Âm nhạc chửi lên ngôi?
Ngay khi được lần đầu thể hiện trong chương trình Ai sẽ thành sao, bài hát “Ngoại ơi con về” của ca sĩ Cẩm Ly đã gây tranh cãi gay gắt. Bài hát được mở đầu bởi câu “Mồ tổ cha mày, không về mà thăm đất quê/ Mồ tổ cha mày, đêm ngày ngoại thương nhớ con”. Không ít người cho rằng, câu “Mồ tổ cha mày” là câu chửi bình dân mang tính khiếm nhã và đưa vào bài hát như vậy không phù hợp. Sự việc gây xôn xao khiến phía Cẩm Ly phải lên tiếng giải thích, “Mồ tổ cha mày” không phải câu chửi mà là chỉ là câu nói cửa miệng của người dân miền Tây dùng để mắng yêu các cháu chứ không hề mang ý nghĩa phản cảm.
Có lẽ, lời ca từ “Mồ tổ cha mày” không phải trường hợp đầu tiên gây tranh cãi khi tác giả đưa những từ ngữ đời thường vào ca khúc. Trước đó, tiêu đề ca khúc “Anh đếch cần gì ngoài em” của rapper Đen Vâu cũng bị lên án khi dùng từ “đếch”. Dù bản thân Đen Vâu lý giải, từ “đếch” với anh chỉ là một từ mang tính chất đời thường và có chút bất cần chứ không phải bậy bạ. Tuy nhiên điều đó vẫn khiến ca khúc của anh bị một bộ phận khán giả phản ứng.
Trong dòng chảy âm nhạc cuồn cuộn, mỗi ngày có rất nhiều ca khúc mới được “ra lò”, tình trạng bài hát có từ ngữ mang tính chất dân dã, hoặc dung tục trong đời thường cũng ngày một nhiều. Đáng nói hơn, những bài hát ấy có thể dễ dàng tiếp cận tới công chúng khi tung lên mạng mà không cần phải thông qua cơ quan quản lý kiểm duyệt. Lướt qua các trang nghe nhạc trực tuyến hiện nay, dễ thấy hầu hết các bài hát nằm trên top lượt nghe đều là những sản phẩm hết sức “bình dân”. Không khó để chỉ ra có không bài hát gây tranh cãi về cả tựa đề, hoặc nội dung như “Như cái lò”, “Bấm # cho anh đi lên”… Đặc biệt, có nhiều ca khúc thậm chí có cái tên trở thành câu cửa miệng của nhiều người như “Anh không đòi quà”, “Quan trọng là thần thái”…
Tất nhiên, không phải bài hát nào trong số kể trên cũng chứa những từ ngữ dung tục. Thậm chí, việc đưa các ngôn ngữ đời thường vào bài hát còn đánh trúng tâm lý nghe nhạc xả stress, giải trí của khán giả. Âm nhạc càng bình dân, dễ hiểu, dễ thuộc càng dễ được công chúng đón nhận và tạo được hiệu ứng truyền thông. Theo nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Thụy Kha: “Khán giả ngày nay đã quá chán ngán những bài nhạc hoa mỹ nên âm nhạc cũng trở nên sát với đời sống hơn. Đây là tình trạng chung cho cả nền âm nhạc Việt Nam và thế giới. Nhiều ca khúc thậm chí có cả những từ văng tục. Tất nhiên, vẫn có những bài hát mang tính nghệ thuật để phục vụ những người biết thưởng thức nghệ thuật thực thụ, còn lại những bài hát bình dân, mang tính đại chúng dễ được phổ cập nhưng cũng sẽ nhanh chóng bị đào thải theo thời gian”.
Nguyên nhân do phông văn hóa nghệ sĩ
Âm nhạc với những ca từ bình dân, giản dị bản chất không phải xấu. Thậm chí, những sản phẩm ấy dễ được yêu thích bởi sự gần gũi với người nghe. Thế nhưng, việc đưa những từ ngữ ấy vào bài hát thế nào lại là điều đáng bàn. Bởi lẽ, âm nhạc không chỉ để nói lên tiếng lòng mà còn là một cách định hướng thẩm mỹ, văn hóa cho công chúng. Đó cũng là sứ mệnh của những người làm nghệ thuật.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung nhận định, việc đưa những ngôn ngữ đời thường, dân dã vào bài hát không có vấn đề gì, nhưng độ phù hợp của nó ra sao phụ thuộc vào ý đồ và sự khéo léo của tác giả. Chúng ta chỉ nên bài trừ những bài hát có ngôn từ và ý nghĩa thô tục. Còn việc tầm thường hóa hay đại chúng hóa trong âm nhạc là chuyện bình thường. Tuy nhiên, những bài hát dạng ấy cũng chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn. Bài hát nào có giai điệu hay, nội dung, ca từ đẹp, mang tính nghệ thuật và tính đại chúng nhất định sẽ tồn tại được lâu dài.
Nam nhạc sĩ “Nhật ký của mẹ” cũng cho rằng, hiện trạng tầm thường hóa âm nhạc hiện nay có nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ phông văn hóa của nghệ sĩ. Việc đổ lỗi cho khán giả có gu thưởng thức âm nhạc kém, dân trí thấp nên thích những bài hát bình dân không hoàn toàn đúng. Bởi “bản thân nghệ sĩ là người có gu nghệ thuật, thẩm mỹ âm nhạc và trách nhiệm của họ là định hướng khán giả, tạo ra những sản phẩm đẹp. Người nghệ sĩ không có sĩ diện sẽ chạy theo khán giả”. Lời chia sẻ này của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung dễ gây liên tưởng tới câu nói của nhà soạn nhạc nổi tiếng người Nga Prokophiev: “Người nhạc sĩ không được chiều theo khán giả, hạ thấp thẩm mỹ như phong cách quần chúng dân dã, khẩu vị thấp kém”.
Trong khi đó, nhạc sĩ Minh Châu nêu quan điểm, viết bài hát là sự tự do của nghệ sĩ, nhưng sự tự do cũng nên được kèm theo sự chắt lọc. Mỗi bài hát được viết ra là cả quá trình vất vả, tâm huyết của người sáng tác, nên nghệ sĩ yêu thương “đứa con tinh thần” của mình sẽ biết nâng niu nó bằng những điều tốt đẹp. Bài hát có ý nghĩa sâu sắc sẽ giúp người nghe có thêm suy nghĩ sâu sắc, nhân văn hơn. Một bài hát quá đời thường, không có sự chắt lọc ngôn ngữ sẽ chỉ như một bài báo tường thuật sự việc. Đã là dạng đó thì viết bài báo sẽ đầy đủ hơn, không cần phải viết nhạc nữa.
Nam nhạc sĩ bày tỏ sự thất vọng khi tình trạng nhạc “rác” lên ngôi đã khiến không ít người hoạt động âm nhạc có tâm cảm thấy chán nản. “Dù rất muốn đóng góp cho âm nhạc những bài hát chất lượng, tinh hoa nhưng nhiều người đã bất lực. Nền nhạc hiện nay đang có quá nhiều ‘cỏ dại’ và chúng đang lan rộng hết cả cánh đồng”, nhạc sĩ Minh Châu thở dài.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận