3 phương án GPMB để triển khai dự án
Chiều 4/11, ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định chủ trì buổi đối thoại với người dân bị ảnh hưởng GPMB dự án đường Lê Hồng Phong nối dài. Tại đây, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đưa ra 3 phương án đối với công tác GPMB để triển khai dự án này.
Thứ nhất, bồi thường cho người dân theo tiêu chí là thu hồi đất từ trong hẻm, khi đến chỗ ở mới (khu tái định cư tại Dự án đô thị Thương mại Bắc sông Hà Thanh) sẽ được bố trí nằm ở mặt đường rộng 20m, đất đổi đất, nhà cũ đền bù nhà mới, không thiếu 1m2 nào.
Phương án 2 là định giá đất để đền bù theo giá thị trường, nếu người dân muốn qua khu nhà nước quy hoạch thì tham gia đấu giá. Nghĩa là cho người dân xem xét lựa chọn theo hướng Nhà nước bồi thường vật kiến trúc, đất đai theo giá thị trường, các hộ tự giải quyết chỗ ở. Phương án cuối cùng, nếu người dân không đồng ý thì dừng dự án, bà con cứ ở như nguyên trạng khi nào đồng thuận thì làm.
Tuy nhiên, buổi đối thoại vấp phải sự phản đối của đa số người dân. Ý kiến của đại diện tập thể người dân hẻm 147 Nguyễn Huệ (TP Quy Nhơn) cho rằng, phần đất và nhà ở hiện nay của họ nằm ngoài dự án làm đường, không ảnh hưởng gì đến dự án mà vẫn bị thu hồi là điều vô lý.
"Chúng tôi cư trú lâu đời ở đây và sống gắn với biển. Giờ di dời đến nơi khác sẽ mất kế sinh nhai, từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, việc học hành của con cái chúng tôi sẽ bị đảo lộn. Hơn nữa đất chúng tôi đang ở hiện nay nằm ở trung tâm thành phố, sau khi thu hồi sẽ đưa chúng tôi ra ngoại thành để ở, việc này gây bất lợi và ảnh hưởng đến kinh tế của chúng tôi", vị đại diện cho biết.
Người dân nhiều thắc mắc về dự án
Một số hộ dân nằm trong vùng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dự án cho rằng, việc đất họ đang ở nằm giữa trung tâm thành phố nhưng bố trí tái định cư như vậy là không hợp lý. Đồng thời, trước khi triển khai dự án, các cấp thẩm quyền không tổ chức lấy ý kiến của cộng đồng dân cư là trái quy định. Điều này khiến họ thắc mắc rất lớn về dự án.
Ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, mọi dự án của nhà nước đều mang đến lợi ích cho người dân và đều tính toán kỹ lưỡng trước khi triển khai. Dự án đường Lê Hồng Phong nối dài cũng nằm trong ý nghĩa đó. Đây là dự án quy hoạch chỉnh trang đô thị quan trọng nhằm thực hiện quy hoạch chung xây dựng TP Quy Nhơn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 495/QĐ-TTg ngày 14/4/2015. Đồng thời, thông tuyến đường Lê Hồng Phong để phục vụ cho phát triển du lịch.
Để phục vụ triển khai dự án, trước đó UBND tỉnh cũng đã yêu cầu UBND TP Quy Nhơn và UBND phường Trần Phú cùng các ban, ngành, đoàn thể thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án đồng thuận, chấp hành thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư đã được các cấp thẩm quyền phê duyệt.
"Hiện tại, TP Quy Nhơn đã quy hoạch nhiều tuyến đường thông ra biển nhằm quy hoạch hạ tầng chung khu vực thành phố và phát triển kinh tế địa phương. Việc người dân không đồng tình, chúng tôi sẽ cho lấy ý kiến lại trước khi triển khai", ông Dũng chia sẻ.
Trước sự phản đối đến từ người dân, nhiều người bỏ về giữa chừng tại buổi đối thoại, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, sẽ tạm dừng dự án đường Lê Hồng Phong nối dài; tổ chức lấy ý kiến lại của người dân vùng dự án, sau đó có phương án triển khai cụ thể.
Theo tìm hiểu, dự án đường Lê Hồng Phong nối dài là dự án chỉnh trang đô thị quan trọng nhằm thực hiện quy hoạch chung xây dựng TP Quy Nhơn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 495/QĐ-TTg ngày 14/4/2015; đồng thời, thông tuyến đường Lê Hồng Phong để phục vụ cho phát triển du lịch.
Trước đó, trong thông báo thu hồi đất số 642 của UBND TP Quy Nhơn ban hành tháng 6/2018 căn cứ theo quyết định số 2058/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bình Định về việc phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 thông tuyến đường Lê Hồng Phong ra đường Xuân Diệu. Theo quyết định này, dự án có quy mô thu hồi đất khoảng 6.660 m2 và được quy hoạch thành: 3.342 m2 đất làm đường Lê Hồng Phong nối dài và cải tạo hẻm, 1.260m2 đất ở và 2.058 m2 đất dịch vụ du lịch. Khu vực đất ở được quy hoạch khoảng 20 lô đất tái định cư để bố trí tái định cư cho các hộ mặt tiền đường Xuân Diệu, Nguyễn Huệ (nằm trong lộ giới đường Lê Hồng Phong nối dài) và khu vực bị giải tỏa để làm quảng trường Nguyễn Tất Thành.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận