Trung tâm điều hành giao thông thông minh đã được xây dựng tại TP HCM. |
TP HCM đang triển khai đề án xây dựng “thành phố thông minh”. Người dân sẽ được hưởng lợi ích gì? Quá trình triển khai đề án sẽ gặp những thách thức nào? Báo Giao thông đã có cuộc trao đổi với ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP HCM về những vấn đề này.
Ưu tiên giao thông thông minh
PV: Lộ trình nào để có thể triển khai khả thi thành phố thông minh tại TP HCM, thưa ông?
Đề án xây dựng thành phố thông minh tại TP HCM sẽ ưu tiên tập trung vào các lĩnh vực thuộc 7 chương trình đột phá của thành phố và những lĩnh vực có vấn đề bức xúc liên quan đến an sinh cuộc sống của người dân. Cụ thể là tăng trưởng kinh tế và năng lực cạnh tranh, sự hài lòng doanh nghiệp; Cải cách hành chính gắn với xây dựng chính quyền điện tử; Đào tạo nhân lực; Giao thông; Môi trường; Cấp thoát nước, chống ngập; Chỉnh trang đô thị; Y tế, dịch vụ sức khoẻ cộng đồng, an toàn thực phẩm; An ninh trật tự an toàn xã hội.
Đề án triển khai thực hiện trong giai đoạn 2017-2020 nhằm thiết lập nền tảng công nghệ và cơ sở dữ liệu dùng chung cho thành phố; triển khai các giải pháp đô thị thông minh cho các lĩnh vực cấp bách thuộc 7 chương trình đột phá của thành phố. Giai đoạn 2021-2025 sẽ tiếp tục triển khai, mở rộng, củng cố và hoàn thiện các giải pháp công nghệ để xây dựng thành phố thông minh.
Khi triển khai xây dựng thành phố thông minh, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh kỳ vọng nền kinh tế thành phố sẽ phát triển vượt bậc, môi trường sống ngày càng tốt hơn; chính quyền các cấp của thành phố hoạt động hiệu quả hơn, người dân được phục vụ tốt hơn, người dân tham gia quản lý đô thị và giám sát chính quyền và trên hết là mục tiêu thành phố phát triển bền vững.
Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP HCM. |
PV: Lĩnh vực giao thông sẽ được ưu tiên đầu tư thế nào khi xây dựng thành phố thông minh?
Giao thông thông minh đã được xác định là một trong những lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu. Thành phố đang triển khai nâng cấp hệ thống điều khiển giao thông hiện hữu phục vụ công tác điều hành giao thông đô thị, trong đó nâng cấp, tích hợp hệ thống điều khiển, giám sát, quản lý giao thông tại 300 nút giao thông trên 78 tuyến đường của khu vực trung tâm thành phố. Giai đoạn 2017 - 2020 sẽ hình thành Trung tâm Giám sát và điều khiển giao thông tập trung.
Sau năm 2020, thành phố sẽ xây dựng Trung tâm điều hành giao thông thông minh toàn bộ hệ thống giao thông của thành phố. Đây sẽ là nơi tập trung quản lý trực tiếp toàn bộ các hệ thống điều khiển giao thông của thành phố cũng như cung cấp thông tin dữ liệu, phục vụ cho các công tác xử lý các vi phạm; giám sát, đảm bảo an ninh trật tự đô thị; xử lý các sự cố khẩn cấp; phòng chống cháy nổ, ngập lụt; quản lý bến bãi…
Người dân tham gia quản lý đô thị, giám sát chính quyền
PV: Theo ông, các cơ quan công quyền, Sở, ngành của thành phố sẽ đột phá thế nào về mặt quản lý?
Lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện tại thành phố sẽ phải thay đổi tư duy và hành động trong công tác quản lý của mình để nâng cao chất lượng dịch vụ công và dịch vụ hành chính công cung cấp cho người dân, doanh nghiệp và tổ chức đáp ứng các mục tiêu đề ra của đề án. Với mục tiêu phát triển của thành phố là tăng trưởng kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh, lấy sự hài lòng doanh nghiệp là thước đo để hoàn thiện các dịch vụ công và dịch vụ hành chính công của thành phố thì doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ được hưởng lợi từ các dịch vụ này.
Ngoài ra, có nhiều cơ hội đầu tư và phát triển kinh doanh cho tất cả các nhà đầu tư, doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh của thành phố khi môi trường đầu tư được cải thiện, thu hút vốn đầu tư nước ngoài và tạo ra môi trường khởi nghiệp năng động. Đồng thời, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin - truyền thông trong và ngoài nước sẽ có nhiều cơ hội để cung cấp các giải pháp kỹ thuật, dịch vụ tư vấn cho thành phố khi triển khai thực hiện đề án xây dựng thành phố thông minh.
Người dân được phục vụ tốt hơn với các tiện ích như dịch vụ công trực tuyến, nền giáo dục thông minh, y tế thông minh; được đảm bảo an sinh xã hội, an toàn an ninh... Ngoài ra, người dân có thể tham gia quản lý đô thị và giám sát chính quyền.
Hệ thống giao thông thông minh sẽ được ưu tiên đầu tư để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân và sự phát triển kinh tế của Thành phố. |
PV: Việc triển khai xây dựng thành phố thông minh sẽ gặp phải những khó khăn gì, thưa ông?
Một trong những khó khăn đó là mất nhiều thời gian, do đó cần phải phải có sự kiên trì. Đây là quá trình quản lý sự thay đổi, trong đó yếu tố công nghệ là công cụ hỗ trợ, yếu tố con người là quyết định. Sự thay đổi ở ngữ cảnh này là sự thay đổi tư duy, thay đổi về phương thức cung cấp dịch vụ công - điều này sẽ dẫn đến thay đổi về mô hình hoạt động của các cơ quan công quyền (sắp xếp tổ chức bộ máy, đào tạo lại nguồn nhân lực, ứng dụng công nghệ)… Do đây là một quá trình nên rất cần sự cam kết và kiên trì thực hiện các mục tiêu của Đề án của Người đứng đầu của thành phố, cũng như vai trò của những “Tư lệnh” của các ngành, địa phương.
Ngoài ra, là vấn đề quy hoạch cũng là khó khăn. Quy hoạch thông minh sẽ giúp cho TP HCM giảm thiểu các tác động có hại có thể xảy ra làm ảnh hưởng đến việc phát triển đô thị, môi trường đô thị, tận dụng tối đa mọi nguồn lực và hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.
Sau cùng, sự quan tâm và nhận thức của người dân thành phố đối với việc xây dựng đề án đô thị thông minh của thành phố cũng là một thách thức. Cần phải tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về những lợi ích của đô thị thông minh cho người dân, đặc biệt là để người dân có thể tham gia cùng với các cơ quan nhà nước trong việc xây dựng thành phố thông minh.
Quá trình xây dựng thành phố thông minh sẽ là quá trình lâu dài và gặp không ít khó khăn. Tôi tin rằng với sự quyết tâm của lãnh đạo thành phố, sự đồng hành của người dân, doanh nghiệp và tổ chức thì TP HCM sẽ đạt được mục tiêu phát triển một đô thị bền vững, một thành phố có môi trường sống tốt cho người dân và có môi trường đầu tư, kinh doanh hấp dẫn cho doanh nghiệp và nhà đầu tư trong và ngoài nước.
PV: Xin cảm ơn ông!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận