Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa phát biểu khai mạc hội nghị Ảnh: Khánh Linh |
Tham dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, lãnh đạo các Bộ: GTVT, Kế hoạch – Đầu tư, Tài chính, các chuyên gia kinh tế, cùng nhiều doanh nghiệp đầu tư hạ tầng giao thông theo hình thức BOT, BT.
Vốn ngoài ngân sách hiện thực mục tiêu Đại hội Đảng
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa cho rằng, hệ thống cơ sở hạ tầng trong đó có hạ tầng giao thông là xương sống của của mỗi đất nước, mỗi nền kinh tế. Một quốc gia không xây dựng và duy trì được một hệ thống cơ sở hạ tầng đầy đủ, chắc chắn sẽ đối mặt với những thách thức to lớn như không tạo thêm được việc làm cho xã hội, thu nhập và mức sống của người dân không cao do phải chi phí nhiều hơn cho hàng hóa, dịch vụ và nhiều vấn đề khác như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế… tất yếu là quốc gia đó không thể phát triển.
Để hoàn thành được mục tiêu “Xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, nhất là hệ thống giao thông, yếu tố đang gây ách tắc, cản trở sự tăng trưởng kinh tế, gây bức xúc trong nhân dân” như Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI, theo tính toán của Bộ GTVT, riêng giai đoạn 2011 - 2015, nhu cầu nguồn vốn cần khoảng 484.000 tỷ đồng, trong đó, nguồn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ và ODA đáp ứng được 181.000 tỷ đồng (khoảng 37%). Việc sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi (ODA) ngày càng hạn chế khi Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình. Do vậy, việc huy động các nguồn lực ngoài ngân sách để phát triển hạ tầng giao thông là hướng đi tất yếu để có thể hiện thực hóa các mục tiêu nêu trên.
Theo Bộ trưởng, việc đánh giá chính xác hơn về các mặt được, chưa được của việc phát triển hạ tầng giao thông theo hình thức PPP sẽ được thảo luận trong Hội nghị này, nhưng chúng ta có thể khẳng định, các dự án hạ tầng giao thông khi đưa vào khai thác đã phát huy ngay hiệu quả kinh tế, đáp ứng nhu cầu vận tải, giảm thiểu ùn tắc và TNGT, giảm ô nhiễm môi trường, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng dự án, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nói chung, góp phần đảm bảo an ninh - quốc phòng.
Quá trình đầu tư phát triển một dự án hạ tầng giao thông theo hình thức đối tác công - tư là một quá trình phức tạp hơn rất nhiều phương pháp đầu tư công truyền thống. Nhiều nghiên cứu đã khẳng định không tồn tại một định nghĩa hay hình thức PPP chuẩn mà mỗi quốc gia, thậm chí từng địa phương trong một quốc gia, đều có những chiến lược về PPP riêng tuỳ thuộc vào bối cảnh, thể chế, nguồn tài trợ và tính chất của dự án.
“Với mong muốn tiếp tục thực hiện thành công các giải pháp huy động nguồn lực xã hội cho đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trên nguyên tắc sử dụng hiệu quả nhất nguồn lực này, bảo đảm hài hòa lợi ích Nhà nước - Nhà đầu tư - Người sử dụng, Bộ GTVT chân thành mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp quý báu từ tất cả các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp về những mặt được, mặt chưa được trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức đối tác công - tư thời gian qua và giải pháp trong thời gian tới”, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa đề nghị.
Toàn cảnh hội nghị đánh giá công tác đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT, BT diễn ra sáng nay |
Các dự án triển khai đúng trình tự thủ tục đầu tư
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết, giai đoạn 2011-2015, Bộ GTVT đã huy động được khoảng 186.660 tỷ đồng để đầu tư 62 dự án, gồm 58 dự án BOT (tổng mức đầu tư 170.355 tỷ đồng) và 4 dự án BT (tổng mức đầu tư 16.305 tỷ đồng). Hiện nay, Bộ GTVT đang triển khai đầu tư 36 dự án với TMĐT 111.854 tỷ đồng. Cơ bản các dự án triển khai đúng và vượt tiến độ, trình tự thủ tục đầu tư tuân thủ quy định hiện hành.
“Kết quả tính toán của đơn vị tư vấn độc lập cho thấy, các dự án vốn xã hội hóa đưa vào khai thác đã giúp các phương tiện tiết kiệm đáng kể thời gian lưu thông, tiết giảm chi phí tiêu hao nhiên liệu, khấu hao phương tiện,... so với khi công trình chưa được đầu tư xây dựng”.
Tại hội nghị đang diễn ra, nhiều tham luận của đại biểu từ các bộ, ngành, chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp liên quan đóng góp nhiều ý kiến, đánh giá về hiệu quả cũng như những mặt được và chưa được trong việc thu hút nguồn vốn PPP thực hiện các dự án phát triển hạ tầng giao thông.
Báo Giao thông sẽ thông tin đa chiều các ý kiến tham luận này, cùng những đánh giá, chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, lãnh đạo các Bộ, ngành trong số báo phát hành vào ngày mai 8/6.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận