Sự cần thiết thực hiện phiên tòa trực tuyến
Tiếp tục kỳ họp thứ hai, chiều nay (23/10), Quốc hội thảo luận tại hội trường về các báo cáo công tác của Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021; Dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến.
Đại biểu Lý Tiết Hạnh (đoàn Bình Định)
Đại biểu Lý Tiết Hạnh (đoàn Bình Định) cho biết, theo báo cáo của Viện trưởng viện KSND cho thấy, nhiều quy định của các đạo luật về tư pháp còn có sự chưa thống nhất về nhận thức giữa các cơ quan tố tụng.
“Theo tôi nếu không thống nhất về nhận thức sẽ dẫn đến việc áp dụng pháp luật không thống nhất, ảnh hưởng đến kết quả điều tra, xét xử và tính kịp thời, nghiêm minh của pháp luật”, Đại biểu Hạnh nói.
Từ những lý do trên, Đại biểu Lý Tiết Hạnh kiến nghị VKSND tối cao và TAND tối cao cần có cơ chế để giải quyết, xử lý vấn đề này.
“Tôi đồng ý với kiến nghị Quốc hội chỉ đạo sơ kết về các đạo luật tư pháp, kịp thời xem xét, sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn”, bà Hạnh nói.
Vấn đề thứ hai được Đại biểu Hạnh nêu là vấn đề tổ chức thực hiện phiên tòa trực tuyến. Theo đó, việc tổ chức phiên tòa trực tuyến là hợp với xu hướng của thế giới.
“Tôi đồng tình với việc TAND tối cao đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến. Điều này vừa góp phần khắc phục án tồn đọng và vừa phù hợp với tình hình thực tiễn, với xu hướng của thế giới”, bà Hạnh nêu quan điểm.
Về nội dung này, bà Hạnh cho rằng, đây là vấn đề mới, nên cần phải có sự đánh giá, nghiên cứu hết sức cụ thể.
“Trước hết chúng ta nên giao cho các cấp tòa để thực hiện thí điểm đối với một số loại án, sau khi thí điểm, đánh giá nhiều thì mới triển khai rộng rãi”, bà Hạnh góp ý.
Về công tác xét xử, điều tra các vụ việc, vụ án, đại biểu đến từ Bình Định cho biết, thời gian qua nhiều vụ án lớn đã được đưa ra xét xử, điều này cử tri, nhân dân hết sức đồng tình ủng hộ.
Tuy nhiên, đại biểu Lý Tiết Hạnh cho biết, đến nay, một số vụ án, vụ việc đã diễn ra từ lâu, được các đại biểu, đoàn đại biểu Quốc hội nhiều lần kiến nghị, được cử tri và nhân dân quan tâm nhưng kết quả giải quyết cuối cùng chưa có.
“Ví dụ như vụ Hồ Duy Hải, vụ phân bón Thuận Phong (Đồng Nai), vụ buôn lậu gỗ trắc ở Quảng Trị. Tôi đề nghị các cơ quan hữu quan để ý, sớm giải quyết dứt điểm các vụ án này nói riêng và các vụ án tồn đọng nói chung”, bà Hạnh nói.
Đại biểu Trần Văn Tuấn (đoàn Bắc Giang)
Cần đẩy mạnh việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực
Thảo luận về báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (đoàn Bến Tre) đề nghị làm rõ vấn đề so với 2020, năm 2021 do ảnh hưởng của dịch bệnh, số cuộc thanh tra hành chính giảm 32%, thanh tra, kiểm tra chuyên ngành giảm 39%, số tập thể bị kiến nghị, xem xét xử lý hành chính giảm 30% nhưng mức độ vi phạm về kinh tế lại tăng.
“Cụ thể, tăng 6% số tiền vi phạm, tăng 49% về diện tích đất và tăng gần 4% số cá nhân bị chuyển cơ quan điều tra xử lý so với năm 2020”, Đại biểu Thủy nêu rõ.
Đề cập vấn đề năm 2021 kiểm tra 13 đơn vị là doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước thì phát hiệu 13 vụ có dấu hiệu tham nhũng, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy cho rằng báo cáo chưa làm rõ 13 vụ này xảy ra tại 13 đơn vị hay không.
“Trong trường hợp đó thì phát hiện 100% tại các đơn vị được kiểm tra, đây là do chọn đúng đối tượng thanh tra, kiểm tra, do đổi mới phương pháp hay do tình hình tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước có xu hướng gia tăng”, Đại biểu Thủy đặt câu hỏi.
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy cũng đề xuất Chính phủ cần phân tích làm rõ số liệu phòng, chống tham nhũng trên cơ sở so sánh với năm trước, từ đó xác định nguyên nhân khách quan, chủ quan để đánh giá kết quả đạt được thực chất hơn để đề ra giải pháp phù hợp.
Đại biểu Trần Văn Tuấn (đoàn Bắc Giang) cũng cơ bản nhất trí với báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021.
“Có thể khẳng định, năm 2021 công tác phòng, chống tham nhũng đã được Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo với quyết tâm mạnh mẽ, không ngừng nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, đạt được những kết quả tích cực. Qua đó góp phần xây dựng hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh hơn; củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước”, đại biểu Tuấn khẳng định.
Trong những tồn tại, hạn chế, đại biểu Trần Văn Tuấn đặc biệt quan tâm đến nguyên nhân cơ chế kiểm soát quyền lực chưa đủ mạnh, chưa được cải thiện.
Đại biểu đoàn Bắc Giang nhận định, quyền lực Nhà nước nếu không được kiểm soát tốt sẽ dẫn đến sự tha hóa, lạm quyền, lộng quyền, là nguyên nhân sâu xa, gốc rễ của tham nhũng.
Đại biểu Tuấn đề nghị trong thời gian tới, cần đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước, trước hết cần sớm nghiên cứu sửa đổi Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo.
“Ngay trong Luật còn có những bất cập trong quy định về trách nhiệm, trình tự giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là giải quyết khiếu nại... Về cơ bản các khiếu nại hành chính lại do các cơ quan hành chính giải quyết, không trách khỏi sự thiếu khách quan, thiếu nghiêm túc, đùn đẩy, chậm trễ trong giải quyết, gây tình trạng khiếu kiện đông người, vượt cấp, kéo dài, thậm chí thành điểm nóng gây bức xúc trong xã hội”, đại biểu Trần Văn Tuấn nhấn mạnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận