Trước và sau khi khởi công, giá nhà cửa, đất hai bên có biến động, nhiều người đã đổi đời nhờ bán đất.
Giá đất ăn theo dự án
Ở ấp Lợi Đức, xã Long Đức (tỉnh Sóc Trăng) - nơi một đầu cầu Đại Ngãi nối vào quốc lộ Nam sông Hậu, ông Nguyễn Văn Hoàn cho biết: "Đất có tăng giá nhưng không tạo sốt đất như những năm trước. Chắc trước đó cũng đã tăng nóng quá rồi".
Theo ông Hoàn, mấy năm trước, đất nông nghiệp ở khu vực này, nếu có mặt tiền giáp với quốc lộ Nam Sông Hậu thì khoảng hơn 100 triệu đồng một công (1.000m2). Nhưng năm ngoái và đầu năm nay, mỗi công tăng từ 5-7 lần, có chỗ đến 700 triệu đồng/công.
Giáp quốc lộ Nam Sông Hậu thuộc địa bàn xã Long Đức có rất nhiều đất nông nghiệp đang sản xuất. Khi chúng tôi hỏi giá đất, nhiều nông dân nói: "Bây giờ muốn mua đất ở cặp đường như vậy, giá 700 triệu đồng một công là khó mua đấy, bởi Long Đức không chỉ có cầu Đại Ngãi mà còn có khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã có trong quy hoạch của tỉnh rồi nên đất có giá cao hơn".
Cách vị trí xây dựng cầu Đại Ngãi khoảng hơn 1km xuôi về hướng thị trấn Long Phú, một người dân thấy chúng tôi đang quan sát tấm bảng cho thuê đất nói: "Khu đất này có mặt tiền giáp quốc lộ Nam Sông Hậu dài khoảng 50m, chiều sâu ra đến bờ sông Hậu khoảng hơn 10m, chủ đang kêu giá 5 tỷ đồng".
Cách đó một đoạn, có chủ đất đang rao bán một khu đất khá rộng, khoảng 3.000m2 với giá 3 tỷ đồng…
Ở xã An Thạnh Đông (huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng), nơi có dự án xây dựng cầu đi qua, ông Trần Thanh Tiền, Chủ tịch UBND xã xác nhận: "Giá đất ở địa phương có tăng so với trước. Trước đây, một mét ngang giáp đường nông thôn, có chiều sâu khoảng 40m giá chừng vài chục triệu, nhưng bây giờ chắc giá khoảng 60 triệu đồng. Nói chung có dự án xây dựng cầu là giá đất tăng lên, người nông dân phấn khởi".
Đất được giá, bán lấy vốn làm ăn
Ở xã An Thạnh Tây, huyện Cù Lao Dung - nơi có dự án xây dựng cầu, giá đất cũng tăng. Chủ tịch UBND xã Phạm Trường Giang cho biết: "Khi chưa có dự án xây dựng cầu, giá đất rất thấp, một mét ngang đất ở vị trí giáp đường lộ giá khoảng trăm triệu. Còn khi có dự án xây cầu, một mét ngang người dân bán khoảng hai, ba trăm triệu, tức tăng giá 2-3 lần.
Thậm chí, ông Nguyễn Văn Quang, một người dân địa phương cho biết, cũng có những vị trí mà giá đất nông nghiệp tăng lên gấp chục lần. Cao điểm là từ năm 2022 đến mấy tháng đầu năm nay, tăng không dưới 600 triệu đồng/công, trong khi trước đó có giá dưới 100 triệu đồng/công.
Cũng vậy, ở khu vực thị trấn Cù Lao Dung giáp với xã An Thạnh Tây, giá đất năm 2022 khoảng 600 triệu nhưng đến đầu năm 2023 tăng lên từ 1-1,1 tỷ đồng/công.
Một giáo viên ở xã An Thạnh Nam chia sẻ: "Giá đất tăng vừa qua giúp người dân ở đây đổi đời. Trước mắt là đất đai có giá, bà con bán phần nào để sử dụng trong cuộc sống như xây nhà cửa, mua sắm vật dụng, đầu tư chuyển đổi ngành nghề sản xuất. Những người có đất lớn thường cắt ra vài khoảnh để bán, lấy vốn làm ăn".
Giao dịch đã lắng lại, mua bán cần cân nhắc
Bà Võ Thị Nửa (69 tuổi, ấp Lợi Đức) vừa mua mảnh đất tại khu vực này, nhưng nằm sâu bên trong. Bà không phải diện "ăn theo đất cát", chỉ là mua để ở: "Gia đình tôi bị ảnh hưởng hết toàn bộ đất đai nhà cửa bởi dự án xây cầu Đại Ngãi, phải đi nơi khác sinh sống. Nhận bồi thường được hơn 1,1 tỷ đồng, tôi mua một công đất giá 400 triệu đồng đề làm nhà cho mình và cho con cái có đất làm nhà ở"...
Theo người dân địa phương, tuy là giá đất có tăng mạnh nhưng là tăng từ khi có thông tin dự án làm cầu. Vài tháng gần đây và cả sau khi khởi công cầu Đại Ngãi ngày 15/10 vừa rồi, giá chỉ dao động nhẹ chứ không đột biến. Đặc biệt là giá neo ở mức cao, không xuống giá mất 20-30% như nhiều nơi khác.
Ông Hoàn, người dân ở xã Long Đức cho biết, một số người mua đã mua đất ở đây nhưng nay treo bảng cho thuê chứ họ chưa sử dụng. "Có lẽ là những người đầu cơ", ông nói và cho biết có trường hợp nhiều người đã đặt cọc nhưng không thấy trở lại mua, chủ đất lại treo biển bán tiếp.
Ông Trần Văn Thiện, Chủ tịch UBND xã Long Đức nhìn nhận, hiện nay giá đất đã lắng, dù không hạ nhiều.
Ở thị trấn Cù Lao Dung và xã An Thạnh Tây, mấy tháng nay thị trường đất đai cũng ít giao dịch, không thấy ai hỏi mua đất như trước nữa.
Theo giới kinh doanh bất động sản, giá đất ăn theo các dự án cầu đường lớn giờ không bền vững. Giới thạo đầu tư ở Sóc Trăng hiện chỉ tìm các khu đất gần khu dân cư, trường học, nhà máy… những nơi tập trung đông người. Nếu vị trí tốt thì về lâu dài có thể mở tiệm, làm dịch vụ. Đó là những bất động sản được nhòm ngó nhiều hơn cả.
Giới buôn bán bất động sản cho biết, giá đất nông nghiệp thời gian qua tăng là do tâm lý, chứ trên thực tế chưa có cơ sở gì đánh giá giá trị đất ở 2 bên cầu Đại Ngãi tăng. Có thể có tăng nhưng không thể gấp vài ba lần, thậm chí gần 10 lần.
"Mặt tiền đường càng lớn, xe chạy vút qua càng nhanh. Khi cầu Đại Ngãi xong rồi, từ Trà Vinh qua người ta xuống dốc cầu rồi làm "cái rẹt" đi Bạc Liêu, Cà Mau luôn, mất tối đa hơn 1 giờ nữa. Do đó, cầu Đại Ngãi chỉ có tác dụng giúp lưu chuyển hành khách, hàng hoá đi nhanh, chứ mua đất ở đây đón đầu làm dịch vụ thì chưa hẳn đã là ý hay", một tay cò đất phân tích.
Bởi thế, những cán bộ cấp xã ở hai tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng (hai bên cầu) cũng khuyến cáo người dân: khi có nhu cầu thật thì mua, đừng bị "tâm lý ăn theo" dẫn dắt, dễ bị "sụp hầm", rút chân không ra.
Nối thông toàn tuyến quốc lộ 60
Cầu Đại Ngãi qua sông Hậu nối hai tỉnh Trà Vinh - Sóc Trăng, khi hoàn thành giúp nối thông toàn tuyến quốc lộ 60, nâng cao năng lực vận tải cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tạo vành đai kết nối các tỉnh duyên hải miền Tây với TP.HCM.
Đồng thời, giúp giảm áp lực giao thông trên quốc lộ 1, rút ngắn được khoảng 80km từ Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu đi TP.HCM và ngược lại so với đi tuyến quốc lộ 1 hiện hữu.
Dự án có tổng chiều dài toàn tuyến 15,14km, điểm đầu giao với quốc lộ 54 thuộc xã Hùng Hòa, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh và điểm cuối giao với quốc lộ Nam Sông Hậu, xã Long Đức, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng). Phần tuyến được thiết kế với quy mô đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80km/h, với 4 làn xe, tổng vốn đầu tư gần 8.000 tỷ đồng. Công trình dự kiến hoàn thành năm 2026.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận