Một trong những vấn đề trọng tâm sửa đổi lần này là nội dung liên quan đến bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
Khu tái định cư Phú Diễn (quận Bắc Từ Liêm) - nơi quy hoạch trục đường Hồ Tây - Ba Vì đi qua. Ảnh minh họa: Tạ Hải
Có thể nói, vấn đề bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất luôn là vấn đề được mọi người dân, cả xã hội quan tâm, bởi nó ảnh hưởng trực tiếp tới quyền và lợi ích của người sử dụng đất.
Qua gần 8 năm thi hành Luật Đất đai năm 2013, những quy định liên quan tới vấn đề này đã bộc lộ nhiều điểm bất cập, hạn chế, gây bức xúc cho các chủ thể bị thu hồi đất.
Hay nói cách khác, vấn đề mấu chốt khó khăn, vướng mắc lớn nhất hiện nay của Luật Đất đai 2013 là vấn đề bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, việc chậm tiến độ tại 3 khâu này dẫn đến dự án sẽ bị kéo dài, gây thiệt hại kinh tế cho Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Do vậy, việc xem xét, sửa đổi một số quy định liên quan đến bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hướng tới đảm bảo quyền lợi cho các chủ thể bị Nhà nước thu hồi đất là vô cùng cần thiết.
Nhìn vào nội dung dự thảo sửa đổi lần này, mục tiêu giải quyết hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư; đảm bảo sinh kế bền vững và tốt hơn cho người có đất bị thu hồi; khắc phục tình trạng khiếu kiện, chậm tiến độ GPMB các dự án đầu tư… đã được thể hiện khá rõ.
Theo đó, dự thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung nguyên tắc bồi thường theo hướng đa dạng các hình thức bồi thường về đất đối với hộ gia đình, cá nhân có đất bị thu hồi để phù hợp với nhu cầu người sử dụng đất và điều kiện cụ thể của từng địa phương. Trong đó, điển hình là quy định việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải thực hiện trước khi có quyết định thu hồi đất.
Việc bổ sung, thay đổi, sửa đổi một số điều của Dự luật đã phần nào tháo gỡ được một số điểm nghẽn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Đất đai trong 8 năm qua.
Bên cạnh đó, việc bỏ khung giá đất được xem là bước đột phá trong sửa đổi Luật Đất đai lần này. Điều này sẽ tạo điều kiện cho các địa phương được chủ động xác định giá đất sát thực với giá đất thị trường, đạt được mục tiêu hoàn thiện cơ chế giá đất.
Tuy nhiên, như nhiều ý kiến chuyên gia đã phân tích, dự thảo luật cần phải cụ thể hoá hơn nữa các quy định liên quan đến đền bù GPMB theo hướng đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước, người dân và nhà đầu tư.
Trong đó, cần xác định người dân là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, động lực, nguồn lực, không ai bị bỏ lại phía sau. Khi đó, chắc chắn sẽ giảm được lãng phí, tiêu cực, giảm tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến đất đai, vốn là vấn đề nhức nhối thời gian qua.
Nói cách khác, khi quyền lợi của người dân được quan tâm, đời sống và sinh kế của họ được đảm bảo, đất bị thu hồi được đền bù thỏa đáng theo giá thị trường, không có lý gì họ lại không sẵn lòng nhường đất cho các dự án phát triển KT-XH, nhất là các dự án hạ tầng giao thông.
TS. Phạm Quang Long
Phó chủ tịch Hiệp hội Khoa học Hành chính Việt Nam
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận