Lần đầu tiên nêu đích danh Trung Quốc trong văn kiện chiến lược
Trong bài phát biểu ngày 29/6, theo giờ Tây Ban Nha (chậm hơn VN 5 tiếng), Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg tuyên bố, liên minh này lần đầu tiên đồng thuận để đưa các mối đe dọa từ Bắc Kinh vào văn kiện hướng dẫn chiến lược mới của liên minh trong thời gian tới.
Dự kiến, khái niệm chiến lược mới sẽ các lãnh đạo NATO được thông qua trong ngày 30/6.
Có thể thấy, dù Hội nghị NATO lần này chủ yếu tập trung vào chiến sự của Nga tại Ukraine nhưng những vấn đề liên quan tới Trung Quốc lại được các nhà lãnh đạo NATO đề cập là một trong những mối lo ngại an ninh nghiêm trọng nhất.
“Chúng ta đang đối mặt với thời kỳ cạnh tranh chiến lược… Trung Quốc đang củng cố đáng kể các lực lượng như vũ khí hạt nhân, chèn ép các quốc gia/ vùng lãnh thổ láng giềng như Đài Loan. Trung Quốc không phải là đối thủ của chúng tôi nhưng NATO cần phải nhận thức rõ về những thách thức nghiêm trọng liên quan tới Trung Quốc” - ông Stoltenberg nói.
Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg.
Văn kiện gần đây nhất của NATO (hay còn gọi là khái niệm chiến lược) được các lãnh đạo NATO đồng thuận và công bố năm 2010 không nhắc tới Trung Quốc.
Khái niệm chiến lược 2010 được đưa ra vào khoảng thời gian NATO tập trung vào Afghanistan, sau cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 trên đất Mỹ. Trong đó, tài liệu chỉ tập trung mô tả khu vực châu Âu-Đại Tây Dương là "hòa bình" và thậm chí tìm kiếm một "quan hệ đối tác chiến lược" giữa NATO và Nga.
Trong khi đó, ở tài liệu mới, NATO đánh giá Nga là "mối đe dọa trực tiếp và đáng kể nhất" đối với an ninh của các đồng minh và các chính sách của Trung Quốc đang thách thức lợi ích của NATO.
Trong tài liệu, các lãnh đạo NATO liệt kê một loạt hành vi đáng lo ngại của Trung Quốc, chẳng hạn như việc sử dụng "các công cụ chính trị, kinh tế và quân sự để tăng cường hiện diện toàn cầu và thể hiện sức mạnh", cảnh báo Trung Quốc "đang nhanh chóng mở rộng năng lực hạt nhân nhưng lại thiếu tăng cường tính minh bạch hoặc tham gia thiện chí vào kiểm soát vũ khí".
NATO cho rằng Trung Quốc cũng tìm cách kiểm soát chuỗi cung ứng và cơ sở hạ tầng quan trọng, đồng thời tìm cách phá vỡ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, bao gồm cả trong lĩnh vực không gian, an ninh mạng và hàng hải.
Mặt khác, trong khái niệm chiến lược của NATO cũng đề cập ngắn gọn về hợp tác với Trung Quốc, trong đó khẳng định liên minh “vẫn cởi mở trong việc can dự mang tính xây dựng với Trung Quốc, bao gồm việc xây dựng sự minh bạch có qua có lại nhằm bảo vệ lợi ích an ninh của liên minh”.
Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là "quan trọng" đối với liên minh xuyên Đại Tây Dương, NATO thừa nhận trong tài liệu và cam kết tăng cường đối thoại và hợp tác với các đối tác mới và hiện có trong khu vực để giải quyết "các thách thức xuyên khu vực và đem lại lợi ích an ninh chung".
Phản ứng ban đầu của Trung Quốc
Bình luận về Khái niệm chiến lược mới của NATO, ông Vương Lỗ Đồng, Vụ trưởng phụ trách các vấn đề Châu Âu thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nhận định qua trên Twitter rằng: “Làm thế nào một Trung Quốc ở châu Á - Thái Bình Dương có thể gây ra bất kỳ thách thức nào đối với an ninh của liên minh NATO?”
Ông Vương cho rằng NATO “không nên để một số siêu cường sử dụng nhằm duy trì quyền bá chủ và gây sức ép lên các quốc gia khác”.
Ông Stoltenberg ca ngợi đây là cuộc họp "lịch sử và mang tính bước ngoặt" đối với khối này vốn đang đối mặt với "cuộc khủng hoảng an ninh nghiêm trọng nhất" kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai.
Chia sẻ tại hội nghị thượng đỉnh, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cáo buộc Trung Quốc đang tìm cách phá hoại trật tự quốc tế dựa trên luật lệ mà chúng ta đã tuân thủ, tin tưởng và đang góp sức xây dựng. Nếu Trung Quốc đang thách thức trật tự này bằng cách này hay cách khác, chúng ta sẽ phải ngăn chặn điều đó".
Những mâu thuẫn trong nội bộ NATO
Nhận định trước động thái mới nhất từ NATO, giới quan sát cho rằng, không phải là ngẫu nhiên mà NATO lần đầu tiên nêu đích danh Trung Quốc như là một đối tượng cần quan tâm trong một tài liệu chiến lược.
Lý do là xuất phát từ xu hướng Bắc Kinh đang xích lại gần Moscow nhiều hơn sau khi Nga khởi động chiến sự nhằm vào Ukraine và từ việc Trung Quốc ngày càng sử dụng sức mạnh địa chính trị và sức ép kinh tế.
Cách đây 3 ngày, hãng tin Reuters cũng có bài viết dẫn một số nguồn tin hé lộ NATO đang bàn bạc để thống nhất việc đề cập Trung Quốc trong Khái niệm chiến lược lần này.
Trong đó, hãng tin Reuters trích lời một số nhà ngoại giao ở NATO cho biết, trong quá trình đàm phán để xây dựng văn kiện trên, các thành viên NATO đã bất đồng với nhau trên hai điểm nổi bật: đó là cách mô tả Trung Quốc và mối quan hệ của Trung Quốc với Nga.
Hai nước Anh và Mỹ kêu gọi cần dùng lời lẽ mạnh mẽ hơn để phản ánh những gì mà hai nước này coi là tham vọng quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc và những mối lo ngại ngày càng lớn về việc Bắc Kinh có thể dùng vũ lực với Đài Loan.
Gần đây, Anh đã chính thức dùng từ “mối đe dọa nghiêm trọng và trực tiếp” khi nói về Nga và “thách thức chiến lược” khi nhắc tới Trung Quốc.
Mặt khác, Pháp và Đức lại muốn NATO sử dụng ngôn từ chừng mực hơn khi đề cập đến Trung Quốc.
Theo một nhà ngoại giao, các bên đã đàm phán để đưa ra thỏa hiệp. Theo đó, dù Trung Quốc vẫn bị coi là một “thách thức hệ thống”, nhưng song song NATO vẫn đưa thêm ý “sẵn sàng làm việc trên các lĩnh vực có lợi ích chung” với Bắc Kinh để giảm bớt mức độ gay gắt.
Về vấn đề các nước trong NATO bất đồng trong đánh giá quan hệ Trung-Nga, theo một nhà ngoại giao, Cộng hoà Czech và Hungary là hai thành viên phản đối mạnh mẽ việc sử dụng thuật ngữ “tập hợp chiến lược” để định nghĩa quan hệ Trung-Nga hiện nay.
Mỹ, nước đứng đầu NATO, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đưa Trung Quốc vào khái niệm chiến lược mới nhất của NATO. Và chính vì lý do đó mà 4 nước châu Á-Thái Bình Dương là Australia, New Zealand, Nhật Bản và Hàn Quốc lần đầu tiên được mời tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO.
Mục đích là để báo hiệu rằng NATO không hề “rời mắt khỏi Trung Quốc” ngay cả lúc toàn khối liên minh quân sự đang tập trung vào việc tăng cường khả năng phòng thủ của Ukraine.
Hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức châu Âu nhận định: “NATO không thể phớt lờ Trung Quốc… Châu Âu đã nhận thức ra điều này hơi muộn, nhưng rõ ràng đã phải thay đổi cách nhìn sau những gì diễn ra ở Hong Kong”.
Ngày 29/9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cũng chỉ trích các thành viên NATO đã “gây căng thẳng và kích động xung đột” bằng cách điều tàu chiến và máy bay vào các khu vực gần với lục địa châu Á và Biển Đông.
Ông Triệu Lập Kiên nhấn mạnh: “NATO nên từ bỏ tâm lý Chiến tranh Lạnh và không cố gắng gây rối cho châu Á và toàn thế giới sau khi phá vỡ châu Âu”.
Bắc Kinh tiếp tục tuyên bố họ trung lập trong cuộc chiến Ukraine, đồng thời cáo buộc NATO và Mỹ kích động Nga hành động quân sự.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận