Hàng nghìn kỹ sư, công nhân bám công trường
Chưa khi nào Hà Nội cùng lúc triển khai nhiều dự án, trong đó có các dự án giao thông như hiện nay.
Từ dự án đầu tư, xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô, đường Vành đai 3,5, mở rộng quốc lộ 6, đến dự án mở rộng đường Âu Cơ - Nghi Tàm, xây dựng đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội...
Cả thành phố như một đại công trường, rầm rập tiếng máy móc thi công. Tất cả đang cùng chuyển động mạnh mẽ, đặc biệt sau chuyến thị sát của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ.
Ghi nhận của PV trên công trường dự án đường Vành đai 4, từ 18/2, các nhà thầu huy động nhân công, tăng tốc triển khai hàng chục mũi thi công cầu, đường.
Trên công trường đoạn qua địa bàn các huyện Hoài Đức, Đan Phượng, Mê Linh... hàng nghìn công nhân cùng nhiều máy móc được huy động, làm việc cả ngày lẫn đêm.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Chỉ huy trưởng gói thầu số 9 (đoạn qua huyện Hoài Đức) cho biết, nhà thầu đang triển khai thi công đồng loạt tất cả các hạng mục đắp cát nền đường, xử lý nền đất yếu, các công trình cầu, cống và một số công trình phụ trợ khác.
"Chúng tôi sẽ hoàn thành 100% nền đường và công trình cầu đúng tiến độ nếu không vướng mặt bằng.
Hiện tại đã huy động trên 140 đầu thiết bị máy móc với gần 200 cán bộ, kỹ sư, công nhân viên và tận dụng điều kiện thời tiết thuận tiện để thi công", ông Hải nói và cho biết thêm, công tác xử lý nền đất yếu sẽ hoàn thành trong tháng 6/2024.
Tại gói thầu số 8 qua huyện Mê Linh, hàng trăm công nhân thi công hạng mục dầm cầu vượt qua đường sắt, công trường rầm rập tiếng máy.
Ông Tô Văn Ba, Chỉ huy trưởng gói thầu số 8 chia sẻ, nhà thầu chịu trách nhiệm thi công các hạng mục gồm 90 phiến dầm, 2 mố, 15 trụ.
Hiện đơn vị đã thi công được 30% khối lượng theo hợp đồng. Dự kiến đến tháng 12/2024, đoạn tuyến hoàn thành và thông xe kỹ thuật.
Không khí thi công các ga ngầm tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội nhộn nhịp không kém sau chuyến thị sát của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ngày mùng 3 Tết.
Công trình ban ngày nhộn nhịp, ban đêm sáng đèn, rộn ràng tiếng máy móc để chạy đua tiến độ.
Còn ở dự án xây dựng hai đơn nguyên cầu đô thị và tổ chức giao thông nút giao Mai Dịch thuộc đường Vành đai 3, nhà thầu cũng đang đồng loạt thi công nhiều hạng mục.
Ông Trần Văn Quyền, Quản lý thi công thuộc nhà thầu Tokyu cho biết, sau kỳ nghỉ Tết, nhà thầu đã huy động khoảng 70 công nhân thi công hệ thống lan can, đắp nền đường dẫn, thảm nhựa lối quay đầu dưới gầm cầu...
Đến thời điểm này, các hạng mục chính tại dự án đã cơ bản hoàn thành, sản lượng thi công đạt khoảng 82%. Dự kiến đến 31/3, tất cả các hạng mục sẽ hoàn thành.
Không để chậm tiến độ
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Chí Cường, Giám đốc Ban Quản lý dự án giao thông Hà Nội cho biết, từ trước Tết đã họp với các đại diện nhà thầu dự án trên địa bàn yêu cầu không để lễ, Tết làm gián đoạn tiến độ.
Theo ông Cường, về tiến độ dự án đường Vành đai 4 ở 3 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên) hiện đã phê duyệt phương án và thu hồi đất được hơn 1.300/1.390ha, đạt 94,36%, di chuyển 15.760/16.377 ngôi mộ, đạt 96,23%.
Thành phố đã xây dựng 13 khu tái định cư với tổng diện tích 32,5ha, trong đó đã cơ bản hoàn thành 5 khu và đang thi công xây dựng 8 khu.
Trên toàn tuyến đường song hành tại Hà Nội đã tổ chức 32 mũi thi công, gồm 2 mũi thi công đường và 9 mũi thi công cầu. Toàn tuyến đường song hành dự kiến hoàn thành trong năm 2025.
Trong khi đó, dự án thành phần 3 đường cao tốc (dự án PPP) dự kiến được khởi công vào đầu quý IV/2024.
Trên tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội, đại diện Ban Quản lý dự án Đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) thông tin, tới thời điểm này, dự án đạt tiến độ tổng thể khoảng hơn 78%, trong đó đoạn trên cao Nhổn - Kim Mã đã đạt 99,8%, dự kiến vận hành vào tháng 6/2024.
"Theo chỉ đạo của Thủ tướng, dự án đã kéo dài sẽ càng đội vốn, hiệu quả đầu tư thấp. Nhận thức được trách nhiệm, chúng tôi nỗ lực cùng với các nhà thầu đang đẩy nhanh tiến độ, nhất là các ga ngầm, với tinh thần quyết tâm không thể để tiến độ lùi.
Một số ga ngầm của dự án như S12, vừa qua công nhân đã thi công xuyên Tết bù tiến độ. Sau Tết, chúng tôi liên tục động viên công nhân, tăng lương để anh em nỗ lực bám công trường thi công ngày đêm", đại diện MRB khẳng định.
Theo Kế hoạch 272 của UBND TP Hà Nội, tổng số dự án, công trình trọng điểm giai đoạn 2021-2025 sau điều chỉnh của thành phố gồm 42 dự án thuộc 11 lĩnh vực, trong đó có 15 dự án thuộc lĩnh vực giao thông.
Đáng chú ý, trong số này mới chỉ có dự án đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 và tuyến đường bộ trên cao dọc đường Vành đai 2 đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở, kết hợp với mở rộng đoạn từ Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Vọng theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) đã hoàn thành.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận