Quản lý

Đăng kiểm “đón đầu” quản lý phương tiện giao thông thông minh

08/02/2019, 06:16

Trong tương lai gần, xe điện, xe tự lái sẽ xuất hiện tại Việt Nam. Tuy nhiên, cơ chế, chính sách quản loại phương tiện này gần như chưa có.

img
Đăng kiểm viên Cục Đăng kiểm VN kiểm tra đánh giá chất lượng an toàn kỹ thuật một mẫu xe mới

Trong tương lai gần, xe điện, xe tự lái sẽ xuất hiện tại Việt Nam. Tuy nhiên, cơ chế, chính sách quản loại phương tiện này gần như chưa có. Báo Giao thông trao đổi với ông Trần Kỳ Hình, Cục trưởng Cục Đăng kiểm VN về vấn đề này.

Lập nhóm nghiên cứu chuyên sâu

Nhiều nước đã sản xuất, cho phép xe ô tô điện lưu thông, cũng như thử nghiệm xe tự lái. Vậy ở Việt Nam đã có cơ chế quản lý những loại xe này chưa, thưa ông?

Nhiều phương tiện giao thông hiện đại, thế hệ mới của thế giới đã có mặt tại Việt Nam. Có thể kể đến các dòng xe ô tô sang trọng sử dụng công nghệ lai (công nghệ Hybrid-kết hợp giữa xăng và điện), ô tô điện, mô tô điện đã và đang được sản xuất tại thị trường Việt Nam.

Phương tiện công cộng cũng đã xuất hiện tàu điện đường sắt đô thị, ôtô hai tầng... sử dụng năng lượng phi truyền thống. Một số đơn vị trong nước cũng đang nghiên cứu, thử nghiệm ôtô tự lái. Cùng đó là sự nâng cấp và đổi mới công nghệ sản xuất, lắp ráp phương tiện, tiếp thu công nghệ tiên tiến trong vận hành và khai thác loại phương tiện giao thông mới.

Thực tế này đặt ra yêu cầu cho ngành đăng kiểm xe cơ giới phải chủ động nắm bắt, có sự chuẩn bị để đón đầu.

Ông có thể nói rõ hơn về sự chuẩn bị này?

Dù lĩnh vực đăng kiểm xe cơ giới “tuổi đời” còn trẻ so với các lĩnh vực khác (Đăng kiểm bắt đầu quản lý phương tiện xe cơ giới đường bộ từ năm 1995-PV), nhưng chúng tôi xác định đây là mảng quan trọng cần đầu tư, đào tạo nguồn đăng kiểm viên (ĐKV) có trình độ chuyên môn cao, sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu trong tình hình mới.

Theo đó, chúng tôi tích cực tham gia các hội nghị chuyên ngành tại các nước có nền công nghiệp ô tô phát triển, thành lập nhóm nghiên cứu chuyên sâu về phương tiện sử dụng năng lượng mới, công nghệ mới. Đồng thời, đã đầu tư trang thiết bị, nghiên cứu ứng dụng công nghệ để tăng cường khả năng tự động hóa quy trình kiểm tra, ghi nhận kết quả kiểm định; nghiên cứu bổ sung, sửa đổi quy trình, nội dung kiểm định phương tiện phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện tại Việt Nam.

Đăng kiểm VN hợp tác chặt chẽ với các hiệp hội, tổ chức đăng kiểm quốc tế để nâng cao trình độ nghiệp vụ và tiếp cận công nghệ mới cho cán bộ, ĐKV trên tất cả lĩnh vực kiểm định.

Hoàn thiện mô hình quản lý điện tử

Quản lý tốt chất lượng phương tiện cần đi đôi với dịch vụ công thông thoáng, thuận lợi. Ngành đăng kiểm có giải pháp nào?

Hiện đại hóa hành chính, ứng dụng công nghệ, đơn giản hóa thủ tục và quản lý theo tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, xây dựng mô hình quản lý điện tử, lập cơ sở dữ liệu điện tử lớn phục vụ công tác đăng kiểm và chia sẻ bằng các chương trình, ứng dụng dùng chung, quản lý trực tuyến... là giải pháp đang được chúng tôi tập trung triển khai. Từ năm 2015, Cục Đăng kiểm đã vận hành 5 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 theo cơ chế điện tử một cửa quốc gia, năm 2019 tiếp tục thử nghiệm, xây dựng 9 dịch vụ ở mức độ 3 thuộc lĩnh vực quản lý. Tất cả vì mục tiêu giải quyết thủ tục nhanh nhất, công khai, minh bạch và thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp.

Cơ chế mới từ năm 2019 cho phép đầu tư không hạn chế trung tâm đăng kiểm. Cục Đăng kiểm VN quản lý thế nào trước khả năng “cung vượt cầu”, kiểm định dễ dãi để thu hút phương tiện?

Nghị định 139/2018 của Chính phủ về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới đã nâng chế tài, khiến trung tâm đăng kiểm phải nghiêm túc hơn, tránh nguy cơ bị ngừng hoạt động.

Hiện, Cục Đăng kiểm đang xây dựng phần mềm quản lý kiểm định xe cơ giới mới, nâng cao tính năng tự động hóa để tránh sự can thiệp của con người vào kết quả kiểm định và quản lý trực tuyến toàn hệ thống. Tuy vậy, chúng tôi chỉ đạo tiếp tục tăng cường kiểm tra chuyên ngành, giám sát, hậu kiểm để phòng ngừa sai phạm.

Cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.