Điểm sáng nổi bật của ngành Đường thủy trong những năm gần đây là ứng dụng mạnh mẽ thành tựu công nghệ thông tin đổi mới quản lý, vận hành hệ thống đường thủy quốc gia. Năm 2019, Cục Đường thủy nội địa VN đặt quyết tâm cao hơn về ứng dụng công nghệ để mang lại hiệu quả quản lý, phục vụ giao thông thủy thuận lợi, an toàn.
Nâng ứng dụng phục vụ phương tiện
Năm 2018, số lượng phương tiện thủy làm hàng tại 1.600 cảng, bến thuộc địa bàn quản lý của Cảng vụ Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) khu vực IV là hơn 195.500 lượt, tăng gần 8% so với năm trước. Phương tiện, sản lượng vận tải đều tăng nhưng dịch vụ hành chính công về cấp phép cho phương tiện ra, vào bến tiếp tục đạt nhiều chuyển biến tích cực nhờ ứng dụng cấp phép từ xa qua tin nhắn điện thoại.
“Hơn 43.200 lượt phương tiện trong năm 2018 đăng ký và được cấp phép vào, rời cảng bến qua tin nhắn điện thoại, tăng gần 120% so với năm trước”, đại diện đơn vị nói và cho biết, mới đây đã đề xuất áp dụng mô hình cấp phép qua tin nhắn trên toàn hệ thống cảng, bến của địa phương quản lý để tạo đồng bộ, thống nhất.
Theo kế hoạch của Cục ĐTNĐ Việt Nam, năm 2019, cùng với duy trì tốt các ứng dụng đã triển khai, Cục sẽ thí điểm ứng dụng công nghệ thông tin, tự động hóa phục vụ quản lý hạ tầng, tối ưu hóa sự thuận lợi giao thông trên 2 trục vận tải quan trọng là Hành lang đường thủy số 1 Việt Trì - Hà Nội - Hải Phòng và TP HCM - Cần Thơ. Phương tiện lưu thông trên hai tuyến này sẽ được phục vụ bằng thủy đồ điện tử trực tuyến, với các tính năng dẫn hướng, cảnh báo cho phương tiện lưu thông thuận lợi, an toàn nhất. Còn trên hệ thống luồng tuyến chính, Cục sẽ nâng cấp, bổ sung các trạm thu, phát tín hiệu tự động AIS, VHF để cung cấp thông tin, liên lạc cho phương tiện thủy, chuyển dần sang hướng tự động hóa quản lý từ quản lý hạ tầng đến điều hành GTVT đường thủy.
Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, việc cấp phép phương tiện ra, vào cảng bến bằng tin nhắn được Bộ GTVT cho phép thí điểm hơn 2 năm nay tại các cảng vụ đường thủy Trung ương. Với mô hình trên, thuyền viên đăng ký hồ sơ phương tiện và trước khi vào, rời cảng bến nhắn tin báo cho cảng vụ, thay vì phải lên bờ, đến tận trụ sở cảng vụ để khai báo. Đằng sau những con số trên là lợi ích nhờ tiết kiệm được thời gian, giảm sự phiền phức về thủ tục và chi phí đi lại mà chính các thuyền viên, doanh nghiệp vận tải, cảng bến thủy cảm nhận rõ nhất.
Theo Cục ĐTNĐ Việt Nam, mô hình trên đang trong giai đoạn thí điểm, tuyên truyền, khuyến khích thực hiện và ngày càng được doanh nghiệp, thuyền viên đón nhận. Năm 2018, có tổng số gần 131 nghìn lượt phương tiện thủy chở hàng hóa sử dụng hình thức trên, chiếm hơn 15% tổng số lượt phương tiện. Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) không chỉ mang lợi ích về rút ngắn thời gian, chi phí cho cả doanh nghiệp, thuyền viên và lực lượng cảng vụ mà còn xây dựng được dữ liệu phục vụ quản lý chuyên ngành. Vì vậy, năm 2019 Cục ĐTNĐ Việt Nam tiếp tục “nâng tầm” ứng dụng CNTT vào quản lý cảng bến, phương tiện thủy để phục vụ tốt hơn doanh nghiệp, thuyền viên.
“Cục ĐTNĐ Việt Nam đang chỉ đạo các bộ phận chức năng trực thuộc đẩy nhanh tiến độ tin học hóa quy trình cấp giấy vào, rời cảng, bến thủy nội địa, tăng tỷ lệ sử dụng tin nhắn và xây dựng tổng đài tập trung phục vụ phương tiện, hiện đại hóa công tác quản lý, vận hành cảng bến thủy qua thiết bị điện tử giám sát tự động, từ xa”, ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam cho biết.
Cũng trong năm 2019, Cục ĐTNĐ Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Sở GTVT, đôn đốc các chi cục, cảng vụ đẩy nhanh tiến độ rà soát, cập nhật thông tin về cảng, bến thủy lên cơ sở dữ liệu của cục để theo dõi, quản lý hoạt động của các bến thủy. Các kết quả thực hiện quy trình thủ tục cấp phép phương tiện vào, rời cảng bến được tự động cập nhật trên hệ thống, quản lý trên môi trường mạng Internet, phấn đấu triển khai đồng bộ ở các cảng vụ ĐTNĐ khu vực Trung ương và các địa phương.
Tự động hóa quản lý hạ tầng
Ông Trương Trọng Doanh, Trưởng phòng Khoa học, công nghệ, môi trường và hợp tác quốc tế Cục ĐTNĐ Việt Nam phấn khởi cho biết, từ đơn vị xếp thứ hạng thấp về ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành, năm 2016-2017 Cục ĐTNĐ Việt Nam được Bộ GTVT xếp thứ nhất trong số các đơn vị thuộc bộ.
Đằng sau ghi nhận này là sự chuyển biến từ phương thức làm việc thủ công, giấy tờ trong quản lý, điều hành, trao đổi công việc sang văn phòng điện tử qua môi trường mạng trong hệ thống, qua chữ ký số và tự động ghi nhận kết quả xử lý công việc của từng cá nhân, đơn vị. Hữu ích hơn là ứng dụng công nghệ thông tin đã đi vào hoạt động quản lý chuyên ngành, giải quyết thủ tục hành chính từ xa và phục vụ vận tải thủy thuận lợi, an toàn.
“Các phao dẫn luồng, đèn tín hiệu đường thủy đều sử dụng năng lượng mặt trời, gắn định vị vệ tinh GPS. Chỉ cần phao di chuyển lệch vị trí, tín hiệu đèn yếu, bị mất cũng được cảnh báo kịp thời trên hệ thống giám sát tự động. Các trạm đo mực nước tự động đang thay thế dần nhân công đo thủ công, giúp cập nhật và báo chính xác mực nước để tàu thuyền lưu thông qua cầu, công trình vượt sông. Các vị trí điều tiết giao thông, phương tiện thực hiện công việc bảo trì đường thủy được lắp camera giám sát hoạt động điều tiết, bảo trì hạ tầng đường thủy”, ông Doanh nêu ví dụ.
“Năm 2018, cục đã thí điểm tự động hóa thi, sát hạch thuyền viên, người điều khiển phương tiện thủy trên máy tính, thiết bị chấm điểm tự động. Năm 2019 sẽ mở rộng phạm vi thí điểm áp dụng thống nhất toàn quốc, nhằm nâng chất lượng đào tạo, nguồn nhân lực thuyền viên đường thủy”, đại diện Cục ĐTNĐ Việt Nam cho biết.
Tìm cơ chế thúc đẩy doanh nghiệp, vận tải thủy
Theo Tổng cục Thống kê, năm 2018 sản lượng vận tải đạt hơn 195 triệu khách, tăng hơn 13% so với năm trước; vận tải hàng hóa đạt hơn 288 triệu tấn, tăng hơn 15%. Trong đó, tuyến vận tải ven biển dành cho đội tàu VR-SB sau hơn 4 năm mở tuyến liên tiếp tăng trưởng về số lượng phương tiện và sản lượng vận tải; năm 2018 tổng số có hơn 1.800 tàu SB và vận tải hàng hóa đạt gần 36,5 triệu tấn, tăng gần 131% so với năm trước.
Ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam cho biết, mục tiêu chung của đổi mới, ứng dụng CNTT, công nghệ mới nhằm tạo thuận lợi nhất cho vận tải thủy, doanh nghiệp để khai thác tốt nhất tiềm năng của đường thủy, gắn kết giữa vận tải thủy và các hình thức vận tải khác, góp phần giảm giá thành vận tải.
Vì vậy, cùng với việc tăng ứng dụng công nghệ phục vụ vận tải cần thêm các nghiên cứu, đề xuất, kiến nghị về cơ chế, chính sách ưu đãi phù hợp nhằm thu hút doanh nghiệp, phát triển vận tải trên các trục vận tải thủy chính. Trong đó, một số vấn đề được đặt ra như: ưu đãi về phí, lệ phí phương tiện thủy vận chuyển container, ven biển; cơ chế ưu đãi phát triển phương tiện thủy, đầu tư vận tải thủy...
“Tuyến vận tải ven biển bằng tàu VR-SB là trục kết nối vận tải bằng phương tiện thủy quan trọng bậc nhất. Vì vậy, Cục ĐTNĐ Việt Nam sẽ tiếp tục tập trung các giải pháp để nâng hiệu quả khai thác vận tải. Ngoài ra, Cục sẽ ưu tiên đầu tư, tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, cũng như cải thiện kết cấu hạ tầng, khơi thông các cửa sông, điểm nghẽn luồng tuyến và cảng, bến thủy để tàu VR-SB có thể hoạt động tuyến ven biển vào sâu hơn trong các tuyến sông”, Cục trưởng Hoàng Hồng Giang nêu ví dụ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận