Xa lạ với trực tuyến
Ông Đỗ Minh Tiến, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Phương tiện và thuyền viên Cục ĐTNĐ Việt Nam thông tin, tất cả dịch vụ công trực tuyến liên quan đến phương tiện, thuyền viên đường thủy do cục này giải quyết đều đã đạt mức độ trực tuyến cấp độ 4, song thực tế rất ít hồ sơ được gửi, giải quyết trực tuyến. Chẳng hạn cơ chế tiếp nhận, đổi bằng thuyền viên đã được triển khai từ hơn hai năm qua, song đến nay mới có gần 200 hồ sơ được giải quyết trực tuyến, còn hàng nghìn hồ sơ được tiếp nhận, giải quyết trực tiếp hoặc qua đường bưu điện.
Trong lĩnh vực cấp giấy phép vận tải thủy qua biên giới Campuchia cũng trong tình cảnh tương tự. Dù từ cuối năm 2015, Cục ĐTNĐ Việt Nam đã triển khai tiếp nhận, cấp giấy phép trực tuyến qua internet, nhưng đến nay rất ít hồ sơ thuộc thẩm quyền giải quyết của cục được gửi đến, giải quyết qua mạng. Không chỉ đơn vị, cá nhân có quy mô vận tải nhỏ lẻ mà doanh nghiệp có hàng chục phương tiện cũng không quen sử dụng phương thức nộp, nhận hồ sơ trực tuyến.
“Đơn vị chúng tôi có hơn 10 phương tiện thủy vận tải hàng hóa qua biên giới Campuchia, thuộc diện Cục ĐTNĐ Việt Nam cấp phép. Khi giấy phép hết hạn, đơn vị phải gửi hồ sơ và nhận giấy phép qua đường bưu điện”, đại diện một doanh nghiệp chia sẻ tại hội nghị tiếp xúc doanh nghiệp đường thủy mới đây, đồng thời cho rằng, cần có sự cải tiến để thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.
Điều chỉnh cấp phép vào, rời cảng bến qua tin nhắn điện thoại
Từ nửa cuối năm 2016, 4 cảng vụ đường thủy trực thuộc Cục ĐTNĐ Việt Nam thí điểm cấp phép cho phương tiện thủy vào, rời cảng bến qua tin nhắn điện thoại. Với hình thức này, phương tiện trước khi vào cảng, bến chỉ cần nhắn tin cho cảng vụ để xin vào cảng bến, thay vì phải lên trụ sở cảng vụ để làm thủ tục. Đến nay, phương thức trực tuyến này đạt kết quả cao nhất (6 tháng đầu năm 2019 đạt hơn 38.000 lượt tin nhắn, chiếm hơn 1/3 tổng số hồ sơ thủ tục hành chính).
Ông Trần Sỹ Duy, Trưởng phòng Pháp chế Cục ĐTNĐ Việt Nam cho biết, ứng dụng trên chỉ có tác dụng tốt đối với các cảng, bến có mật độ phương tiện đông, vì vậy sắp tới sẽ tham mưu không áp dụng đại trà để tránh lãng phí.
Thông tin về việc cấp phép trực tuyến, theo đại diện Phòng Vận tải - ATGT Cục ĐTNĐ Việt Nam, các dịch vụ cấp phép vận tải thủy thuộc thẩm quyền của Cục ĐTNĐ Việt Nam đều đã đạt trực tuyến mức 3-4, tuy vậy hầu hết hồ sơ đều được gửi đến và giải quyết qua đường bưu điện.
Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 cho phép người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng. Việc thanh toán lệ phí (nếu có) và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ.
Mức độ 4 là gồm mức độ 3 và cho phép người sử dụng thanh toán lệ phí (nếu có) trực tuyến. Việc trả kết quả có thể được thực hiện trực tuyến, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến người sử dụng.
“Từ đầu năm 2019 đến nay, hơn 160 hồ sơ xin cấp phép vận tải qua biên giới đều được gửi đến, trả qua đường bưu điện. Việc giải quyết thủ tục chỉ thông qua kiểm tra hồ sơ, giấy tờ được gửi đến mà không phải kiểm tra thực tế. Các doanh nghiệp vận tải đều ở phía Nam nên thời gian doanh nghiệp nhận được giấy phép khoảng vài ngày, chi phí gửi trả hồ sơ do cục chi trả”, đại diện Phòng Vận tải nói.
Thiếu kinh phí nâng cấp phần mềm
Nhìn lại cách đây 2-3 năm, khi hơn 40 dịch vụ công của ngành ĐTNĐ lần lượt được công bố hoạt động theo cơ chế trực tuyến mức độ 3-4 khiến dư luận kỳ vọng về sự đổi mới trong quản lý, phục vụ doanh nghiệp, người dân. Tuy vậy, đến nay số lượng đơn vị, cá nhân sử dụng phương thức trực tuyến để gửi, nhận hồ sơ rất thấp, không phát huy hiệu quả.
Khi được hỏi về nguyên nhân khiến tỷ lệ làm thủ tục cấp phép vận tải thủy trực tuyến đạt tỷ lệ thấp, đại diện Phòng Vận tải của Cục ĐTNĐ Việt Nam cho rằng “không có khó khăn gì”(?).
Còn ông Đỗ Minh Tiến cho biết, một trong những nguyên nhân là do đa số người dân vẫn đến làm thủ tục trực tiếp do chưa hiểu hết tiện ích, không quen hoặc có tâm lý e ngại khi làm thủ tục trực tuyến qua mạng internet.
“Khi đổi bằng thuyền viên, người dân dù thực hiện thủ tục, nộp hồ sơ trực tuyến xong vẫn phải trực tiếp đến nộp lại bằng gốc để đối chiếu và nộp lại. Vì vậy, nhiều người sẽ chọn cách trực tiếp làm thủ tục thay vì qua mạng trực tuyến”, ông Tiến ví dụ và nêu khó khăn do thiếu kinh phí đầu tư nâng cấp phần mềm quản lý, cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Trong khi đó, trao đổi với PV Báo Giao thông, đại diện một số doanh nghiệp đường thủy cho biết, thực tế chỉ biết ngành ĐTNĐ đã công bố khai trương dịch vụ công trực tuyến các lĩnh vực đường thủy, còn chưa từng được dự tập huấn, hướng dẫn cách thức làm thủ tục qua môi trường mạng nên rất ngại thực hiện thử.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận