Những sai phạm của dự án làng nghề Mai Hương hé lộ khiến dư luận xôn xao. Bởi ngoài những thiệt đơn, thiệt kép khi người dân bị thu hồi đất, phải mua lại chính đất của mình, còn là sự bất bình về chính sách GPMB kỳ lạ, sự bức xúc khi sai phạm ngang nhiên tồn tại suốt một thời gian dài.
Xưa nay, việc đền bù đất nông nghiệp khi bị thu hồi, người dân được trả bằng tiền, bằng đất có thể kèm theo chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, ổn định sản xuất. Nhưng ở dự án này, lần đầu tiên người ta biết đến một chính sách GPMB kỳ quặc: Những người bị thu hồi đất được chủ đầu tư “ưu đãi” cho mua một suất đất bằng 1/10 diện tích đất đã bị thu hồi.
Những người nông dân Hiệp Hòa, vốn chân chất một nắng hai sương, tin vào cái khung cảnh sầm uất của làng nghề “đẹp như một khu biệt thự, nhà nào cũng có sổ đỏ” mà chủ đầu tư - Công ty CP Xây dựng đô thị số 1 Hà Nội vẽ ra. Và cũng như bao người dân thôn quê khác, họ càng tin hơn khi tổng giám đốc công ty là ông Đinh Văn Tưởng, chính là người quê ở Hiệp Hoà. Lòng tin như càng được củng cố khi chính quyền xã, huyện cùng vào cuộc đốc thúc người dân sớm giao đất, sớm đóng tiền để chọn những lô đất mới trên chính những thửa đất mà họ vừa bàn giao.
Dốc lòng tin vào lời quảng cáo của ông chủ doanh nghiệp “đồng hương”, tin vào chính quyền, đã có hàng trăm hộ nộp tiền mua đất. Tuy nhiên, đã hơn 2 năm nay, các hộ vẫn chưa nhận được hồ sơ pháp lý liên quan đến những thửa đất được giao này.
Nhưng sai phạm không chỉ dừng ở khâu GPMB, mà ngay sau khi thu hồi được đất, chủ đầu tư đã lập tức tự ý phân lô, bán nền trái với mục đích dự án, thậm chí ngay cả khi dự án chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt. Và lại thêm rất nhiều người dân khác mất tiền oan với dự án đầy sai phạm này.
Rõ ràng, doanh nghiệp chủ đầu tư dự án vì hám lợi mà làm liều, lừa dối từ người dân bàn giao đất đến khách hàng mua đất. Nhưng để doanh nghiệp tự tung tự tác, tự đặt ra các chính sách đổi đất kỳ quặc, tự ý phân lô bán nền khi dự án còn chưa hoàn thiện giấy phép xây dựng trong suốt một thời gian dài, thì không thể không có sự buông lỏng quản lý, thậm chí là sự dung túng của chính quyền, ngành chức năng địa phương.
Tới thời điểm này, Chủ tịch tỉnh Bắc Giang đã yêu cầu thanh tra toàn diện dự án làng nghề Mai Hương, thế nhưng, các cơ quan chức năng, các cấp chính quyền địa phương vẫn né tránh, đổ trách nhiệm cho nhau trong việc để sai phạm của dự án tồn tại suốt một thời gian dài.
Đáng lo ngại, dù sai phạm đã rõ ràng, việc quảng cáo, mua bán nhà đất của dự án vẫn diễn ra rầm rộ; các ngôi nhà cao tầng vẫn tiếp tục được hoàn thiện trong dự án. Điều đó đồng nghĩa, sẽ vẫn tiếp tục có những người dân rơi vào “bẫy lừa” của chủ đầu tư dự án này, nếu Bắc Giang không nhanh chóng, quyết liệt và triệt để xử lý sai phạm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận