Đảo chiều, một số ngân hàng giảm lãi suất huy động. Ảnh minh hoạ |
Việc giảm lãi suất huy động lần này cũng xảy ra ở một số ngân hàng tầm trung, trong đó các ngân hàng điều chỉnh cả kỳ hạn ngắn và dài hạn.
Chẳng hạn, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng giảm 0,1-0,3%/năm các kỳ hạn, mức giảm lên đến 0,3% đối với kỳ hạn 15 tháng, xuống còn 7,3%/năm; các kỳ hạn 7 và 12 tháng cũng giảm 0,1%, xuống tương ứng 6,9% và 7,1%/năm.
Ngân hàng TMCP Bản Việt giảm 0,1% kỳ hạn 6 tháng, giảm kỳ hạn dài từ 18 đến 60 tháng 0,1%, xuống còn 7,8%/năm. Tương tự, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương tín giảm 0,1-0,3%/năm kỳ hạn 7 tháng, 12 tháng, 15 tháng.
Ngân hàng TMCP Quốc tế giảm 0,1-0,3%/năm tất cả các kỳ hạn, trong đó lãi suất huy động cho kỳ hạn 1-2 tháng giảm 0,1% còn 5,1%/năm; kỳ hạn từ 3-5 tháng giảm 0,3% còn 5,2%/năm; kỳ hạn 6-11 tháng giảm 0,15% về 5,6%/năm; các kỳ hạn trên 12 tháng giảm 0,05% còn 7,1%/năm.
Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Hàng Hải giảm 0,2% mức lãi suất huy động kỳ hạn 18-36 tháng, từ 7,4% còn 7,2%. Ngân hàng TMCP Đông Á cũng thông báo giảm lãi suất 0,1%/năm kỳ hạn 1 tháng.
Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, động thái này của các ngân hàng là theo chiến lược kinh doanh và điều kiện thị trường và “là hết sức bình thường”.
Ngay thời điểm trước đó, một số ngân hàng đã tăng lãi suất huy động như Oceanbank tăng lãi suất kỳ hạn 6 tháng, 11 tháng, 12 tháng lên mức 7,3%/năm; OCB tăng lãi suất huy động lên cao nhất ở mức 7,8%...
Ngân hàng Nhà nước cho rằng, diễn biến này là do nhu cầu vốn tại một thời điểm nhất định, một số ngân hàng TMCP có thể tăng lãi suất cục bộ và tạm thời nhưng sau đó lại điều chỉnh giảm phù hợp với cung - cầu thị trường.
Cơ quan điều hành thông tin, thanh khoản của cả hệ thống ngân hàng hiện vẫn đang trong trạng thái khá dồi dào, thị trường không có áp lực tăng lãi suất.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận