Đau nửa đầu - bệnh của dân văn phòng
Chị Đ.T.H. (34 tuổi, Hai Bà Trưng, Hà Nội) tìm đến thăm khám tại BV Medlatec vì những cơn đau đầu triền miên. Theo chị H., khoảng một năm nay, những đợt đau nửa đầu bên trái “hành” khiến chị mệt mỏi, cáu gắt. Những đợt đau nửa đầu phải kéo dài 5 - 6 tiếng, đỡ triệu chứng ngay sau ngủ dậy, đau tăng lên khi gắng sức. “Không chỉ đau đầu, mà mỗi lần như vậy, mình thấy sợ ánh sáng, sợ tiếng động kèm theo nôn và buồn nôn”, chị H. cho hay.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, BSCKI. Nguyễn Đình Tuấn, chuyên khoa Thần kinh, BV Đa khoa Medlatec cho biết: “Đau đầu vận mạch hay còn gọi là đau nửa đầu Migraine là những cơn đau đầu mức độ vừa đến mạnh thường xảy ra ở một bên, có thể kèm theo nôn và buồn nôn. Bệnh thường xảy ra ở người trẻ tuổi và đặc biệt là ở dân văn phòng. Nguyên nhân của đau nửa đầu hiện nay chưa rõ, tuy nhiên người ta thấy rằng có vai trò của gen và các yếu tố môi trường ảnh hưởng tới căn bệnh này”.
Theo lý giải của BS. Tuấn, bệnh đau nửa đầu thường gặp ở những người suy nghĩ nhiều, làm việc quá sức, thay đổi hormone. Và thường gặp ở phụ nữ, đặc biệt là trong độ tuổi dưới 45. Người làm việc văn phòng có áp lực thời gian hoàn thành công việc, khối lượng công việc nhiều, hay bị stress, thức khuya, ngủ không đủ giấc, đồ uống có chứa nhiều cafein, sử dụng rượu bia...
Cũng theo BS. Tuấn, để điều trị đau nửa đầu, người bệnh không nhất thiết phải sử dụng thuốc và các biện pháp can thiệp y học mà có thể bằng những cách đơn giản cũng có thể giúp tình trạng bệnh cải thiện rõ rệt. Chế độ nghỉ ngơi, thư giãn giữ vai trò quan trọng góp phần giảm thiểu cơn đau đầu. Trong đó, ngủ đủ giấc (6 - 8 tiếng/ngày), massage, thư giãn... chính là cách hữu hiệu nhất, giúp tinh thần được nghỉ ngơi, giảm stress. Cùng đó là chế độ ăn uống và rèn luyện thể thao khoa học.
“Tuy nhiên, với bệnh đau nửa đầu, nếu không có chế độ ngủ nghỉ hợp lý, khoa học thường xuyên thì bệnh lại tái phát. Cũng vì điều này mà bệnh nhân thường phải đi thăm khám, lệ thuộc vào thuốc điều trị, thậm chí nếu không chữa trị dứt điểm làm tăng yếu tố nguy cơ bệnh lý thần kinh, tim mạch”, BS. Tuấn cho hay.
Thiếu máu vì ăn chay dẫn đến đau đầu
Cách đây không lâu, BS. Tuấn tiếp một nữ bệnh nhân 30 tuổi đến viện trong tình trạng suy nhược cơ thể, nước da nhợt nhạt và thường xuyên đau đầu, chóng mặt. Sau khi khám lâm sàng kết hợp xét nghiệm công thức máu cho ra kết quả khẳng định thiếu máu, bác sĩ đã truy xuất bệnh sử của bệnh nhân này và được biết bệnh nhân ăn chay trường với chế độ ăn thiếu chất, không khoa học đã nhiều năm nay. Theo bệnh nhân này, cơ thể thấy mệt từ nhiều tháng trước nhưng 2 tuần nay, các cơn đau đầu, chóng mặt xuất hiện liên tục nên mới quyết định đi thăm khám tại bệnh viện.
BS. Tuấn cho hay, việc ăn chay trường như bệnh nhân này nếu duy trì lâu hơn nữa sẽ rất nguy hiểm, dễ thiếu dinh dưỡng nuôi các mô, cơ quan như tim, não… dẫn đến thiếu máu, suy dinh dưỡng, giảm khả năng miễn dịch, giảm hiệu suất học tập và công việc. Chính vì vậy, bệnh nhân được tư vấn chế độ sinh hoạt ăn, nghỉ phù hợp. Nếu vẫn thực hiện chế độ ăn kiêng thì cần lành mạnh với sự tư vấn của chuyên gia dinh dưỡng.
Theo chia sẻ của BS. Tuấn, biểu hiện đau đầu là nguyên nhân của nhiều bệnh lý khác nhau. Trong đó có đau đầu lành tính và có đau đầu là triệu chứng bệnh lí, thậm chí nguy hiểm. Với nhóm đau đầu lành tính thường là do căng thẳng, stress dẫn đến các cơn đau. Rất nhiều trường hợp đau đầu lại là dấu hiệu của bệnh lí nguy hiểm như khối u não, dị dạng mạch não….
“Dù là đau đầu lành tính, người bệnh cần lưu tâm để điều trị dứt điểm bởi việc trường diễn các cơn đau đầu cũng sẽ tăng nguy cơ tai biến mạch máu, bệnh lí tim mạch… Nếu chứng đau đầu diễn ra thường xuyên, người bệnh nên chủ động tìm đến bác sĩ chuyên khoa để được khám, tư vấn điều trị đúng cách, không nên tự dùng thuốc giảm đau. Đặc biệt, cần đi khám ngay khi cơ thể có những dấu hiệu đau đầu đột ngột và dữ dội, có rối loạn thị giác, tê yếu tay chân, nói khó… ”, BS. Tuấn khuyến cáo.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận