Văn hóa - Giải Trí

Phim "Thương nhớ ở ai": Không mặc nội y có đáng bị lên án?

16/11/2017, 09:52

Những ngày qua, phim truyền hình “Thương nhớ ở ai” của đạo diễn Lưu Trọng Ninh trở thành đề tài được bàn tán...

27

Diễn viên nữ trong Thương nhớ ở ai mặc áo yếm và không mặc áo ngực

Được chuyển thể từ tiểu thuyết nổi tiếng “Bến không chồng”, bộ phim lấy bối cảnh làng quê Đồng bằng Bắc bộ những năm 1954 -1975. Để lột tả được tính thời đại trong phim, đạo diễn đã đặt ra yêu cầu khá khắt khe về trang phục với các diễn viên nữ. Theo đó, các diễn viên nữ chỉ mặc áo yếm mỏng manh và không có nội y.

Điều này đã gây ra nhiều tranh cãi về tính văn hóa của một sản phẩm văn hóa. Không ít người cho rằng, bộ phim được chiếu trên đài quốc gia cho nhiều tầng lớp khán giả thưởng thức, việc diễn viên không mặc nội y khá phản cảm. Trong khi đó, số khác đồng tình với đạo diễn vì ở giai đoạn 1954-1975, phụ nữ chưa có nội y. Trước những tranh cãi rầm rộ, đạo diễn Lưu Trọng Ninh đã lên tiếng giải thích, ngày xưa các cụ mặc thế nào thì bây giờ chúng ta phải mặc như thế. Anh cũng cho rằng, khán giả đang có cái nhìn quá khắt khe với nghệ thuật.

Có thể nói, với mục đích tái hiện nét đẹp trong văn hóa sinh hoạt của người Việt xưa, điều mà đạo diễn Lưu Trọng Ninh làm không sai. Tuy nhiên, trong bối cảnh cái nhìn về văn hóa, thưởng thức nghệ thuật của người Việt còn chưa thực sự cởi mở, tranh cãi không phải chuyện khó gặp. “Chín người mười ý”, nếu mặc nội y, dư luận có thể bắt bẻ bộ phim làm sai lịch sử, không phản ánh chân thực về bối cảnh xã hội. Nhưng khi phản ánh trần trụi, phim bị đánh giá gây phản cảm cũng là điều dễ hiểu.

Với nghệ thuật, con người có thể phản ánh rất nhiều điều về âm nhạc, thiên nhiên, động vật... nhưng nghệ thuật phản ánh về chính con người lại luôn là vấn đề nhạy cảm. Đơn cử, tranh và ảnh khỏa thân nghệ thuật, phải mất rất nhiều thời gian để có thể đến được với công chúng một cách công khai minh bạch và được khán giả rộng lòng đón nhận. Đối với phim truyền hình lại càng khắt khe hơn, vì nó được phổ biến rộng rãi tới nhiều đối tượng, tầng lớp trên khắp cả nước. Cái nhìn nghiêm khắc của khán giả dành cho nghệ thuật là điều cần có để nền nghệ thuật có thể phát triển tốt hơn, nhưng sự bắt bẻ lại khiến khuôn khổ của sự sáng tạo và phản ánh trong nghệ thuật ngày càng bó hẹp.

Nói cách khác, công chúng nên có những cái nhìn thoáng hơn với nghệ thuật “trần trụi”, dĩ nhiên chỉ khi sự trần trụi ấy không phải cố tình làm lố để gây “sốc” hay gây chú ý. Bởi, những sản phẩm văn hóa suy cho cùng để định hướng công chúng về những vẻ đẹp thẩm mỹ. Tuy nhiên, cách nghệ thuật phản ánh thế nào cũng phụ thuộc khá nhiều không chỉ vào tài năng của nghệ sĩ mà còn từ chính sự mở lòng của khán giả đến đâu.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.