Xã hội

Dân đồi Tên Lửa sống cảnh cận kề nguy hiểm vì hoạt động khai thác đất sét

28/04/2023, 06:00
image

Nhà của 16 hộ dân tại tổ 6 khu 3B, phường Giếng Đáy, TP Hạ Long, Quảng Ninh bị sụt lún, nứt do ảnh hưởng từ việc khai thác đất sét gây ra.

Thấp thỏm lo bờ kè đổ sập

Thời gian gần đây, một số hộ dân thuộc tổ 6 khu 3B phường Giếng Đáy, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh lo lắng nhà cửa bị lún nứt, sập do hoạt động khai thác đất sét gây ra, trong khi công trình kè sau khi thi công đường dẫn lên cầu Tình Yêu có nhiều nghi vấn không đảm bảo chất lượng.img

Tuyến bờ kè bằng rọ đá nằm ốp vào công trình của nhiều hộ dân ở tổ 6, khu 3B, phường Giếng Đáy, TP Hạ Long

Cuối tháng 4, PV Báo Giao thông có mặt ở tổ 6, khu 3B, phường Giếng Đáy - nơi người dân quen gọi là đồi Tên Lửa và ghi nhận, nhiều hộ dân đang sinh sống chông chênh bên đỉnh kè có nguy cơ bị đổ bất cứ lúc nào.

Quan sát thực tế, khu vực này mái taluy rất cao lại dài hàng trăm mét, phía trên đồi là nhiều hộ dân đang sinh sống, còn hệ thống bờ kè lại chỉ được làm từng đoạn đứt quãng. Sau một vài trận mưa lớn, đất từ bên trên trôi xuống vùi kín hệ thống thoát nước.

>>> Clip: Các hộ dân đồi Tên lửa bày tỏ quan ngại về chất lượng của bờ kè ở mái ta luy sát với khu dân cư:

img

Bờ kè được thi công tạm bợ khiến đất bị trôi xuống phía dưới

Nhiều khu vực, bờ kè bị xói lở tạo ra hàm ếch. Theo phản ánh của người dân thì khi làm bờ kè này, đơn vị thi công không làm móng sâu xuống phía dưới mà chỉ kè từ mặt trở đất lên. Trong khi đó, nhiều dây thép trong hệ thống kè đã bị hoen gỉ, dễ đứt gãy.

Không những thế, tại đây, có một đoạn dài bờ taluy cao nhưng không được xây dựng bờ kè, khiến từng mảng đất bị mưa làm sạt xuống phía dưới, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người, phương tiện khi lưu thông qua.

img

Dù trên đồi cao có nhiều hộ dân sinh sống, nhưng hệ thống bờ kè lại làm đứt quãng

Anh Vũ Văn Tam, ở tổ 6, khu 3B, phường Giếng Đáy lo lắng: "Nhà tôi khá đồ sộ nằm ở ngay trên đỉnh đồi, sát với bờ kè. Khi chính quyền địa phương tiến hành dự án đường dẫn cầu Tình Yêu, gia đình tôi cùng nhiều hộ đã sẵn sàng nhận đền bù với đơn giá 76 nghìn đồng/m2 đất vườn và không hề thắc mắc gì".

"Khi bàn giao mặt bằng để đơn vị thi công, nhiều hộ dân đã kiến nghị là sau khi hoàn thành thì phải xây dựng bờ kè bằng hệ thống bê tông để bảo vệ nhà cửa, đất đai của các hộ. Thế nhưng, sau khi xong đường, lại chỉ thấy mang đá ra xếp rồi dùng dây thép chằng đại khái thế này, thì nhà cửa có nguy cơ bị đổ sập xuống phía dưới nếu có mưa lớn kéo dài", anh Tam bức xúc.

Ông Nguyễn Sỹ Giang, nhà kế bên hộ anh Tam cho biết: "Sống ở đây bao năm, chúng tôi đều hiểu kết cấu địa chất nơi đây rất yếu. Thế nhưng, cơ quan chức năng lại làm một chiếc kè bằng rọ thép như thế này thì không đảm bảo được. Mùa mưa năm nay, nhiều hộ chắc chắn sẽ phải tản cư vì quá nguy hiểm".

img

Một góc khu dân cư đang có nguy cơ bị đổ ụp xuống nếu có mưa lớn kéo dài

Liên quan đến chất lượng tuyến bờ kè bằng rọ thép, vị lãnh đạo UBND phường Giếng Đáy cũng bày tỏ quan ngại là khó đảm bảo nếu có mưa lớn kéo dài. Tuy nhiên, vị này cho hay, vấn đề thi công, thiết kế bờ kè không thuộc thẩm quyền của phường.

PV Báo Giao thông đã liên lạc qua điện thoại với lãnh đạo Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng TP Hạ Long để nắm bắt về thiết kế, thông số kỹ thuật cũng như tổng mức đầu tư công trình bờ kè bên tuyến đường dẫn lên cầu Tình Yêu, đoạn qua tổ 6, khu 3B, phường Giếng Đáy nhưng không nhận được hồi âm.

Khai thác đất sét làm sạt lở, sụt lún

Ngày 13/2/2023, UBND TP Hạ Long đã có báo cáo số 74 về việc khắc phục sự cố sạt lở tại khu vực tổ 6 khu 3B, phường Giếng Đáy.

Báo cáo đã nêu rõ nguyên nhân chính dẫn đến sự cố sụt, lở mái đắp tại khu vực tổ 6 khu 3B, phường Giếng Đáy là do hoạt động khai thác đất sét của Công ty CP Gốm xây dựng Giếng Đáy Quảng Ninh tại khu vực moong khai thác sét tiếp giáp phía Tây khu vực sạt lở và do hoạt động thi công tuyến đường dẫn lên cầu Tình Yêu.

img

Hậu quả của việc khai thác đất sét làm lún, nứt gần 20 hộ dân ở đồi Tên lửa

Theo báo cáo, từ kết quả giám định của cơ quan có thẩm quyền và đơn vị tư vấn độc lập, xác định có 16 hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp do sạt lở, là ở vùng đặc biệt nguy hiểm.

Ở vùng nguy cơ bị ảnh hưởng theo hiệu ứng dây chuyền, có khoảng 21 hộ dân và một phần diện tích của Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt.

Kinh phí dự toán để thực hiện di dời, giải phóng mặt bằng cho các hộ dân và trường học ước khoảng trên 58 tỷ đồng.

img

Một hộ dân nằm treo leo trên cao còn bờ kè thì làm đứt đoạn

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Thế Anh, Chủ tịch UBND phường Giếng Đáy cho biết: Hiện tại, cơ quan chức năng đã phối hợp kiểm tra, xác định rõ nguyên nhân lún nứt của từng hộ, đồng thời triển khai phương án kiểm đếm để đền bù, di dời những hộ nguy hiểm đến nơi ở mới.

"Đối với những hộ đang có đơn thư, cơ quan chức năng đã và đang tổ chức đối thoại để có hướng giải quyết phù hợp nhất", ông Thế Anh cho hay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.