Văn hóa - Giải Trí

Đại gia Bắc Ninh chi cả trăm tỷ đồng để mua ấn vàng triều Nguyễn là ai?

13/02/2023, 20:06

Ông Nguyễn Thế Hồng người chi hơn 153 tỷ đồng mua ấn vàng Hoàng đế chi bảo là một doanh nhân kín tiếng ở Bắc Ninh.

Thông tin hiếm về vị đại gia kín tiếng, mê cổ vật

Thông tin ông Nguyễn Thế Hồng - chủ tịch Hội Cổ vật Bắc Ninh là người đã theo đuổi việc mua ấn vàng Hoàng đế chi bảo suốt mấy tháng qua đang thu hút sự chú ý của dư luận.

img

Ông Nguyễn Thế Hồng và ấn vàng Hoàng đế chi bảo

Đặc biệt, ông Hồng cũng là người bỏ ra toàn bộ các chi phí để Nhà đấu giá Millon hủy bỏ cuộc đấu giá chiếc ấn báu, đồng ý để đàm phán thương lượng, mua trực tiếp với mức giá hơn 6,1 triệu Euro (hơn 153,4 tỷ đồng).

Dưới sự bảo trợ của Chính phủ và các bộ, ngành, cơ quan Việt Nam, công tác ký hợp đồng mua chiếc ấn quý giữa ông Hồng và hãng Millon đã được thực hiện vào ngày 12/1 theo giờ Pháp (ngày 13/1 theo giờ Việt Nam).

Được biết, ông Nguyễn Thế Hồng sinh năm 1961, là một doanh nhân đã có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản ở Bắc Ninh.

Ông có niềm đam mê với cổ vật và đã sưu tập cổ vật từ rất sớm. Ông thành lập Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng (huyện Từ Sơn, Bắc Ninh) để trưng bày bộ sưu tập cổ vật đồ sộ của mình.

Cùng với đó, ông thành lập Công ty TNHH Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng (hoạt động từ tháng 5/2022) với nhiều hoạt động nghiên cứu, sưu tập, kinh doanh, trong đó có hoạt động môi giới, đấu giá.

Theo thông tin của Tạp chí Cổ vật xưa và nay, ông Hồng là người kiệm lời, nhưng luôn tự hào vì đã bỏ công sức, tiền bạc để đi các nơi trong, ngoài nước tầm kiếm cổ vật.

Ông từng tự hào tiết lộ: “Trong sưu tập sứ cổ Trung Hoa hiện tôi đang sở hữu một số cổ vật mang dấu ấn cung đình mang từ Đài Loan về bầy chơi trong nhà”.

Trên các phương tiện truyền thông, không có nhiều tin tức về vị đại gia kín tiếng này.

Chủ sở hữu bảo vật quốc gia hơn 2.200 năm tuổi

Bảo tàng có nhiều cổ vật đồng, gốm sứ, đồ gỗ. Chiếc Thạp đồng Văn hóa Đông Sơn niên đại cách ngày nay 2.200 - 2.300 năm (thế kỷ III - II trước Công nguyên), hiện lưu giữ tại bảo tàng, được công nhận là bảo vật quốc gia hồi tháng 1/2023.

Hiện tại, chiếc thạp được trưng bày trang trọng trên tầng 5 tòa nhà của công ty TNHH Nam Hồng.

img

Hình ảnh tổng thể thạp đồng văn hóa Đông Sơn của Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng. Ảnh tư liệu Cục Di sản văn hóa

Cụ thể, theo hồ sơ bảo vật, thạp đồng văn hóa Đông Sơn của Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng cơ bản còn nguyên thân thạp, chỉ một số chỗ nhỏ bị sửa chữa. Hoa văn trang trí sắc nét, rõ ràng. Toàn bộ thạp phủ lớp patin hơi xanh gỉ đồng ngả vàng.

Căn cứ vào hình dáng, kỹ thuật chế tác và đặc biệt là hoa văn trang trí, thạp đồng này thuộc giai đoạn văn hóa Đông Sơn. Niên đại cách ngày nay 2.200 - 2.300 năm.

Thạp có dáng gần hình trụ tròn (hình quả nhót), phần miệng hơi thu lại, phần thân trên phình ra và thon dần xuống đáy. Đáy nhỏ hơn miệng. Miệng thạp có gờ ở mép để đậy nắp. Trên thân thạp có gắn đôi quai kép nằm đối xứng nhau qua thân. Quai được gắn vào sau, không đúc liền với thân thạp.

img

img

Chiếc thạp bị mất nắp

Về kích thước, thân thạp cao 39 cm, tương đương với kích thước của thạp Hợp Minh - bảo vật quốc gia năm 2013. Đường kính miệng thạp 33 cm; đường kính đáy thạp 28,5 cm.

Trong hồ sơ bảo vật quốc gia, công ty TNHH Nam Hồng cho biết đang có dự án xây dựng bảo tàng để trưng bày cổ vật và chuẩn bị cho chiến lược quảng bá đến với khách tham quan.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.