Xã hội

Đại biểu Quốc hội tranh luận, đề nghị làm rõ các phiên livestream bán hàng trăm tỷ/ngày

04/06/2024, 16:46

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa dùng quyền tranh luận đề nghị Bộ trưởng Công thương cho biết cụ thể thông tin các phiên livestream bán hàng trăm tỷ/ngày có đúng hay không? Nếu đúng, Bộ Công thương quản lý hình thức thương mại điện tử như thế nào?

Đại biểu dùng quyền tranh luận hỏi đến cùng 

Chiều 4/6, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì và điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội khóa XV tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp 7 nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực công thương.

Hoạt động bán hàng online, livestream bán hàng nở rộ thời gian vừa qua thu lợi lên tới hàng trăm tỷ/phiên là vấn đề thu hút rất nhiều đại biểu đặt câu hỏi chất vấn với Bộ trưởng Bộ Công thương.

Đại biểu Quốc hội tranh luận, đề nghị làm rõ các phiên livestream bán hàng trăm tỷ/ngày- Ảnh 1.

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nêu thời gian qua có hiện tượng livestream bán hàng trên mạng xã hội, doanh thu cả trăm tỷ đồng mỗi ngày. 

Ông đề nghị Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết thông tin này đúng hay không? Nếu đúng, đại biểu Nghĩa đề nghị Bộ trưởng Công thương cho biết quản lý hình thức thương mại điện tử như thế nào.

Với hình thức kinh doanh thương mại điện tử, cần phải làm thế nào để quản lý được chất lượng của các sản phẩm theo hình thức kinh doanh này?

Nêu vấn đề giá bán của các sản phẩm qua hình thức thương mại điện tử thấp hơn nhiều so với giá bán buôn, gây bất ổn thị trường, đại biểu Nghĩa đề nghị Bộ trưởng làm rõ việc cần nhận định vấn đề trên như thế nào và có cách xử lý thế nào? Đồng thời, Bộ đã học hỏi kinh nghiệm nào trên thế giới để giải quyết triệt để vấn đề?

Sau đó, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên đã trả lời một nhóm câu hỏi của các đại biểu bao gồm ông Đỗ Chí Nghĩa, nhưng chưa trả lời câu hỏi "các phiên livestream doanh thu trăm tỷ là thật hay ảo".

Tại phần trả lời này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhắc nhở Bộ trưởng Công thương cần trao đổi sát với câu hỏi của đại biểu Đỗ Chí Nghĩa, song phần trả lời sau cũng chưa rõ. 

Đại biểu Quốc hội tranh luận, đề nghị làm rõ các phiên livestream bán hàng trăm tỷ/ngày- Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên.

Không hài lòng với phần trả lời trên, đại biểu Nghĩa tiếp tục dùng quyền tranh luận, đề nghị Bộ trưởng Công thương trả lời thẳng vào câu hỏi là các livestream vừa qua, Bộ có biết không, thật hay ảo, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như thế nào?

Trao đổi thêm, đại biểu Nghĩa cho rằng giải pháp của Bộ Công thương là quản lý các sàn thương mại điện tử thì rất dễ vì đã có định danh.

"Nhưng các cá nhân bán hàng mới là vấn đề đáng lo, họ livestream bán hàng doanh thu cả trăm tỷ đồng mỗi ngày là vấn đề rất lớn, không còn mang tính cá nhân nữa. Nếu như đi theo giải pháp là xóa các trang như Bộ trưởng trình bày trong báo cáo và trước Quốc hội thì cũng không giải quyết được vì xóa đi mới khó, lập lại trang rất dễ", đại biểu nói.

Đại biểu Nghĩa cho rằng, nếu cứ đuổi theo như vậy khó giải quyết dứt điểm vấn đề.

"Nếu không đi đúng hướng thì cơ quan quản lý rất vất vả, cứ đuổi theo như ma trận, trong khi người tiêu dùng thì lãnh đủ, thuế thì thất thu", ông bình luận.

Bộ trưởng Công thương: "Khó quản lý bán hàng online, livestream"

Ngay sau đó, đại biểu Tạ Văn Hạ (Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội) đặt câu hỏi nêu thực tế hiện nay có tình trạng người nước ngoài bán bán hàng qua Facebook, Zalo... sau đó được xuất khẩu qua biên giới, chuyển phát nhanh và vận chuyển vào Việt Nam.

Tuy nhiên, hiện chưa có chế tài xử lý với người bán hay sàn thương mại điện tử khi xảy ra tình trạng hàng giả, nhái, do đó đại biểu đặt câu hỏi cần có giải pháp thế nào khắc phục tình trạng này, bảo vệ người tiêu dùng?

Đại biểu Quốc hội tranh luận, đề nghị làm rõ các phiên livestream bán hàng trăm tỷ/ngày- Ảnh 3.

Đại biểu Tạ Văn Hạ (Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội).

Lần này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phản hồi câu hỏi của đại biểu Tạ Văn Hạ trước. 

Ông thừa nhận thực sự khó khăn trong quản lý bán hàng online, livestream và trách nhiệm quản lý không chỉ của ngành công thương mà cần sự phối hợp của rất nhiều bộ, ngành liên quan như thông tin truyền thông quản lý về mạng, tài chính quản lý về thuế…

Do đó, giải pháp tốt nhất là sự phối hợp giữa các cơ quan, và Bộ Công thương sẽ chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan.

Ngoài ra, Bộ sẽ sử dụng các lực lượng quản lý thị trường tăng cường rà soát, kiểm tra để phát hiện, đấu tranh làm rõ hành vi sai phạm của các đối tượng bán hàng online, nhất là tìm địa điểm các đối tượng này tập kết hàng hoá, giao dịch, trao đổi thông tin, tăng chia sẻ dữ liệu với các cơ quan, để kịp thời xử lý sai phạm, chống thất thu thuế...

"Vì hoạt động của các đối tượng kinh doanh này thường biến hóa khôn lường nên quy định pháp luật cần rà soát kịp thời sửa đổi phù hợp thực tế ", ông nói và nhấn mạnh, đây là vấn đề mới không chỉ với Việt Nam mà cả thế giới.

"Hiện, tốc độ phát triển thương mại điện tử bình quân khoảng 20-25%/năm, quy mô thương mại 21 tỷ USD trong tương lai còn phát triển mạnh hơn", Bộ trưởng Diên thông tin thêm và khẳng định cần phát huy vai trò của hệ thống chính trị để "mọi vi phạm không thể thoát khỏi lưới trời". 

Đồng thời, cần tăng vai trò quản lý Nhà nước của địa phương trong xem xét xử lý xung đột lợi ích.

Trường hợp chứng minh người bán online, livestream... vi phạm pháp luật thì ngành chức năng xóa vĩnh viễn các trang kinh doanh online là phù hợp, từng bước giảm vi phạm pháp luật trong bán hàng online.

Đối với phần tranh luận của đại biểu Đỗ Chí Nghĩa, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên sau đó vẫn không trả lời thẳng vào câu hỏi có biết các phiên livestream bán hàng trăm tỷ mỗi ngày hay không?

Trao đổi thêm, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng vấn đề này nếu trả lời cụ thể sẽ rất dài nên đề nghị Bộ trưởng Diên trả lời thêm bằng văn bản.

Thông tin thêm, Bộ trưởng Diên cho biết: "Nếu có những trường hợp phát hiện vi phạm sẽ hoàn tất hồ sơ để chuyển cơ quan chức năng".

Về câu hỏi làm thế nào để quản lý được hoạt động livestream, Bộ trưởng Diên cho biết câu trả lời cũng tương tự như phần trả lời đại biểu Tạ Văn Hạ. Ngoài ra, cần phối kết hợp với lực lượng chức năng, tăng cường công tác truyền thông để nâng cao nhận thức của người dân.

Bộ trưởng Tài chính hé lộ số thuế khủng thu từ sàn thương mại điện tử

Tại phiên chất vấn chiều 4/6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã chia lửa với Bộ trưởng Bộ Công Thương về những nội dung liên quan tới hoạt động quản lý của Bộ Tài chính trong quản lý sàn thương mại điện tử.

Ông Phớc cho biết, Bộ Tài chính đã chủ trì, phối hợp quyết liệt với các bộ, ngành như Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Công an.

Bộ Tài chính đã kết nối cơ sở dân cư của Bộ Công an và chia sẻ với Bộ Công Thương 929 sàn thương mại điện tử và kiểm tra đối chiếu 361 sàn thương mại điện tử để thực hiện kết nối quản lý hạch thu.

Với Ngân hàng Nhà nước, Bộ cung cấp 144 triệu tài khoản, trong đó 10 triệu tài khoản của các tổ chức, còn lại là 134 triệu tài khoản của cá nhân.

"Về kết quả thực hiện, năm 2022, đã thu được 83.000 tỷ đồng và năm 2023 thu được 97.000 tỷ đồng và 5 tháng đầu năm nay đã thu được 50.000 tỷ đồng", ông Phớc thông tin.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, hiện có 96 nhà cung cấp nước ngoài như Facebook, Google, Tiktok đã đăng ký và nộp thuế ở cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính về sàn thương mại điện tử. Đến nay, các tập đoàn lớn này đã nộp 15.600 tỷ đồng về thuế thương mại điện tử.

"Sắp tới chúng tôi sẽ đẩy mạnh việc thực hiện một cách đồng bộ đối với việc thu thuế trên sàn thương mại điện tử cũng như với giao dịch điện tử", ông Phớc nói.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.