Giao thông

“Đại ca” bốc xếp ở Cảng Hoàng Diệu

12/02/2015, 07:23

Công nhân ở Cảng Hoàng Diệu gọi anh với biệt danh thân mật là “đại ca”, dưới anh là hơn 300 công nhân.

251
Anh Nguyễn Đình Khang

Bốc làm sao để “hút” hàng vào cảng

Công nhân ở Cảng Hoàng Diệu gọi anh với biệt danh thân mật là “đại ca”. Ở vị trí Trưởng ban Điều hành sản xuất chi nhánh Cảng Hoàng Diệu thuộc Cảng Hải Phòng, dưới anh là hơn 300 công nhân. “Năm nay, chúng tôi nhận khoán từ kế hoạch 5,2 triệu tấn hàng hóa bốc xếp của cảng. Tính chi li, trừ đi những ngày Tết, những ngày mưa to chủ tàu không cho dỡ hàng, mỗi ngày đội của tôi có thể bốc xếp trên 20 nghìn tấn hàng”, anh Khang nói.

“Vấn đề không đơn giản chỉ là bốc hàng, mà là bốc làm sao để hút hàng vào, tiếp tục có hàng để bốc khi cảng mình lại kém lợi thế cạnh tranh”, anh Khang trăn trở. Thực tế, Cảng Hoàng Diệu nằm sâu trong thành phố, luồng cạn, tàu vào phải chờ thủy triều, cạnh tranh làm tàu lớn thì thua xa Cảng Cái Lân là cảng nước sâu gần đó. Làm tàu nhỏ thì giá cước của Cảng Hoàng Diệu là giá của cảng to, người đông, thế nào cũng vẫn cao hơn vài chục cảng tư nhân nằm san sát liền kề. Phương tiện thiết bị của Cảng Hoàng Diệu lại già cỗi, chưa đáp ứng được yêu cầu của khách hàng.

Anh Khang cho biết, bốc hàng rời là khó khăn nhất. Mà khổ nỗi, chỉ những loại hàng rời nào khó nhất, không cảng nào “nhằn”, hoặc hàng yêu cầu chất lượng xếp dỡ cao, chủ hàng khó tính mới vào Cảng Hoàng Diệu. Ngồi trong căn phòng quá đơn sơ, Trưởng ban điều hành tiếp khách, gương mặt chữ điền sạm nắng gió trầm tư hẳn. Anh Khang nhận định, tuy kế hoạch yêu cầu tăng, song năm 2015 hàng có thể khó hơn năm trước, do cảng tư nhân mọc ra nhiều hơn, cạnh tranh mạnh hơn.

252
 

Gần 40 nămgắn bó với nghề

Anh Khang vào làm việc tại cảng Hoàng Diệu từ năm 1977, 38 năm gắn bó với anh em bốc xếp. Trên 300 người, gồm cả công nhân cảng và lực lượng hỗ trợ.

Ông Tô Đình Sơn, Chủ tịch Công đoàn Cảng Hải Phòng cho biết, anh Khang là một người toàn tâm, toàn ý với cảng, quyết đoán, dám chịu trách nhiệm, luôn tìm cách cải tiến công tác.

Những sáng kiến của anh được Hội đồng sáng kiến Cảng Hải Phòng khen thưởng mấy năm gần đây, đang áp dụng trong toàn cảng như: Đóng tôn 20-26 tấn/cuộn vào container; Đóng kiện kính rời vào container; Chế tạo bộ đệm lót cẩu ống thép quá khổ quá tải; Xếp nhiều ô tô con vào container theo yêu cầu của chủ hàng; Cải tiến chế tạo mâm sắt làm hàng bao; Thực hiện nội quy ATLĐ trong quy trình xếp dỡ tại hiện trường; Hoán cải từ phễu đóng gói hàng bao (50kg/bao) sang đóng gói hàng bịch (1 tấn/bịch); Dùng cần trục Kirop và xe nâng hàng TMC 5 tấn kết hợp trong xếp hàng từ bãi lên xe ô tô của chủ hàng; Thiết kế chế tạo ben đổ hàng thích hợp cho cần trục Kirop xếp dỡ hàng sắt phế, hay dịch chuyển bổ sung phương tiện để tổ chức khai thác hiệu quả tuyến hậu phương Cảng Hoàng Diệu...

Anh Nguyễn Văn Hoàn, vốn là “quân” anh Khang trong đội bốc xếp, nay là cán bộ Công đoàn Cảng Hải Phòng chia sẻ, anh Khang có uy và thương anh em lắm. “Dưới trướng” của “đại ca” Nguyễn Đình Khang, tập thể Ban điều hành sản xuất Cảng Hoàng Diệu luôn là một khối thống nhất, đoàn kết, trao đổi, giúp đỡ nhau trong công việc cũng như trong cuộc sống, nhiều năm liên tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của chi nhánh giao, nên được Tổng công ty Hàng hải VN và UBND, Liên đoàn Lao động TP Hải Phòng tặng Bằng khen và được Bộ GTVT công nhận danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc” đến nay là 6 năm liên tục...

Sáng kiến nhiều, được mọi người ghi nhận là thế, nhưng nói chuyện với tôi, anh Khang rất khiêm tốn: “Việc của tôi toàn việc nhỏ, lặt vặt hàng ngày, chỉ là chống ách tắc trong sản xuất, giải phóng tàu nhanh. Cả dây chuyền rất nhiều lực lượng, nếu ách tắc một nơi thì không giải phóng được hàng, mà không giải phóng được hàng, không có lương cho anh em…

Việc khó thì mình nghĩ cách làm cho dễ hơn, hiệu quả hơn, cũng là để cùng đơn giản hóa công việc. Như dỡ ô tô con nguyên chiếc từ trong hầm tối của tàu, xếp vào container, chỉ trầy xước một chút đền cả vài chục triệu, thậm chỉ cả trăm triệu đồng. Một container 20F thường chỉ đóng hai ôtô là khó khăn rồi, bây giờ mình đóng được ba ôtô, anh em có thêm lương mà giải phóng hàng nhanh, khách hàng tiếp tục đưa tàu đến cảng thì mới có việc, mà có việc anh em mới có lương”, anh Khang tâm sự.

Trả lời câu hỏi của tôi về việc nếu thường xuyên phải cải tiến các quy trình, mới có thể đáp ứng được nhiệm vụ, vậy tại sao cảng không chính thức sửa đổi quy trình, anh Khang cười nói: “Quy định, quy trình là yêu cầu chung, thực tế sản xuất đòi hỏi thì phải có cải tiến, phải linh hoạt. Song cái mới, có khi chỉ người này làm được, người khác làm lại hỏng, nên vẫn cần quy trình và phải có cải tiến”.

Tất cả những vinh dự của một người thợ anh Khang đều đã có. Kể từ năm 1999 đến nay, liên tục 15 năm anh giữ danh hiệu “Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở”. Từ 2003 đến nay, liên tục 12 năm được Tổng giám đốc Cảng Hải Phòng công nhận là “Điển hình tiên tiến xuất sắc” và “Công nhân lao động tiêu biểu”.

Năm 2008, anh được Tổng liên đoàn LĐVN tặng “Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh” và nhiều bằng “Lao động sáng tạo” qua các năm. Năm 1999, anh cũng được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Năm 2003, TP Hải Phòng công nhận là “Chiến sỹ thi đua cấp Thành phố”. Liên tục nhiều năm, anh Khang được Bộ GTVT công nhận là “Chiến sỹ thi đua cấp Ngành”. Mới đây nhất, năm 2014 anh được Tổng liên đoàn LĐVN tôn vinh trong chương trình Vinh quang VN lần thứ XI trong dịp Quốc tế lao động 1/5.

Nói về những lần được khen thưởng này, anh Khang chia sẻ: “Không thưởng cũng vẫn làm, vì nếu không làm, sản xuất ách tắc. Với người thợ có việc làm, có lương là vui rồi”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.