Ngày càng nhiều người Singapore hợp tác với Uber để kiếm tiền mua xe |
Giá ô tô thuộc top đắt nhất thế giới
Tại Singapore, sở hữu một chiếc ô tô dù rẻ cũng đã được cho là xa xỉ với những người dân thường tại đảo quốc Sư tử. Thậm chí, với tầng lớp trung lưu, để sở hữu ô tô cũng là cả vấn đề bởi giá ô tô tại Singapore được xếp vào top đắt nhất thế giới.
Chẳng hạn, giá mua một chiếc Hyundai Sante Fe bình dân mới tại Singapore (108.693 USD) đắt hơn chi phí mua cả một chiếc xe thể thao phong cách Aston Martin Vantage tại Anh (106.360 USD).
Một chiếc Honda Vezel bình dân tại Singapore có giá bán lên tới 71 nghìn USD, gấp gần bốn lần so với giá xe này tại Mỹ và gấp ba lần giá chiếc xe thể thao BMW M3 ở cùng thị trường. Sở dĩ, giá mua ô tô cao ở Singapore cao ngất vì mỗi chiếc xe phải gánh thêm 5 loại phí như: Giá trị thị trường mở (OMV); Phí đăng ký bổ sung (ARF); Thuế tiêu thụ đặc biệt; Giấy chứng nhận quyền mua xe (COE) và chi phí đại lý bán xe.
Trong các khoản phí bắt buộc này, đáng chú ý là phí COE. Hai tháng một lần, Singapore tổ chức một chương trình bán đấu giá COE. Số lượng COE bị hạn chế bởi hệ thống hạn ngạch. Vì gánh những loại phí này, số tiền người dân Singapore phải bỏ ra để sở hữu một chiếc xe sẽ gấp 2 - 3 lần giá thông thường.
Lái Uber kiếm tiền mua xe
Khi thị trường gọi taxi qua ứng dụng điện thoại như: Uber, Grab… nở rộ trên thế giới nói chung và Singapore nói riêng, người dân Singapore bắt đầu chuyển sang chạy Uber để trang trải chi phí mua ô tô với giá cao.
Điển hình là trường hợp của tài xế hợp tác với Uber như Peter Chiu. Ông là một cảnh sát mới về hưu. Lúc 58 tuổi, ông Chiu đã thuê một chiếc ô tô, hợp tác với Uber, lái khoảng 3 - 4 tiếng/ngày và 6 ngày/tuần để trang trải chi phí thuê xe (357 USD/tuần), còn lại tiết kiệm để trả tiền mua chiếc Honda Vezel.
Ông Chiu là trường hợp điển hình cho xu hướng thuê xe để hợp tác với Uber đang ngày càng được ưa chuộng tại Singapore. “Ở Singapore, mua một chiếc xe ô tô rất đắt. Nhưng nay, chúng tôi đã có cách dễ dàng để lái xe mà vẫn kiếm được tiền để trang trải chi phí. Càng kiếm được nhiều tiền, chúng tôi càng tích lũy được ngân sách để mua xe mới”, ông Chiu chia sẻ.
Nhận định về xu hướng này, ông Brian Tan, nhà kinh tế tại Tập đoàn Nomura, Singapore cho biết: “Uber là con đường khác để tuyển dụng, tạo thêm việc làm cho thị trường lao động. Nó được coi là nghề nghiệp thay thế vì không cần giấy phép đặc biệt để hành nghề”.
Từ đó, công nghệ mới không chỉ là làm thay đổi nhiều ngành kinh doanh truyền thống tại Singapore mà còn thay đổi hành vi của khách hàng trong bối cảnh người dân đối mặt với chi phí ngày càng tăng cao và tỉ lệ thất nghiệp có xu hướng tăng liên tiếp từ 6 năm qua.
Bloomberg dẫn số liệu thống kê chính thức, từ năm 2014, một năm sau khi Uber bắt đầu hoạt động tại Singapore đến năm 2015, số lượng ô tô thuê tại Singapore tăng hơn 50% lên 29.369 chiếc. Mặc dù, số lượng taxi di chuyển trên đường tăng vọt nhưng tổng số phương tiện lại giảm 1,5%.
Một trường hợp khác, ông Simon, cựu nhân viên bất động sản, 45 tuổi, thuê một chiếc Toyota Corolla và hợp tác với Uber nhiều nhất khoảng 4 tiếng/ngày. Theo Simon, ngoài công việc chính, anh còn hợp tác với Uber để kiếm tiền tự mua một chiếc ô tô. Anh dùng chiếc xe này để vào cuối tuần, chạy qua biên giới thăm vợ và hai con sinh sống tại Malaysia, cách nơi anh làm việc ở Singapore khoảng 20km. Mỗi chuyến đi này, Simon còn có thể tiết kiệm thêm nhờ mua xăng tại Malaysia vì giá xăng tại đây rẻ hơn tại Singapore.
Anh Tang Kin Yee, 53 tuổi, người có công việc chính là nhiếp ảnh và quảng cáo cho biết: “Việc thuê ô tô có ý nghĩa rất lớn. Từ năm ngoái, tình hình kinh doanh ngày càng ế ẩm nên Tang bắt đầu lái Uber để kiếm thêm thu nhập. Hiện nay, anh Tang đang thuê một chiếc Honda Vezel và tính chuyện lái Uber toàn thời gian.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận