Phim có chất riêng
Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng là người dám lao vào những đề tài gai góc của cuộc sống nhưng ẩn chứa bên trong đó là sự sâu sắc, bình dị. Điều này thể hiện rất rõ trong "Những đứa trẻ Khau Thán" - bộ phim tốt nghiệp của anh. Phim nói về cuộc sống vất vả, chênh vênh trên vách đá của người Mông.
Bùi Tuấn Dũng trưởng thành trong một gia đình quân nhân, vì vậy tác phong làm việc cũng rất quy củ, nghiêm khắc. Việc anh trở thành đạo diễn và theo đuổi con đường nghệ thuật chính là một ngã rẽ. Nhưng cũng chính vì chất lính ngồn ngộn bao quanh con người và thấm đẫm trong từng hơi thở đã khiến anh "thuận tay" hơn khi làm phim về đề tài chiến tranh cách mạng.
Phim truyện điện ảnh đầu tay "Đường thư" là một bộ phim xúc động về tình yêu và những hy sinh lặng thầm của người lính quân bưu trong chiến tranh.
Bùi Tuấn Dũng tâm sự: "Đề tài quân bưu rất thách thức, tôi phải mất một thời gian dài để tìm cách thể hiện". Với ê kíp trẻ từ đạo diễn, diễn viên đã tạo nên một bộ phim mang đề tài chiến tranh cách mạng nhưng thấm đẫm chất thơ, giống như lời trong thư của cô bạn gái Hoàng An (diễn viên Hà Lê đảm nhận).
Những câu thoại ngắn gọn nhiều hàm ý cũng là một điểm nhấn rất riêng của phim, bởi nó mang theo chất thơ bình dị của làng quê xứ Bắc. Hình ảnh cây đa, bến nước, con đò giống như một bức tranh làng quê yên bình giữa thời loạn lạc, tựa như nốt nhạc êm ả ban trưa len vào giữa mưa bom, làn đạn, làm dịu đi sự khốc liệt của cuộc chiến.
Đó cũng chính là chất thơ rất riêng mà đạo diễn đã tạo ra cho thể loại phim mang đề tài vốn rất dễ trở nên khô khan và mang nặng tính tuyên truyền như đề tài phim chiến tranh cách mạng.
Nhiều cảm xúc về những hy sinh của thế hệ cha ông
Nói về "Đường thư", Bùi Tuấn Dũng chia sẻ: "Đời lạ lắm, người ta nói "mối tình đầu thường để lại dấu ấn sâu đậm" nên những tình sau thường mang chút hình bóng của nó. Chắc có lẽ vậy nên phim đầu tay về đề tài chiến tranh của tôi là "Đường thư" dù chưa phải là thành công nhưng chục năm rồi vẫn được chiếu lại, vẫn còn người nhớ, vậy là còn duyên".
Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng cùng diễn viên phim "Những người viết huyền thoại".
Từ một "tân binh" trong hàng ngũ làm phim đề tài chiến tranh cách mạng, Bùi Tuấn Dũng dần trưởng thành và chắc tay hơn. Minh chứng là những bộ phim mà anh tham gia với vai trò đạo diễn và cả vai trò biên kịch đã đem về cho anh những giải thưởng cá nhân và giải thưởng cho phim.
Nhưng điều lớn lao hơn cả là những bộ phim, những câu chuyện chiến tranh được kể theo cách của Bùi Tuấn Dũng đã mang lại cho khán giả nhiều cảm xúc về những hy sinh của thế hệ cha ông đi trước.
Hay với bộ phim "Hà Nội, Hà Nội" lấy mốc thời gian năm 1968, thời kỳ Hà Nội và cả nước đang trong giai đoạn chiến tranh ác liệt nhất để làm tiền đề cho câu chuyện. Nhưng bộ phim lại thể hiện theo cách hòa bình nhất. Chiến tranh chỉ là hình ảnh trong ký ức, cuộc sống hiện tại mới là điều mà mọi người cùng hướng tới.
Chi tiết bước chân của nhân vật Tô Tô do nữ diễn viên Trung Quốc nổi tiếng Can Đình Đình đảm nhiệm, khi đắn đo bước qua vạch ranh giới giữa Trung Quốc và Việt Nam, rời khỏi nơi chốn quen thuộc để bước sang một không gian hoàn toàn xa lạ đã bộc lộ sự tinh tế của hai đạo diễn, dù họ đến từ hai quốc gia khác nhau.
Bộ phim cũng mang lại giải thưởng Cánh diều Vàng cho phim truyện nhựa xuất sắc nhất năm 2006, Giải Bông sen Vàng cho phim truyện nhựa xuất sắc nhất Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 15 và giải Khán giả bình chọn phim truyện yêu thích nhất Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 15.
"Đạo diễn nam tính nhất Việt Nam"
Nhà phê bình phim Lê Hồng Lâm từng nhận xét: "Bùi Tuấn Dũng là đạo diễn nam tính nhất Việt Nam bởi cái chất "man" trong phim của anh tràn đầy năng lượng cực dương".
Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng.
Điều này càng thể hiện rõ hơn trong bộ phim "Những người viết huyền thoại". Đây có thể được xem là một bộ phim gặt hái nhiều thành công nhất khi mang về nhiều giải thưởng, bao gồm nhiều giải thưởng cá nhân.
Bùi Tuấn Dũng cho biết: "Tôi không tô hồng và chính trị hóa bộ phim, giống như cách mà dư luận từng hay chê trách. Tôi làm về con người. Dù phim này dựa trên những cứ liệu lịch sử có thật, tôi cũng hình tượng hóa nó thành một phim mang nhiều thủ pháp độc lập. Tôi nghĩ tái tạo hiện thực không có nghĩa là mô phỏng hiện thực. Giống như cách gọi bộ phim, tôi khước từ hiện thực vì nhân vật của tôi đầy tính huyền thoại, chính họ đã viết nên huyền thoại".
Với vốn liếng tác phẩm điện ảnh cả ở mảng phim điện ảnh và truyền hình mà phần lớn là đề tài chiến tranh cách mạng, để lại dấu ấn với những phim mang yếu tố hành động khác đã đem về cho Bùi Tuấn Dũng giải Cánh diều Vàng cho Đạo diễn xuất sắc nhất phim truyền hình dài tập Đám cưới ở thiên đường 2006 và danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú năm 2019.
Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng sinh ngày 12/7/1972 tại Thái Thụy, Thái Bình, hiện đang làm việc tại Hãng phim truyện Việt Nam. Anh là một trong những đạo diễn trẻ của thế hệ đạo diễn thành danh đầu thế kỉ 21 với cả hai mảng, phim truyện nhựa và phim truyền hình. Anh còn làm giám khảo trong các kỳ Liên hoan phim Quốc gia như giải Cánh Diều, Bông Sen...
Anh tham gia sản xuất nhiều phóng sự tài liệu, truyền hình thực tế và những sự kiện lớn truyền hình trực tiếp; cộng tác các đơn vị truyền thông nước ngoài như Hãng phim Vân Nam – Trung Quốc, đài Truyền hình Wisma – CHLB Đức…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận