Tách luật là không ổn
Sáng nay (11/11), Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ về hai dự án Luật GTĐB và Luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ.
Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu không đồng tình với việc tách Luật GTĐB thành hai luật, vì việc tách thành hai luật sẽ gây nhiều hệ lụy như không đảm bảo tính thống nhất, chồng chéo, người dân khó thực hiện.
Đề cập đến việc có nên tách thành hai luật hay không, đại biểu Đỗ Văn Sinh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, giao thông đường bộ phải có 4 thành tố quan trọng là kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện, con người tham gia giao thông và quy tắc giao thông. Khi kết hợp 4 thành tố mới trở thành giao thông đường bộ, bây giờ tách làm hai thì phải đổi tên lại thành Luật Kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Theo đại biểu Sinh, đảm bảo ATGT đường bộ chỉ là mục tiêu để tham gia giao thông đường bộ. “Việc tách thành hai luật là không hợp lý. Việc này cũng giống như chữa lợn lành thành lợn què, con lợn phải có 4 chân, nếu xẻ ra thành hai con thì mỗi con có hai chân không phải là lợn nữa”, đại biểu Sinh dẫn chứng.
Theo đại biểu Sinh, giao thông có 5 lĩnh vực, 4 lĩnh vực là đường thủy, hàng hải, hàng không, đường sắt, đường bộ. Nếu đường bộ tách thành 2 luật, thì sau này 4 lĩnh vực kia có tách hay không?
“Các nội dung trong Luật GTĐB đang liên kết mà lại xé ra, trong khi lại đang rất cần sự liên kết, liên thông, đảm bảo tính đồng bộ, logic cả về lý thuyết và thực tiễn”, đại biểu Sinh phân tích.
Theo ông Sinh, nếu Luật GTĐB vướng ở đâu thì chúng ta sửa ở đó để đảm bảo đồng bộ tốt hơn, chứ không phải xé ra thành hai luật. "Việc tách thành hai luật GTĐB và Luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ là không ổn, tôi không đồng tình với việc tách thành hai luật”, đại biểu Sinh khẳng định.
Đại biểu Trần Thị Dung (đoàn Điện Biên, Ủy viên Ủy ban Pháp luật Quốc hội) cho biết, Luật GTĐB sửa đổi đã có trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết đưa vào chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội. Muốn đưa thêm dự án Luật nữa vào trong chương trình, phải tuân theo Luật ban hành văn bản pháp luật hiện hành.
"Những nội dung nào được đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp luật phải làm một việc quan trọng là đánh giá tác động của chính sách. Trên cơ sở đó, phạm vi điều chỉnh sửa đổi hay sửa đổi toàn diện, hay một số điều phải thể hiện rõ ngay từ khi đưa vào chương trình. Khi được đưa vào chương trình, thì vấn đề cụ thể hóa hay đề cương chuyển hóa thành quy phạm pháp luật thì mới thành dự thảo", đại biểu Dung cho biết.
Hai dự thảo luật có nhiều nội dung trùng lặp, chồng chéo
Đại biểu Hoàng Thanh Tùng (đoàn Sóc Trăng) cho rằng, thực tế giao thông phát triển mạnh, có thể nói là đột phá, hội nhập quốc tế sâu rộng, có những quy tắc giao thông đảm bảo tính liên thông quốc tế.
Theo đại biểu Tùng, khi Chính phủ đề xuất đưa vào chương trình sửa đổi Luật GTĐB thì phạm vi điều chỉnh như Luật GTĐB hiện hành, bao trùm tất cả các vấn đề hiện hành trong Luật. Có nghĩa là không có Luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ ở thời điểm Chính phủ đề xuất.
Đến nay theo hồ sơ trình hai luật cũng đã cố gắng phân định phạm vi điều chỉnh nhưng có nhiều nội dung trùng lặp, chồng chéo như cùng điều chỉnh phương tiện, cùng điều chỉnh đảm bảo an toàn trong hoạt động vận tải.
"Mục tiêu cuối cùng của cả hai dự thảo luật là đảm bảo trật tự ATGT, vậy cũng như các lĩnh vực khác như hàng hải, đường thủy, hàng không, đường sắt, về tổng thể đều có hai yếu tố cấu thành trong giao thông là giao thông tĩnh và giao thông động. Liệu có tách được hai yếu tố này để điều chỉnh trong hai luật. Việc tách phạm vi điều chỉnh sẽ đánh mất tính tổng thể, giảm hiệu quả quản lý", đại biểu Tùng nói.
Đồng quan điểm, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) cho rằng, nếu tách Luật GTĐB ra thành thêm một Luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ thì có làm một luật song song là bảo đảm chữa trị người bị thương sau tai nạn giao thông không? Hay là có làm luật đảm bảo tranh chấp dân sự sau tai nạn giao thông, luật giải quyết bồi thường thiệt hại sau tai nạn giao thông hay không?
"Trong đánh giá tác động có nêu nhiều tồn tại trong đảm bảo ATGT, vậy tại sao chúng ta không sửa đổi hoàn thiện hơn Luật GTĐB mà lại tách ra thành hai luật", đại biểu Hoa nói.
Tách luật cần xin ý kiến đại biểu thông qua biểu quyết
Đồng quan điểm, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) cho biết, thời gian vừa qua đã nhận được rất nhiều ý kiến của nhân dân và các cử tri là những người có kinh nghiệm nghiên cứu, đào tạo luật thì đa phần không đồng tình việc tách Luật GTĐB và Luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ.
Theo đại biểu Nhưỡng, nếu chúng ta xét tất cả vấn đề khái niệm nội hàm của giao thông đường bộ thì nó có bao gồm những chi tiết không thể tách rời từ luật lệ, toàn bộ kết cấu cơ sở hạ tầng, phương tiện cho đến về con người.
"Nếu tách riêng ra thì sẽ có nguy cơ không ăn khớp, như kiểu một nhà mà tách ông riêng, bà riêng thì là không ổn rồi. Nếu có chăng thì chúng ta sẽ hoàn thiện Luật GTĐB bao gồm nội hàm cả đường bộ, đường không, đường thủy và đường sắt", đại biểu Nhưỡng nêu quan điểm.
Theo đại biểu Nhưỡng, việc tách 2 luật này còn ảnh hưởng đến tính thống nhất của toàn hệ thống pháp luật và của chính trong một hệ thống đã bị chia tách, phá vỡ kết cấu thống nhất của hệ thống, hiện nay đang là một chỉnh thể.
"Như vậy thì lại chia quản lý Nhà nước thành mảng riêng rẽ mà sau này nếu thực hiện thì rất khó phối hợp. Để trong một thể như hiện tại đã khó phối hợp rồi, nếu sau này tách thì khó lại càng khó hơn. Thủ tướng có lần nhắc nhở “đừng có quyền anh quyền tôi”, nếu chúng ta không cẩn thận thì sau này sẽ xung đột", đại biểu Nhưỡng nhấn mạnh.
Đại biểu này còn lo ngại, nếu thông qua việc tách luật thì rất có thể tạo ra tiền lệ pháp lý không tốt. Tách hai luật này ra thì sẽ có hệ lụy tiếp tục tách các luật khác. Và ông đề nghị vấn đề này cần phải xin ý kiến bằng phiếu biểu quyết của tất cả các đại biểu Quốc hội.
Các đại biểu Đoàn Việt Trung (đoàn Nam Định), đại biểu Nguyễn Đức Kiên (đoàn Sóc Trăng) đều cho rằng, cần kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội lấy ý kiến của đại biểu Quốc hội có tách thành hai luật hay không, sau đó mới bàn đến nội dung của hai Luật.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận