Thị trường

Đầu năm 2017, Việt Nam đã nhập 3.000 tấn thịt từ Brazil

23/03/2017, 10:33

Bê bối thịt bẩn từ Brazil đã khiến dư luận quan tâm Việt Nam đã nhập bao nhiêu thịt từ nước này?

de-xuat-tam-dung-nha-khau-thit-ban-tu-Brazil

Đề xuất tạm dừng nhập khẩu thịt bẩn từ Brazil. Ảnh minh họa: AP

Đầu năm 2017, Việt Nam nhập khoảng 3.000 tấn thịt từ Brazil

Brazil là nước sản xuất thịt và các sản phẩm từ thịt lớn nhất thế giới, xuất khẩu thịt của nước này chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu thịt của toàn thế giới và được xuất khẩu tới 150 nước và vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam.

Thương vụ Việt Nam tại Brazil dẫn số liệu từ Bộ Công nghiệp, Ngoại thương Brazil, cho hay, chỉ tính riêng trong hai tháng đầu năm 2017, Việt Nam đã nhập khẩu thịt và các sản phẩm thịt với trị giá kim ngạch đạt 12,8 triệu USD, chiếm khoảng 7% tổng kim ngạch xuất khẩu của Brazil sang Việt Nam.

Đáng chú ý, nhập khẩu thịt từ Brazil có chiều hướng tăng mạnh.

Còn theo đại diện Cục Thú y, Bộ NN&PTNT, các tháng đầu năm 2017, Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 3.000 tấn thịt và sản phẩm thịt từ Brarzil. Đại diện này khẳng định, lượng thịt nhập khẩu từ Brazil của Việt Nam là rất nhỏ so với tổng số gần 6 triệu tấn thịt từ Brazil xuất khẩu hằng năm.

“Các cơ quan chức năng của nước ta cần có các biện pháp kiểm soát chặt chẽ để bảo đảm các sản phẩm thịt nhập khẩu từ Brazil thực sự an toàn đối với người tiêu dùng”, Thương vụ Việt Nam tại Brazil khuyến cáo.

Đại diện Bộ NN&PTNT cũng cho biết, tất cả các lô hàng thịt nhập khẩu từ Brazil vào Việt Nam phải tuân thủ các quy định theo Thông tư số 25/2010/TT-BNNPTNT ngày 8/4/2010 của Bộ NN&PTNT hướng dẫn thực hiện việc kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm hàng hóa có nguồn gốc động vật nhập khẩu.

Các lô hàng này đều được lưu giữ tại khu vực cảng nhập, sau đó các cơ quan thú y cửa khẩu tổ chức kiểm soát chặt chẽ, lấy mẫu xét nghiệm từng lô hàng. Nếu kết quả xét nghiệm bảo đảm an toàn thực phẩm mới được phép nhập khẩu.

Đề xuất tạm dừng nhập khẩu thịt bẩn từ Brazil

Liên quan tới bê bối thịt bẩn, trước đó, Cảnh sát liên bang Brazil ngày 17/3 đã thông báo mở cuộc điều tra vụ việc được cho là vụ bê bối lớn nhất trong lịch sử ngành nông nghiệp, sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm thịt của nước này.

Theo đó, các cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra, thu thập chứng cứ cáo buộc nhiều công ty, trong đó có cả công ty JBS và BRF là hai công ty sản xuất thịt lớn nhất Brazil cũng như của thế giới đã hối lộ các nhân viên nhà nước để được phép lưu thông và xuất khẩu các sản phẩm thịt nhiễm bẩn.

Cảnh sát đã phát ra hàng trăm giấy gọi trình diện trước tòa án trong đó có 30 lệnh bắt giam. Cuộc điều tra được mô tả là lớn nhất trong lịch sử hoạt động phòng chống tội phạm của cảnh sát Brazil.

Nhiều sản phẩm thịt bẩn và xúc xích của các công ty bị cáo buộc có các thành phần không đảm bảo vệ sinh. Và để làm mất mùi hôi, các công ty này đã sử dụng các loại a-xít không được phép dùng trong thực phẩm.

Sau khi được “xử lý”, các sản phẩm nhiễm bẩn này đã được phân phối trên thị trường nội địa thông qua các chuỗi siêu thị.

Theo thông tin của cảnh sát, một số sản phẩm thịt nhiễm vi khuẩn Salmonella đang trên đường xuất khẩu sang châu Âu.

Bộ Nông nghiệp Brazil sau đó đã trấn an dư luận rằng đây chỉ là vụ việc riêng lẻ, không phải là đại diện cho cả ngành sản xuất thịt của nước này. Ngày 19/3, Tổng thống Michael Termer và Bộ trưởng Nông nghiệp Brazil cũng gặp gỡ báo chí và đại diện các Đại sứ quán để cung cấp thêm thông tin và khẳng định các sản phẩm thịt của Brazil vẫn an toàn.

Dù vậy, các cơ quan quản lý an toàn thực phẩm của Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, và Trung Quốc vẫn có chính thức yêu cầu Brazil giải trình về bê bối thịt bẩn nêu trên.

Ngay sau đó, Singapore, Trung Quốc, Hàn Quốc, Chile và nhiều nước khác tại EU đã đồng loạt tạm thời ngưng nhập khẩu thịt từ Brazil sau bê bối thịt bẩn tại nước này.

Tại Việt Nam, đại diện Cục Thú y cho biết đang đề nghị Bộ NN&PTNT xem xét tạm ngừng nhập khẩu thịt từ Brazil có nguồn gốc từ các nhà máy có nguy cơ mất an toàn thực phẩm giống như một số nước nêu trên.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.