Ưu tiên phát triển giao thông kết nối
Theo quy hoạch thời 2021 - 2030 được công bố, Đắk Lắk chú trọng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại.
Đặc biệt chú trọng phát triển hạ tầng giao thông nội vùng và liên vùng, kết nối với các tỉnh lân cận thuộc vùng Tây Nguyên, khu vực Duyên hải miền Trung, vùng Đông Nam Bộ; đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình, dự án động lực, trọng điểm tạo điều kiện thuận lợi để phát triển thương mại, du lịch, công nghiệp.
Theo phương án phát triển mạng lưới đường bộ tỉnh Đắk Lắk thời kì 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 sẽ xây dựng hệ thống giao thông đồng bộ, kết nối liên hoàn với hệ thống giao thông quốc gia, vùng và nội tỉnh, tạo thành một mạng lưới giao thông thông suốt, hiệu quả.
Trong đó, công trình cấp quốc gia gồm có: Cao tốc Bắc - Nam phía Tây (CT02), đoạn TP Pleiku (tỉnh Gia Lai) - TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) có chiều dài dự kiến 160km với 6 làn xe và TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) - TP Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông) có chiều dài dự kiến 105km với 6 làn xe.
Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (CT24) có chiều dài hơn 117km với 4 làn xe đang triển khai thi công kết nối từ cảng Nam Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) đến TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk).
Ngoài ra, đối với các tuyến đường tỉnh đến năm 2030 có khoảng 26 tuyến, với tổng chiều dài khoảng 1.103 km quy mô đạt tối thiểu cấp IV, 2 - 4 làn xe, đường đô thị. Định hướng đến năm 2050 có khoảng 44 tuyến, với tổng chiều dài khoảng 1.670 km; quy mô đạt tối thiểu cấp III, 2 - 4 làn xe, đường đô thị; nhựa hóa hoặc bê tông hóa mặt đường đạt 100%.
Các tuyến đường huyện, đến năm 2030, các tuyến đường huyện đạt khoảng 1.825 km, quy mô đạt tối thiểu cấp IV - V, đường đô thị. định hướng đến năm 2050 đạt khoảng 3.045 km, quy mô đạt tối thiểu cấp IV, đường đô thị; nhựa hóa hoặc bê tông hóa mặt đường đạt 100%,…
Đối với mạng lưới bến xe, đến năm 2030, bến xe sẽ phân bố đều trên các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh, đảm bảo các đô thị loại IV trở lên có ít nhất 2 bến xe khách và đạt loại 3.
Các đơn vị hành chính còn lại có ít nhất 1 bến xe khách và đạt loại 4. Định hướng xây dựng các bến xe tích hợp (xe khách, xe tải), ưu tiên đầu tư xây dựng bến xe tại các huyện chưa có bến xe.
Ông Phạm Ngọc Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết: "Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Đắk Lắk có nền kinh tế theo mô hình tăng trưởng xanh, tuần hoàn, quy mô kinh tế vươn lên đứng trong nhóm 25 tỉnh phát triển thịnh vượng đứng đầu cả nước.
Để đạt được kết quả trên, Đắk Lắk sẽ tập trung thực hiện 4 nhiệm vụ trọng tâm và 5 đột phá phát triển. Cụ thể, cơ cấu lại các ngành sản xuất - nông nghiệp, công nghiệp theo hướng nâng cao hiệu quả dựa trên công nghệ cao, chuyển đổi số và giá trị gia tăng cao.
Phát triển mạng lưới đô thị, ưu tiên nguồn lực đầu tư, mở rộng địa giới hành chính để TP Buôn Ma Thuột xứng tầm một đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên.
Đắk Lắk cần đột phá về kết nối hệ thống giao thông hoàn chỉnh nội, ngoại về; phát triển ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát triển căn bản, toàn diện về giáo dục, đào tạo và y tế. Tập trung triển khai có hiệu quả cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP Buôn Ma Thuột".
Xây dựng Đắk Lắk là trung tâm vùng Tây Nguyên
Theo quyết định quy hoạch, phương án, định hướng phát triển kinh tế, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện quy hoạch của Đắk Lắk theo cấu trúc một trọng điểm, ba cực, ba hành lang, ba tiểu vùng.
Cụ thể, ba cực phát triển gồm: Thị xã Buôn Hồ, thị xã Ea Kar, thị trấn Ea Đrăng và phụ cận huyện Ea H'leo.
Ba hành lang động lực gồm: Hành lang kinh tế tổng hợp (QL14), hàng lang nông nghiệp công nghệ cao, kinh tế dịch vụ và du lịch (QL29), hàng lang phía đông (QL26 và cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột).
Ba tiểu vùng gồm: Tiểu vùng trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột, các huyện Cư M'gar, Krông Pắk, Cư Kuin, Krông Ana, Buôn Đôn; Tiểu vùng phía Bắc gồm: thị xã Buôn Hồ và các huyện Ea Súp, Ea Hleo, Krông Năng, Krông Búk; Tiểu vùng phía Đông Nam gồm: các huyện Ea Kar, M'Drắk, Krông Bông, Lắk.
Theo đó, Đắk Lắk sẽ xây dựng TP Buôn Ma Thuột thực sự là đô thị trung tâm, là cửa ngõ của vùng Tây Nguyên hội nhập với khu vực và quốc tế, là thành phố xanh, sinh thái, thông minh, bản sắc; người dân được thụ hưởng một đời sống chất lượng với dịch vụ xã hội tốt, môi trường được đảm bảo, cơ hội việc làm và thu nhập cao.
Tầm nhìn đến năm 2050, Đắk Lắk trở thành tỉnh có nền kinh tế theo mô hình tăng trưởng xanh, tuần hoàn. Quy mô kinh tế vươn lên đứng trong nhóm 25 tỉnh phát triển thịnh vượng đứng đầu cả nước. Phát triển xứng tầm các chức năng ở nhiều cấp độ vùng Tây Nguyên, quốc gia, quốc tế.
Trong đó, TP Buôn Ma Thuột là "Thành phố cà phê thế giới", trung tâm đô thị vùng, trung tâm văn hóa, trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học vùng Tây Nguyên và khu vực Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính Phủ Trần Hồng Hà cho biết: "Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk được công bố hôm nay được xây dựng với tầm nhìn dài hạn dựa trên tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh nhằm cụ thể hóa chủ trương của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên.
Quy hoạch sẽ mở ra những cơ hội, không gian phát triển mới cho tỉnh Đắk Lắk. Với sự kỳ vọng sẽ tạo ra dư địa phát triển mới với các sản phẩm nông, lâm sản lợi thế quy mô lớn, chất lượng cao, hướng tới thị trường xuất khẩu; Kinh tế đô thị, hạ tầng số, hạ tầng thủy lợi; Dịch vụ logistics, du lịch,…".
"Đắk Lắk nghiên cứu, hoàn thiện, tạo cơ chế chính sách đột phá; tập trung cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đào tạo, thu hút nhân lực, phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại liên kết với các vùng, mở rộng cơ hội thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế ngoài nhà nước.
Đồng thời, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển", Phó Thủ tướng nhấn mạnh
Phương án phát triển đô thị đến 2030, hệ thống đô thị tỉnh Đắk Lắk có 31 đô thị, gồm: 01 đô thị loại I trực thuộc tỉnh là TP Buôn Ma Thuột; 1 đô thị loại III là thị xã Buôn Hồ; 6 đô thị loại IV là thị xã Ea Kar, thị trấn Phước An, thị trấn Buôn Trấp, thị trấn Ea Đrăng, thị trấn Quảng Phú, thị trấn Ea Pốk; 23 đô thị loại V.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận