Ngày 31/7, quan tài của đại úy Lê Ánh Sáng (33 tuổi, nạn nhân trong vụ sạt lở đèo Bảo Lộc) được đưa về nhà một người thân ở TP Bảo Lộc (Lâm Đồng) để tổ chức tang lễ.
Người thân, đồng đội đứng chật kín không gian làm lễ, ai cũng tiếc thương cho số phận ngắn ngủi của đại uý Sáng.
Ông Lê Ngọc Vĩnh (72 tuổi, quê Hà Tĩnh) dáng người gầy gò, đứng chắp tay về hướng dòng người đến viếng con trai với đôi mắt đỏ hoe.
Ông Vĩnh chia sẻ: “Theo kế hoạch, gia đình sẽ vào Tây Nguyên để tổ chức lễ cưới, mừng hạnh phúc cho con nhưng không ngờ chuyến đi này là để đưa con về trong đau thương”.
“Hai con vừa làm đám hỏi, dự định 30/7 (âm lịch) này hai bên gia đình tổ chức tiệc cưới nhưng không ngờ con không còn nữa. Khi nghe tin con gặp nạn, gia đình chết lặng, tôi tức tốc bắt xe vào cùng con nhưng không ngờ Sáng đã không còn...”, ông Vĩnh nghẹn lời.
Ông cho biết, sau khi ra trường, Sáng được chuyển về Công an tỉnh Lâm Đồng công tác ở Phòng CSGT. Gia đình ở Hà Tĩnh, trong Lâm Đồng chỉ có mỗi Sáng.
Trong không khí tang thương, người vợ sắp cưới của đại uý Sáng ngồi thẫn thờ bên chiếc quan tài, nhìn dòng người đến thắp hương cho chồng sắp cưới rồi bật khóc nức nở.
Người vợ sắp cưới của Đại uý Sáng khóc nức nở trước sự ra đi đột ngột của anh. Ảnh: N.H
Một cán bộ thuộc Phòng CSGT Lâm Đồng chia sẻ: “Đồng chí Sáng luôn hết mình vì công việc, sống nghĩa tình với anh em. Sáng mới tổ chức đám hỏi, dự định tháng tới làm đám cưới nhưng không ngờ tai họa ập đến đúng lúc ngày hạnh phúc nhất đang cận kề”.
Cùng ngày, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang cùng đoàn công tác đã đến hiện trường vụ sạt lở tại khu vực đèo Bảo Lộc để thị sát, chỉ đạo công tác cứu hộ cứu nạn, khắc phục hậu quả. Đồng thời, Phó thủ tướng đã đến gửi lời động viên, chia buồn sâu sắc tới người thân của đại uý Sáng.
Sau lễ viếng, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về công tác phòng chống thiên tai và cứu hộ, cứu nạn tại trụ sở của huyện Bảo Lộc.
Phó thủ tướng Trần Lưu Quang thăm hỏi, động viên thân nhân đại uý Sáng. Ảnh: N.H
Theo Phó thủ tướng, vụ sạt lở tại đèo Bảo Lộc là sự mất mát lớn lao, đau thương không gì có thể bù đắp được. Chính phủ yêu cầu tỉnh Lâm Đồng và các bộ, ban, ngành trung ương phối hợp tiếp tục thực hiện tốt công tác khắc phục hậu quả. Đồng thời, quan tâm, chia sẻ, động viên các cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh và người dân tử vong trong vụ sạt lở đất.
Đặc biệt, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang giao tỉnh Lâm Đồng và các bộ, ban, ngành trung ương nhanh chóng hoàn tất các thủ tục để Chính phủ truy tặng danh hiệu “Tổ quốc ghi công” cho các cán bộ, chiến sĩ hy sinh khi đang làm nhiệm vụ.
Cùng ngày, Bộ Công an đã có quyết định truy thăng quân hàm 3 cán bộ CSGT Trạm Madaguôi (thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh Lâm Đồng) khi làm nhiệm vụ trên đèo Bảo Lộc.
Cụ thể, thăng quân hàm cho thiếu tá Nguyễn Khắc Thường (42 tuổi) lên trung tá; thăng quân hàm cho thượng úy Lê Quang Thành (46 tuổi) lên đại úy; thăng quân hàm cho thiếu úy Lê Ánh Sáng (33 tuổi) lên đại úy.
Như Báo Giao thông đưa tin, khoảng 15h ngày 30/7, đèo Bảo Lộc đoạn qua trụ sở chốt CSGT (thuộc Trạm Cảnh sát giao thông Madaguôi) bị sạt lở nghiêm trọng, hàng chục khối đất đá đã sạt trượt từ trên đỉnh đèo xuống lấp toàn bộ mặt đường quốc lộ 20. Một phần trụ sở chốt CSGT bị vùi lấp làm ba cán bộ, chiến sĩ và một người dân bị vùi lấp.
Tại thời điểm xảy ra sạt lở, một chiếc xe khách loại 45 chỗ đang lưu thông trên đèo đã bị đất đá đẩy trôi vào hộ lan về phía vực trên đèo Bảo Lộc, một ô tô con khác cũng bị vùi lấp.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận