Sắp có cầu rồi!
Đó là những câu nói quen thuộc mà những ngày qua dễ dàng nghe người dân qua phà Đại Ngãi nói với nhau.
Với người dân miền Tây sông nước, những chuyến phà hay đò ngang sang sông luôn là hình ảnh quen thuộc trong đời sống.
"Đi phà thì mong Nhà nước sớm xây cầu để đi cho nhanh, mà có cầu đi rồi thì thể nào cũng nhớ những lúc qua phà", anh Nguyễn Hoài Thương, cười nói lúc qua phà Đại Ngãi.
Theo anh Thương, đối với người đi những hành trình dài, thời điểm qua phà như phút giải lao thú vị. Họ có thể gỡ chiếc nón bảo hiểm để hóng mát, ngắm nhìn sông dài trời rộng, tận hưởng làn gió mát lạnh, thư giãn trước khi trở lại hành trình.
Mười năm trước, phà Đại Ngãi đi vào hoạt động, người dân hai bờ sông Hậu vỡ oà vui sướng đã vì có những chiếc phà tải trọng hàng trăm tấn đưa họ và nông sản, hàng hoá đi xa hơn.
Ông Võ Thanh Quang, Giám đốc Sở Lao động - Thương bình và Xã hội tỉnh Sóc Trăng, từng là Bí thư huyện Cù Lao Dung (tỉnh Sóc Trăng) thời gian 2016 - 2021 nói rằng, nếu phà Đại Ngãi làm người dân hai bờ sông Hậu vui một thì người dân ở Cù Lao Dung phải vui mười.
Nằm giữa dòng sông Hậu, Cù Lao Dung có vai trò như một điểm trung chuyển cho phà Đại Ngãi. Khi người đi đường muốn từ Sóc Trăng sang Trà Vinh phải rời bến từ thị trấn Đại Ngãi, huyện Long Phú vượt sông Hậu để đến bến ở xã An Thạnh 1, huyện Cù Lao Dung.
Sau đó đi tiếp vài cây số đường bộ nữa để rời bến khác ở Cù Lao Dung, tiếp tục vượt sông Hậu để cập bến ở thị trấn Cầu Quan, huyện Tiểu Cần, Trà Vinh.
Nếu thuận tiện, người đi đường mất khoảng 30 phút để qua lại hai bờ Sóc Trăng - Trà Vinh. Lúc cao điểm lễ, Tết phải mất hàng giờ chôn chân chờ phà.
Mười năm qua, bốn bến phà Đại Ngãi âm thầm đón khách qua lại, lặng lẽ ghi dấu ấn trong lòng người dân Cù Lao Dung. Những chuyến phà cũng âm thầm thúc đẩy kinh tế xã hội của hai tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh.
"Có phà đã mừng rồi, còn bắc được cây cầu dường như là một giấc mơ của người dân Cù Lao Dung", ông Võ Thanh Quang, nguyên Bí thư huyện uỷ Cù Lao Dung xúc động nói.
Hiện thực hoá giấc mơ
Ngược dòng thời gian về năm 1998, Cù Lao Dung được kéo đường dây điện đầu tiên. Người dân ngỡ ngàng khi những bóng đèn điện bừng sáng ngay trong căn nhà của mình.
"Thời này đường đi trên Cù Lao Dung còn hiếm có, nói gì đến những cơ sở hạ tầng khác", ông Võ Thanh Quang kể.
Trước khi có phà Đại Ngãi, Cù Lao Dung còn không có những bến đò ngang. Ông Quang cho biết rằng, do nhu cầu đi lại, thông thương hàng hoá ở đây chưa thực sự bức thiết. Việc đi lại đường thuỷ phụ thuộc vào xuồng ghe nhỏ.
Mỗi ngày có một đến hai chiếc tàu nhỏ, sức chứa 20-30 người và một ít hàng hoá nông sản được đưa từ Cù Lao Dung đi các nơi. Còn con cái đi học cấp cao hơn, cha mẹ buộc phải gửi cho nhà bà con trong đất liền.
Rồi đến năm 2013, phà Đại Ngãi vượt khoảng 3km chiều rộng của sông Hậu đi vào hoạt động, mỗi ngày phục vụ trên dưới 1.000 phương tiện qua lại.
Phà Đại Ngãi đi vào hoạt động đã khởi đầu những giấc mơ phát triển Cù Lao Dung và người dân hai bờ sông. Và trong 10 năm qua, những bến đò ngang cũng mọc lên liên tiếp, góp thêm phương tiện cho người dân đi lại.
Một nhiệm kỳ lãnh đạo huyện Cù Lao Dung, ông Quang lắng nghe và thấu hiểu được mong mỏi của người dân ở xứ này. Ông cũng hiểu rằng, không hề dễ dàng để bắc được một cây cầu hàng ngàn tỷ đồng vượt sông Hậu.
"Vậy mà rồi cũng tới ngày đó, ngày khởi công cây cầu trong mơ của người dân Cù Lao Dung", ông Quang bồi hồi.
Anh Phan Minh Nhật (32 tuổi), người dân sinh sống tại Cù Lao Dung cho biết: "Từ khi nghe thông tin xây cầu Đại Ngãi, cha mẹ của tôi cứ hỏi đi hỏi lại có thiệt không.
Đến lúc đoàn công tác tới kiểm đếm đất đai, cây trái để giải phóng mặt bằng xây cầu, ông bà mới tin là thật, mong còn sống đến ngày thông xe cầu Đại Ngãi".
Ngày 15/10/2023 cầu mới khởi công, còn quá sớm để nói về số phận phà Đại Ngãi sau khi cầu hoàn thành. Nhưng ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Khu quản lý đường bộ IV (Cục Đường bộ VN) - đơn vị quản lý phà cho biết nhiều khả năng được đặt ra nhưng phụ thuộc vào nhu cầu của địa phương.
Cũng có thể Cục Đường bộ Việt Nam sẽ bàn giao lại cho địa phương để làm phương tiện vận chuyển nông sản như một số địa phương khác đã có đề xuất. Hoặc cũng thể tiếp tục bố trí vào các vị trí bến phà khác làm phương tiện vận chuyển cho người dân có nhu cầu, như trường hợp phà Vàm Cống ở An Giang.
"Việc này chưa được quyết định, khi cầu xây xong, địa phương đánh giá có nhu cầu sử dụng hay không thì trình cơ quan thẩm quyền quyết", ông Thành cho biết.
Dự án cầu Đại Ngãi có tổng chiều dài 15,1km, tổng mức đầu tư gần 8.000 tỷ đồng. Phần tuyến được thiết kế với quy mô đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80km/h, xây dựng trên tuyến quốc lộ 60.
Trong đó, cầu Đại Ngãi 1 (nối bờ Trà Vinh và Cù Lao Dung về hướng tả ngạn sông Hậu) được thiết kế với quy mô mặt cắt ngang bốn làn xe, bề rộng cầu 17,5m. Riêng phần cầu chính dây văng, bề rộng 21,5m.
Cầu Đại Ngãi 2 (nối Cù Lao Dung và xã Long Đức, huyện Long Phú) có quy mô mặt cắt ngang bốn làn xe, bề rộng cầu 17,5m.
Khi hoàn thành, cầu Đại Ngãi sẽ nâng cao năng lực vận tải cho Đồng bằng sông Cửu Long, kết nối giao thông thuận tiện giữa các tỉnh duyên hải phía Nam với TP.HCM. Giảm thời gian đi lại, rút ngắn khoảng 80km so với tuyến quốc lộ 1 khi đi từ Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu về TP.HCM.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận