Đạo diễn Lưu Trọng Ninh: Gánh nặng đời hay đè lên vai phụ nữ |
Thưa đạo diễn Lưu Trọng Ninh. Sau Bến không chồng, ông lại quay trở lại với Thương nhớ ở ai. Có phải thân phận người phụ nữ thời kì trong và sau chiến tranh là đề tài ưa thích của ông?
Tôi nói thực, người phụ nữ Việt Nam lúc nào cũng ở cái tình trạng "Trong và sau chiến tranh" muôn thủa. Đất nước mình có lúc nào không như thế?
Song tôi xin nói rõ hơn. Khi lột tả những gánh nặng, những nỗi truân chuyên của cuộc sống, thì các tai ách đó thường rơi vào thân phận người phụ nữ. Gánh nặng của nhân gian, thường được bộ lộ nhiều nhất ở người đàn bà, chứ không phải người đàn ông. Đau khổ, bi thương, hằn lên họ rõ nét hơn phần còn lại. Chứ không phải tôi chuyên nói về thân phận người phụ nữ.
Vậy theo ông, bi kịch lớn nhất của người phụ nữ trong Thương nhớ ở ai là gì?
Theo tôi, bi kịch lớn nhất của con người ở đây là phải sống trong những vỏ bọc, những gông cùm, bị tước mất tự do. Và người phụ nữ đi qua chiến tranh là những người mất tự do nhiều nhất trong môi trường đầy gông cùm ấy. Họ không chỉ chịu một, mà là hàng loạt những gông cùm xiềng xích. Gông cùm của không gian lớn. Gông cùm của xã hội lớn. Gông cùm của gia đình. Gông cùm của chính họ. Quá nhiều sức ép đè nặng lên họ. Đàn ông cũng có khi phải chịu những ràng buộc đó, nhưng nó không lớn bằng người phụ nữ đâu.
Tác nhân chiến tranh là hiển nhiên rồi, nhưng có phải chính tư tưởng, định kiến cũng góp phần trói buộc người phụ nữ?
Thực ra, xã hội nào cũng có những ràng buộc và tiêu cực. Không ai thoát được cái tổng hoà đó. Nhưng Việt Nam giai đoạn trong và sau chiến tranh là thời kỳ đặc biệt, một xã hội mà ý thức hệ được dồn nén mạnh nhất, được bộc lộ mạnh nhất. Số phận dân tộc ra sao, nó sẽ hằn lên số phận con người. Mà cụ thể là người phụ nữ, họ cũng sẽ bị ảnh hưởng theo.
Cảnh phim Thương nhớ ở ai |
Ngoài áp lực từ bên ngoài, dường như bi kịch của phụ nữ hậu chiến cũng bắt nguồn từ chính họ, do cam chịu, phản kháng yếu ớt lại số mệnh?
Họ cam chịu. Và cam chịu đã là một nỗi đau khổ rồi. Có khi họ vượt qua được thì họ sẽ bớt đau khổ đi. Nhưng tới khi đó, như bạn thấy thì xã hội, rồi cánh đàn ông lại bắt đầu quay trở lại nhìn vào họ, chỉ trích họ.
Phụ nữ hiện đại đầy hoài bão to lớn. Còn như trong Thương nhớ ở ai, hình như phần lớn họ chỉ muốn có một tấm chồng, sinh được đứa con. Có phải thời đó người phụ nữ là vậy: có được một gia đình là niềm hạnh phúc ghê gớm nhất?
Cần hiểu rằng, thiên chức của người phụ nữ luôn hướng về gia đình đầu tiên. Phụ nữ thời kỳ trước đây họ luôn tự xác định vị trí của mình là người nội trợ, chứ không phải thoát ra cái vỏ bọc gia đình để chiến đấu với điều gì khác bên ngoài. Nếu so với đó, phụ nữ hiện tại phần nhiều đã tự do hơn. Cứ nhìn gia đình người Việt hiện tại, còn đang âm thịnh dương suy nữa ấy chứ. Bạn cứ nhìn mà xem, 100 nhà thì tới 50% có phụ nữ là người làm chủ kinh tế.
Bến không chồng đã làm rất tốt nhiệm vụ khắc hoạ bi kịch người phụ nữ thời hậu chiến. Vậy Thương nhớ ở ai sẽ tiếp tục với bi kịch đó như thế nào, thưa ông, khi đặt trong môi trường phim truyền hình khác hẳn phim điện ảnh?
Khi làm phim Thương nhớ ở ai, thậm chí tôi còn tránh xa cả bộ phim cũ là Bến không chồng. Vẫn câu chuyện đó, vẫn nhân vật đó, nhưng quan niệm về bi kịch, các diễn tả thân phận của con người đã thay đổi nhiều.
Kỳ thực, với truyền hình thì tôi có nhiều thời gian để mô tả mọi thứ rộng hơn. Điện ảnh co cụm trong một khoảng thời gian rất ngắn ngủi. Mà thậm chí, các thước phim truyền hình của của tôi cũng có những đoạn mang chất điện ảnh chẳng kém Bến không chồng là bao đâu.
Thương nhớ ở ai diễn tả hình tượng người phụ nữ bi kịch của mấy chục năm trước. Ông có lo rằng với thị hiếu ngày nay, đề tài này sẽ cũ, sẽ khó thu hút khán giả?
Bạn hãy nhìn vào độ hot hiện tại của bộ phim để tìm câu trả lời cho việc đề tài thân phận người phụ nữ hậu chiến đã cũ hay chưa. Vẫn câu chuyện đó, với hình ảnh xưa cũ nhưng được thể hiện bằng phương pháp mới, cách nhìn mới. Khán giả mà tôi biết họ rất đồng cảm, thấu tới tận cùng và hiểu rõ những gì tôi làm. Họ xúc động hơn phim Bến không chồng rất nhiều. Họ là câu trả lời rõ nhất. Đề tài mà đi tới trái tim con người như vậy, tôi tin cả một triệu năm nữa cũng vẫn luôn tươi mới.
Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận