PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến |
Báo Giao thông vừa qua đã có loạt bài viết: “Xây cao ốc phải đánh giá tác động giao thông” phản ánh tình trạng các xây dựng chung cư cao tầng vô tội vạ trong nội đô nhưng không phải xin ý kiến Sở GTVT để đánh giá tác động giao thông gây lãng phí lớn trong đầu tư. Trao đổi xung quanh vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến, nguyên Cục trưởng Cục hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng cho rằng, giờ vẫn chưa quá muộn để quy định bắt buộc đánh giá tác động giao thông khi xây dựng khu chung cư, nhà cao tầng trong nội đô.
Việt Nam làm ngược với thế giới
Hiện nay tại các thành phố lớn, tình trạng cao ốc dọc các tuyến phố đang “bức tử” giao thông khiến cho tình trạng ùn tắc ngày càng trầm trọng. Theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến thực trạng này?
Hiện nay, chúng ta chưa có quy định pháp luật riêng biệt về đánh giá tác động giao thông khi xây chung cư, nhà cao tầng trong nội đô. Các dự án xây dựng khu đô thị, chung cư mới chỉ có đánh giá tác động môi trường (ĐTM) mà không có đánh giá riêng tác động của dự án đối với giao thông. Ở các nước phát triển, khi quy hoạch xây dựng các khu đô thị mới (ĐTM) bao giờ họ cũng ưu tiên đất dành cho giao thông và xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm.
Ngược lại với xu thế này, tại Việt Nam, ngay từ khi quy hoạch đã ưu tiên tận dụng đất để xây dựng công trình nhà ở là chính. Việc xây dựng mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, đủ chiều rộng, đủ mặt cắt ít được quan tâm. Một con đường mới mở tưởng là rộng nhưng khi hệ thống nhà cao tầng, chung cư mọc lên con đường trở thành nhỏ bé, không tương xứng với chiều cao của ngôi nhà.
Điều nữa việc tuân thủ nghiêm trong triển khai thực hiện quy hoạch, kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện quy hoạch chưa nghiêm. Hiện nay, tại các đô thị lớn của Việt Nam, nhiều công trình xây dựng có chiều cao vượt chiều cao cho phép, thậm chí xây dựng không phép vẫn tồn tại. Công trình cho phép xây 10 tầng nhưng xây tới 15 tầng. Hay như, trong quy hoạch chi tiết người ta để ra những khu đất làm bãi đỗ xe, không gian công cộng nhưng chưa đủ điều kiện xây nhưng lại điều chỉnh quy hoạch biến thành nhà chung cư thì đương nhiên sẽ bị chất tải lên hạ tầng giao thông. Ngoài ra, do nguồn lực có hạn nên việc phát triển hệ thống giao thông công cộng còn hạn chế. Điều này dẫn đến tồn tại trong thực hiện quy hoạch như hiện nay, chưa nói đến chất lượng quy hoạch không lường trước được tốc độ đô thị hóa.
Tôi cho rằng, khi muốn đầu tư xây dựng, muốn làm quy hoạch cần nhìn nhận một cách khách quan, tổng quan. Còn nếu vẫn duy trì cách làm như hiện nay, khi hình thành một đô thị mới vẫn giống như đô thị được cải tạo. Điều này có thể thấy rõ nhất là Khu đô thị mới Linh Đàm, trái với kỳ vọng ban đầu, đến nay khu đô thị này cũng vẫn nhếch nhác, chật chội.
Việc đánh giá tác động của xây nhà cao tầng đối với giao thông cần được thể chế hóa bằng Luật |
Luật hóa trước khi quá muộn
Giờ liệu đã đã quá muộn để chúng ta quy định bắt buộc việc này, bởi thực tế hiện nay chung cư cao tầng đã bủa vây khắp nội đô, Hà Nội, TP HCM rất hiếm còn khu đất trống nào để xây cao ốc nữa?
Theo tôi, vẫn chưa quá muộn để chúng ta bắt buộc có quy định đánh giá tác động giao thông khi xây dựng khu chung cư, nhà cao tầng. Cơ quan quản lý nhà nước cần sớm nghiên cứu, ban hành, thể chế hóa quy định đối với các dự án nhà cao tầng phải có đánh giá sức chịu tải của hạ tầng giao thông. Khi xem xét phê duyệt quy hoạch phân vùng chi tiết, phải yêu cầu chủ đầu tư nêu rõ được tác động của dự án đối với hạ tầng. Trong lập quy hoạch phải đảm bảo chất lượng, phải dự báo được tốc độ đô thị hóa, áp dụng các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật phải đúng quy định. Bên cạnh đó, cần tăng cường kiểm tra, giám sát giữ đúng kỷ cương, ngăn ngừa vi phạm và xử lý vi phạm ngay từ khi vừa bắt đầu, không để tình trạng phạt cho tồn tại. Cần đưa vào quy định để quản lý và nếu chủ đầu tư vi phạm có các hình thức xử lý vi phạm đi theo.
Trong các quy định hiện nay bao giờ cũng có điều khoản thi hành, nghĩa là quy định mới sẽ xử lý những cái đang tồn tại và kể từ ngày nào đó thì không được phép. Chúng ta cần xử lý rốt ráo những vấn đề mà trước đây chưa có quy định. Vấn đề cơ bản cần làm rõ nội dung quản lý là gì, xây dựng nhà cao tầng phải có đánh giá tác động giao thông, vậy nội dung đánh giá tác động là gì, phương pháp đánh giá như thế nào và trách nhiệm các đơn vị tham gia ra sao. Chúng ta có thể biến các nội dung nêu trên thành quy định tạm thời để thí điểm, sau đó có thể nâng lên thành pháp lệnh.
Một số nước khi xây dựng đô thị, họ xây dựng hệ thống giao thông trước với hệ thống đường rộng, nhiều làn xe chạy, vỉa hè rộng rãi. Từ đây, họ xác định khoảng lùi, sau đó mới cho phép xây dựng công trình nhà cao tầng. Như vậy, đường phố luôn khang trang, rộng đẹp. Từ đây cho thấy chất lượng trong quy hoạch đô thị có vai trò quan trọng, sử dụng các hệ số kinh tế kỹ thuật áp dụng cho quy hoạch chi tiết cần phải được xem xét lại để phù hợp với sự phát triển nhanh chóng của quá trình đô thị hóa.
Cảm ơn ông!
Xem thêm Video
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận