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) sửa đổi.
Phát biểu thảo luận, đại biểu Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị) không đồng tình tách Luật GTĐB và chuyển quản lý đào tạo, sát hạch, cấp GPLX từ Bộ GTVT sang Bộ Công an.
Theo đại biểu Thắng, giao thông đường bộ là thể thống nhất được liên kết chặt chẽ từ 4 thành tố là kết cấu hạ tầng, phương tiện giao thông, người điều khiển phương tiện, người tham gia giao thông và quy tắc tham gia giao thông.
Cả 4 thành tố này đã được điều chỉnh trong Luật GTĐB hiện nay và hơn 10 năm qua, lĩnh vực GTĐB do Bộ GTVT quản lý tổng thể vẫn xuyên suốt, ổn định cả về lĩnh vực đầu tư giao thông đường bộ và công tác đảm bảo ATGT.
“Đảm bảo ATGT là mục tiêu quan trọng của hạ tầng giao thông đường bộ, mức độ ATGT phụ thuộc vào 4 thành tố nêu trên chứ không riêng gì thành tố nào. Nếu trong trường hợp cả hai Bộ tham gia cả 4 thành tố trên sẽ không có ai chịu trách nhiệm chính”, đại biểu Thắng nói.
Theo đại biểu Thắng, Luật Đường thủy, Đường sắt, Hàng hải, Hàng không cũng quy định các thành tố tương tự như Luật GTĐB. Nếu tách Luật GTĐB thành hai luật sẽ phá vỡ quy luật, tạo tiền lệ nguy hiểm trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
“Cơ sở xây dựng Luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ tách ra từ Luật GTĐB rất khiên cưỡng, không hợp lý. Vì vậy, đề nghị Quốc hội không tách Luật GTĐB thành hai luật và không chuyển thẩm quyền quản lý GPLX từ Bộ GTVT sang Bộ Công an. Những vấn đề còn bất cập chỉ được sửa đổi trong một dự thảo Luật GTĐB”, đại biểu Thắng nói.
Cùng quan điểm, đại biểu Bùi Văn Xuyền (đoàn Thái Bình) lấy ví dụ nếu làm 1 con đường, cây cầu mà không tính tới yếu tố phương tiện, con người lưu thông thì con đường, cây cầu đó vô giá trị. Nếu một chiếc xe ô tô được làm ra mà không tính tới an toàn, sử dụng thì nó chỉ là một vật trưng bày trong triển lãm chứ không phải là phương tiện giao thông.
"Luật GTĐB có phạm vi điều chỉnh: kết cấu hạ tầng, phương tiện GTĐB, người tham gia giao thông và quy tắc GTĐB. 4 thành tố này gắn kết chặt chẽ với nhau hướng tới mục đích đảm bảo trật tự ATGT. Nếu chúng ta tách ra thì những thành tố trên trở nên vô nghĩa, sẽ gây ra những hệ lụy khó khăn, nếu tách thì phải phân tích thật chặt chẽ", đại biểu Xuyền nói.
Theo đại biểu Xuyền, nếu tách Luật GTĐB ra thành 2 luật thì GTĐB không còn đầy đủ là Luật GTĐB nó mà nó chỉ còn lại là những công trình giao thông đơn thuần. Bản thân tên gọi Luật Bảo đảm ATGT cũng không phù hợp, chưa chính xác. Bảo đảm ATGT là mục đích chứ không phải đối tượng điều chỉnh. Việc bảo đảm ATGT không chỉ có đường, quy tắc, người tham gia giao thông mà nó còn ở kết cấu hạ tầng giao thông và phương tiện giao thông.
"Nếu tách luật GTĐB thành 2 sẽ không đảm bảo được tính thống nhất trong luật, các cơ quan sẽ rất khó khi phân định cái gì của Luật GTĐB, cái gì của Luật Bảo đảm an toàn giao thông. Có những cái không thể tách được và chắc chắn chồng lấn lên nhau, câu chuyện tổ chức thực hiện sẽ vô cùng khó khăn. Chi phí cho công tác tổ chức triển khai, thi hành luật sẽ gặp nhiều khó khăn vì cùng lúc chúng ta phải thực hiện 2 đạo luật song song, nảy sinh nhiều bất cập", đại biểu Xuyền nói.
Nên lùi đến kỳ sau để bàn kỹ
Đại biểu Trần Thị Dung (đoàn Điện Biên) cho rằng, Luật GTĐB sửa đổi chưa tuân thủ đầy đủ theo trình tự, thủ tục của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Một số chính sách sau khi tách Luật không được đánh giá tác động, ví dụ, việc đào tạo, cấp GPLX trong báo cáo đánh giá tác động, dù việc này ảnh hưởng đến hơn 2.000 công chức, viên chức đang thực hiện trong lĩnh vực này.
Trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 được Quốc hội thông qua thì tên là dự án Luật GTĐB sửa đổi, nay tách thành hai dự án Luật, việc này cũng chưa có báo cáo Quốc hội một cách đầy đủ.
“Còn rất ít thời gian để làm rõ tất cả các vấn đề, đặc biệt là đối với cơ quan chủ trì thẩm tra. Đây là việc rất lớn trong vấn đề phân tách luật này, do đó cần phải có nhiều thời gian nhiều hơn nữa để xem xét, đánh giá. Theo Luật Tổ chức Chính phủ, việc phân công thuộc thẩm quyền của Chính phủ nên cần xem xét. Để chắc chắn, nên để dự án Luật này trình Quốc hội khóa XV”, đại biểu Dung nói.
Đại biểu Cao Văn Trọng (đoàn Bến Tre) cũng cho rằng, việc tách Luật GTĐB thành 2 luật sẽ gây xung đột, chồng chéo, không có quy định chung, việc xử lý sẽ tốn rất nhiều tiền để làm đi làm lại.
"Tại sao chúng ta không sửa đổi theo hướng tăng các điều khoản chi tiết hơn trong Luật GTĐB. Chúng ta phải tính tới việc đường bộ có nhiều yếu tố như giao cắt với đường sắt, kết nối với khu dân cư, việc xây dựng kết cấu hạ tầng đường bộ phải đồng bộ, nếu tách ra sẽ gây khó khăn, gia tăng thủ tục hành chính", đại biểu Trọng nói.
Đại biểu Thái Trường Giang (đoàn Cà Mau) thông tin, theo báo cáo thảo luận tổ ngày 11/11 có rất nhiều ý kiến không đồng ý tách thành 2 luật. Và phiên thảo luận sáng nay cũng nhiều ý kiến không đồng ý tách luật.
"Chính vì vậy tôi yêu cầu Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin ý kiến của đại biểu Quốc hội xem có nên tách thành 2 luật hay không. Nếu đồng ý tách thì chiều nay chúng ta mới tiếp tục bàn về dự thảo Luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ, nếu các đại biểu đa phần không đồng ý tách thì chiều nay chúng ta không nên không thảo luận tiếp”, ông Giang cho hay.
Đại biểu Xuyền cũng cho rằng, tờ trình của Chính phủ về việc tách Luật GTĐB thành 2 luật cũng đưa ra 2 phương án: Tách luật hoặc giữ nguyên như cũ (tức Luật GTĐB).
Dự án luật mới (Luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ) trình từ tháng 9/2020, rất sát kỳ họp, do đó ông Xuyền đồng tình với ý kiến của đại biểu Trần Thị Dung và đại biểu Cao Văn Trọng (Bến Tre) khi cho rằng việc này nên để sang kỳ họp thứ XV để chúng ta có những đánh giá thật thận trọng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận