Đảm bảo an toàn khi đi lại
Ngày 30/10, ông Trần Văn Triển, Giám đốc Cảng hàng không Phù Cát (Bình Định) cho biết, các chuyến bay đến và đi tại sân bay này đều bị hủy để đảm bảo an toàn.
Cụ thể, từ 12h ngày 30/10 đến 1h sáng 31/10, Sân bay Phù Cát tạm thời đóng cửa để tránh bão. Trong khoảng thời gian này, có tất cả 10 chuyến bay với gần 3.000 hành khách của các hãng hàng không: Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific từ sân bay Phù Cát đi TP.HCM, Hà Nội và ngược lại bị hủy chuyến.
"Hiện tại, khu vực Bình Định đang có mưa rất lớn. Nhiều khả năng bão sẽ đổ bộ vào tỉnh này trong chiều và tối nay nên việc hủy các chuyến bay là cần thiết để đảm bảo an toàn. Sau khi bão tan sẽ tiến hành cho hoạt động trở lại bình thường. Nếu bão tan nhanh, từ 1h sáng 31/10, sân bay sẽ mở cửa hoạt động trở lại. Tất cả các khách hàng bị hủy chuyến được các hãng hàng không cho đổi vé để tiếp tục hành trình bay trở lại bình thường", ông Triển nói.
Liên quan đến việc đảm bảo giao thông thông suốt cho các tuyến QL, tỉnh lộ qua địa bàn tỉnh, chiều 30/10, ông Nguyễn Tự Công Hoàng, Giám đốc Sở GTVT thông tin đã chỉ đạo lực lượng thanh tra giao thông, các đơn vị chức năng trực thuộc sở huy động các phương tiện vận tải, thiết bị, vật tư, nhằm phục vụ công tác ứng cứu, khắc phục hậu quả bão lũ khi có yêu cầu điều động của UBND tỉnh và của Bộ GTVT.
“Sở đã chỉ đạo lực lượng thanh tra giao thông phối hợp với Phòng Kinh tế và hạ tầng các huyện, thị xã, Phòng Quản lý đô thị thành phố, lực lượng công an tăng cường kiểm tra, cấm các phương tiện ghe, thuyền hoạt động trên các tuyến giao thông thủy nội địa. Các đơn vị thuộc ngành chủ động xây dựng kế hoạch, phương án giải tỏa cây cối, chướng ngại vật trên đường giao thông do bão lũ gây ra trong thời gian ngắn nhất, nhằm bảo đảm giao thông an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông. Trên cơ sở quán triệt nghiêm túc tinh thần “3 sẵn sàng và 4 tại chỗ” trong công tác phòng chống lụt bão, sẵn sàng ứng phó với các tình huống xấu nhất có thể xảy ra”, ông Nguyễn Tự Công Hoàng nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Trần Thái Hòa, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Quản lý Đường bộ III.2 thuộc Cục Quản lý Đường bộ III (Tổng cục Quản lý Đường bộ Việt Nam) cho hay: Chi cục đã yêu cầu các chủ đầu tư các dự án BOT, các đơn vị quản lý, khai thác các tuyến QL: 1A, 1D, 19, 19B, 19C qua địa bàn Bình Định chủ động triển khai các phương án tốt nhất để phòng chống bão số 5, đảm bảo giao thông thông suốt.
“Chúng tôi đã yêu cầu các đơn vị phải chuẩn bị phương tiện cơ giới, vật tư, nhân lực để phòng chống bão số 5 một cách tốt nhất. Trong các phương án chuẩn bị có tình huống cho tháo dỡ dải phân cách cứng trên tuyến QL 1A để chủ động tiêu thoát lũ, tránh ách tắc giao thông trên toàn tuyến”, ông Trần Thái Hòa cho hay.
Tại huyện miền núi An Lão, ông Phạm Văn Nam, Chủ tịch UBND huyện cho hay: Đến chiều 30/10, trên địa bàn huyện đã xảy ra mưa vừa đến mưa to, tuy nhiên, giao thông đi lại trên địa bàn huyện vẫn thông suốt, chưa xảy ra tình trạng ngập úng hay sạt lở núi. Huyện đã chuẩn bị các phương án phòng chống bão lụt một cách chủ động và chặt chẽ để hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại do thiên tai, bão lũ xảy ra.
Di dân nếu mưa bão phức tạp
Để đối phó với bão số 5, ngay từ sáng 30/10, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - Hồ Quốc Dũng đã đi kiểm tra những vùng xung yếu như: đập dâng Nha Phu, xã Phước Hòa (huyện Tuy Phước), tuyến bờ kè Nhơn Lý (TP. Quy Nhơn),… Đặc biệt khi đến các khu vực dân cư ở xã Phước Hòa, ông nhắc nhở người dân chủ động các phương án ứng phó với bão như chằng chống nhà cửa, tích trữ lương thực, nước uống,…
Cụ thể, ông Trần Hữu Tường - Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước cho biết, huyện có gần 1500 hộ với 4800 nhân khẩu thuộc diện phải sơ tán khi cần thiết. Vì vậy, UBND huyện đã chuẩn bị phương tiện, lực lượng để hỗ trợ, sơ tán dân kịp thời người dân về nơi cao ráo để bảo đảm tính mạng. Đồng thời, huyện cũng chỉ đạo các địa phương triển khai các biện pháp đối phó với cơn bão số 5.
“Huyện cũng đã điều động các lực lượng bộ đội, công an cùng toàn bộ ca nô của các lực lượng trực 24/24 sẵn sàng giúp dân ở những vùng ngập nặng. Ngoài ra, huyện cũng đã chuẩn bị các dụng cụ phương tiện để xử lý các đoạn đê nếu tràn, xói lở. Vì Tuy Phước là rốn lũ nên huyện rất tập trung cho công tác này”, ông Tường cho hay.
Theo ông Hồ Quốc Dũng, tỉnh đã huy động các lực lượng về tất cả các địa bàn để kiểm tra công tác phòng chống bão. Nhất ở những vùng xung yếu, vùng trũng, tỉnh đã chỉ đạo di dời người dân trước khi bão đổ bộ vào. Ngoài ra, tỉnh đã cấm không cho tàu thuyền ra vào. Các lực lượng chức năng cũng kiểm tra toàn bộ các công trình của tỉnh đang thi công, đối với những công trình có nguy cơ, tỉnh đã đề nghị đơn vị thi công gia cố kịp thời, tránh thiệt hại có thể xảy ra.
Chủ tịch tỉnh Bình Định còn yêu cầu các địa phương chuẩn bị đầy đủ về nhu yếu phẩm để sẵn sàng cung ứng cho người dân nếu có mưa lớn xảy ra.
Đồng thời, dự báo bão sẽ đổ bộ vào ban đêm, vào thời điểm này người dân thường chủ quan, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết thêm, khi bão đổ bộ sẽ dẫn đến cúp điện. Do đó, yêu cầu công tác chuẩn bị phải khẩn trương, nếu mưa lớn, phải di dời dân, yêu cần người dân thực hiện ngay việc chằng chống nhà cửa để bảo đảm an toàn về tính mạng, tài sản. Những tàu chưa vào bờ đã được yêu cầu vào ngay những vùng an toàn nhất, vì vùng biển của tỉnh không thể vào được.
Theo thông báo mới nhất, hiện nay bão số 5 chỉ còn cách đất liền các tỉnh Bình Định - Khánh Hòa chưa đến 150km, dự báo đổ bộ vào tối nay với gió giật cấp 11-12, mưa lớn khắp miền Trung và Tây Nguyên.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận