Chưa bao giờ việc tiếp cận và quảng bá âm nhạc thông qua internet lại thuận tiện và dễ dàng như ngày nay. Nhạc số phát triển, kèm theo đó là công cuộc cạnh tranh cũng tăng cao. Các trang nhạc số cạnh tranh nhau, ca sĩ cạnh tranh nhau. Thế nhưng, sự cạnh tranh ngày nay lại không đến từ chất lượng sản phẩm.
Theo nhạc sĩ Hồ Hoài Anh, hiện nay, đánh giá sản phẩm âm nhạc đôi khi không phụ thuộc vào chất lượng thực sự mà là lượt nghe/xem. Điều này gây ảnh hưởng tới suy nghĩ và tâm lý của nghệ sĩ, những người làm sáng tạo. Trong khi đó, sản phẩm muốn đạt được lượt xem cao phải có yếu tố giải trí, mà tính nghệ thuật thường không đi cùng yếu tố giải trí.
Khi sản phẩm âm nhạc ra mắt, người sáng tạo đã tìm cách để có lượt view cao. Tâm lý này gây ảnh hưởng thiếu tích cực tới chất lượng sản phẩm. Có nghệ sĩ phải thay đổi để phù hợp với thị trường, giảm cái tôi để làm ra sản phẩm được yêu thích. Ít người tìm được hướng đi riêng, hay có thể đi đúng con đường của mình để có sự khác biệt.
Khán giả thích sản phẩm có tính giải trí cũng tác động tới các BXH âm nhạc. Bởi, BXH âm nhạc số đều phụ thuộc vào khán giả. “Một BXH toàn ca khúc không ai nghe thì không thể có tiếng vang. Nhưng khi BXH phụ thuộc vào lượt nghe thì đừng bao giờ đòi hỏi giá trị nghệ thuật song hành”, nhạc sĩ Hồ Hoài Anh chia sẻ.
Nhận định của nhạc sĩ Hồ Hoài Anh cho thấy, chính các bài hát nằm trong các BXH còn không đạt được chất lượng thì không thể đòi hỏi các BXH cũng “có chất lượng”. Và từ đây, bảng xếp hạng âm nhạc cũng dần mất đi độ tin cậy và sức ảnh hưởng mà đáng lý nó phải có được. Điều này diễn ra không chỉ ở nền âm nhạc Việt Nam mà cả quốc tế.
Ngay BXH Billboard của Mỹ tồn tại trong nhiều năm cũng có kẽ hở khi sản phẩm âm nhạc lọt top nhưng không được đánh giá cao. Điển hình, nhóm nhạc Hàn Quốc SuperM từng giành hạng nhất tại “Billboard 200” với album “SuperM” vào năm 2019 nhưng sau đó bị truyền thông Mỹ và Hàn “đá xéo”. Theo đó, mini album đầu tay của nhóm có lượt nghe khiêm tốn nhưng nhóm đã dùng mánh khóe để đạt thành tích trên Billboard.
“Điều cốt lõi vẫn là làm sao để có một nền công nghiệp âm nhạc Việt Nam có giá trị. Bây giờ, đã có nhiều nghệ sĩ trẻ có đường đi riêng biệt, có đóng góp tốt cho đời sống âm nhạc. Trong chặng đường của nghệ sĩ, cũng có lúc họ làm được sản phẩm tử tế. Điều chúng ta cần làm là nhìn nhận những điểm chưa được để hướng tới sự tích cực hơn”, nhạc sĩ Hồ Hoài Anh nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận