Thời sự Quốc tế

Đánh thuế xe điện Trung Quốc tới 38,1%, EU khẳng định không phải "đòn trừng phạt"

22/06/2024, 19:51

Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck khẳng định việc EU áp thuế vào các mặt hàng Trung Quốc trong đó có xe điện "không phải đòn trừng phạt".

Theo tờ The Business Times, tuyên bố trên được ông Habeck đưa ra trong chuyến công du và gặp gỡ giới chức Trung Quốc ngày 22/6.

Ông Habeck là quan chức cấp cao đầu tiên của EU đến thăm Trung Quốc kể từ khi Brussels đề xuất áp thuế mạnh vào xe điện Trung Quốc nhập khẩu vào EU với lý do Trung Quốc đang trợ cấp quá nhiều cho xe điện.

Đánh thuế xe điện Trung Quốc tới 38,1%, EU khẳng định không phải "đòn trừng phạt"- Ảnh 1.

Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck và Chủ nhiệm Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc Trịnh Sách Khiết bắt tay trước thềm cuộc họp ở Bắc Kinh, Trung Quốc (Ảnh: Reuters).

"Điều quan trọng là Trung Quốc phải hiểu các biện pháp đó không phải là đòn trừng phạt", ông Habeck khẳng định và cho biết, chỉ có các nước như Mỹ, Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ mới áp đặt trừng phạt thuế quan lên xe điện Trung Quốc còn "Châu Âu làm điều đó một cách khác biệt".

Cũng theo Bộ trưởng Kinh tế Đức, trong suốt 9 tháng qua, Hội đồng châu Âu (EC) đã đánh giá hết sức chi tiết việc liệu các công ty Trung Quốc có được hưởng lợi một cách không công bằng từ sự trợ giá hay không.

Bất kỳ các biện pháp đối kháng nào về thuế quan xuất phát từ việc đánh giá của EU đều không phải là đòn trừng phạt, ông Habeck giải thích thêm và cho rằng, những biện pháp này chỉ nhằm bù đắp cho EU về những lợi thế mà Bắc Kinh ưu đãi các hãng xe Trung Quốc.

Đáp lại Chủ nhiệm Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc Trịnh Sách Khiết khẳng định sẽ làm mọi cách để bảo vệ các công ty Trung Quốc và cảnh báo việc EU áp thuế cao nhằm vào các dòng xe điện Trung Quốc sẽ làm tổn hại cả hai phía.

Ông Trịnh Sách Khiết bày tỏ hy vọng Đức sẽ thể hiện sự lãnh đạo trong EU và "chọn làm điều đúng đắn" và lên tiếng bác bỏ cáo buộc Trung Quốc trợ cấp một cách không công bằng. Theo ông Trịnh Sách Khiết những tiến bộ trong lĩnh vực năng lượng mới của Trung Quốc là kết quả của ưu thế toàn diện về công nghệ, thị trường và chuỗi cung ứng sinh ra từ các cuộc cạnh tranh gay gắt.

"Sự phát triển của ngành công nghiệp xe điện là kết quả của cạnh tranh không phải trợ cấp", ông Trịnh Sách Khiết khẳng định.

Trước đó vào ngày 12/5, Ủy ban châu Âu (EC) công bố kế hoạch áp thuế lên đến 38,1% đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc, dự kiến có hiệu lực từ ngày 4/7.Mỗi hãng xe Trung Quốc sẽ bị áp đặt các khoản thuế khác nhau. 

Trong đó, xe điện BYD bị đánh thuế 17,4%, Geely là 20%. Hãng SAIC bị đánh thuế cao nhất, lên đến 38,1%.Các công ty khác hợp tác với cuộc điều tra sẽ phải chịu mức thuế 21%, còn các công ty không hợp tác sẽ bị áp mức thuế 38,1%.

Dự kiến việc áp thuế của EU đối với xe điện Trung Quốc sẽ bắt đầu từ ngày 4/7, và các cuộc điều tra sẽ tiếp tục kéo dài đến ngày 2/11 xem liệu việc áp thuế có thời hạn, thường là trong 5 năm có được áp dụng hay không.

Sau cuộc gặp với ông Trịnh Sách Khiết, ông Habeck có cuộc hội đàm với Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào. Tại cuộc gặp, ông Habeck cho biết ông sẽ thảo luận về thuế quan qua điện thoại từ xa với Cao ủy EU Valdis Dombrovskis ngay trong tối 22/6.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.