210 tội danh liên quan đến giết người
Theo đó, nghi phạm được xác định là Taleb al-Abdulmohsen (50 tuổi), công dân Ả Rập Xê Út, đã sống ở Đức từ năm 2006 và hành nghề bác sĩ tại TP Bernburg (cách Magdeburg khoảng 45km về phía Nam).
Hãng tin CNN cho biết nghi phạm thường xuyên đưa ra những phát ngôn chống lại Hồi giáo, tự nhận mình là người bất đồng chính kiến với Ả Rập Xê Út, công khai tuyên bố từ bỏ đức tin với tôn giáo của mình và cáo buộc chính phủ Đức thúc đẩy "Hồi giáo hóa" đất nước.
Khoảnh khắc kinh hoàng ô tô đâm thẳng vào đám đông tại hội chợ Giáng sinh ở Magdeburg (Đức). (Video: Newsweek)
Nghi phạm đã nhiều lần đụng độ với lực lượng thực thi pháp luật. Trong đó vào năm 2013, Taleb bị kết tội gây rối trật tự công cộng bằng cách đe dọa thực hiện hành vi phạm tội.
Tuy nhiên sau đó nghi phạm chỉ bị phạt 900 euro (khoảng 23 triệu đồng) và được phép ở lại Đức. Bản án cũng không ảnh hưởng đến yêu cầu tị nạn của Taleb.
Cơ quan chức năng TP Magdeburg đang điều tra động cơ của nghi phạm, bước đầu xác định vụ tấn công đẫm máu có thể xuất phát từ sự bất mãn của nghi phạm trước chính sách của Đức đối với người tị nạn.
Ông Horst Walter Nopens, lãnh đạo Văn phòng Công tố viên Magdeburg, cho rằng nghi phạm có thể phải đối mặt với 5 tội danh giết người và 205 tội danh âm mưu giết người.
Trước đó vào ngày 20/12 (giờ địa phương), nghi phạm bị cáo buộc đâm xe vào đám đông tại chợ Giáng sinh Magdeburg, khiến ít nhất 5 người thiệt mạng, khoảng 200 người bị thương, trong đó 41 người hiện đang nguy kịch.
Ả Rập Xê Út nhiều lần cảnh báo Đức
Ngay sau vụ tấn công khiến hơn 200 người thương vong có liên quan đến công dân Ả Rập Xê Út, Bộ Ngoại giao Ả Rập Xê Út đã ra tuyên bố lên án vụ việc.
Nguồn tin an ninh Đức cho biết Ả Rập Xê Út coi nghi phạm là tội phạm bỏ trốn khỏi đất nước, nhiều lần cảnh báo chính quyền Đức về quan điểm cực đoan mà nghi phạm công khai bày tỏ trên mạng xã hội và cho rằng đối tượng liên tục quấy rối người Ả Rập Xê Út có quan điểm khác biệt ở nước ngoài.
Trong đó cảnh báo đầu tiên được ban hành vào năm 2007, sau đó Ả Rập Xê Út tiếp tục yêu cầu dẫn độ Taleb vào năm 2007 và 2008 nhưng chính quyền Đức đã từ chối với lý do lo ngại cho sự an toàn của người đàn ông này.
Khoảng 1 năm trước, Ả Rập Xê Út cũng tiếp tục cảnh báo chính quyền Đức về Taleb, nhưng thông tin chi tiết của cảnh báo vẫn chưa được hé lộ.
Một nguồn tin khác trao đổi với hãng tin CNN, cho rằng Ả Rập Xê Út đã cảnh báo Đức về đối tượng này trong 4 thông báo chính thức.
Trong đó, có 3 thông báo đã được gửi đến các cơ quan tình báo Đức và 1 thông báo được gửi đến Bộ Ngoại giao Đức, nhưng không nhận lại hồi âm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận