Ảnh minh họa. |
Năm 2015, làng nhạc Việt sôi động với hàng loạt các vụ lùm xùm làm dậy sóng cộng đồng nghe nhạc. Tâm điểm là các nghi án đạo nhạc, đạo ý tưởng MV trải dài từ đầu đến cuối năm, từ ca sĩ mới đến ca sĩ… cũ.
Lùm xùm những nghi án “đạo nhái”
Sơn Tùng M-TP có lẽ là cái tên đứng đầu danh sách những ca sĩ dính lùm xùm “đạo nhái”. Hình ảnh nam ca sĩ gốc Thái Bình luôn gắn với từ “đạo” cả về thời trang, phong cách trình diễn đến âm nhạc… Ồn ào nhất có lẽ là nghi án đạo MV ca khúc Hit Không phải dạng vừa đâu hồi tháng 4. Không chỉ gây “hỗn loạn” dư luận bởi hình ảnh bị coi là đả kích nhạc sĩ Phó Đức Phương và nhạc sĩ Dương Khắc Linh, MV Không phải dạng vừa đâu còn bị tố đạo ý tưởng MV Crooked của G-Dragon (Big Bang).
Tiếp đó, hàng loạt sản phẩm âm nhạc khác của nam ca sĩ này cũng bị dính nghi án đạo nhạc như MV Âm thầm bên em, lighstick trong liveshow Chuyến bay đầu tiên… và mới đây nhất là ca khúc Remember me. Có thể nói, cái tên Sơn Tùng M-TP chưa bao giờ hết “nóng” trên các trang truyền thông cũng một phần bởi dãy dài những nghi án “đạo nhái” của mình.
Đông Nhi đã trải qua một năm thành công với hàng loạt dự án âm nhạc thành công và bội thu các giải thưởng. Tuy nhiên, nữ ca sĩ cũng không nằm ngoài vấn nạn “đạo nhái“ khi MV mới Boom Boom được đầu tư hàng tỷ đồng bị tố đạo hình ảnh của ca sĩ CL (nhóm 2NE1) trong MV Comeback home. Ca khúc Boom Boom cũng bị coi là đạo nhạc ca khúc Bitch I’m Madonna của “Nữ hoàng nhạc pop” Madonna.
Trở lại làng nhạc sau một thời gian dài “mất tích”, Văn Mai Hương thay đổi hình tượng cô gái trong sáng để đến với hình ảnh gợi cảm, trưởng thành với single Mona Lisa. Bên cạnh những lời khen ngợi về sự trưởng thành của giọng ca Nếu như anh đến, MV này cũng nhanh chóng bị cộng đồng mạng “phanh phui” giống hình tượng của Katy Perry trong MV This is how we do với nhiều điểm trùng lặp bất ngờ.Và còn nhiều ca khúc, MV của các ca sĩ khác như: Hải Băng, Bảo Anh (The Voice), Bùi Anh Tuấn…, cũng chung “số phận” bị tố “đạo nhái”.
Nghệ sỹ thiếu sáng tạo hay khán giả “bới móc”?
Điểm chung của các sản phẩm âm nhạc bị nghi án “ăn cắp” đều sử dụng phần nhạc hao hao bản gốc trong ca khúc hoặc hình ảnh “na ná” với MV. Vì thế, bên cạnh những phản hồi tiêu cực, không ít người cho rằng, khán giả đang quá soi mói, dễ dàng kết luận sản phẩm của người khác khi chưa hiểu rõ câu chuyện.Trước nghi án đạo ý tưởng trong MV Mona Lisa của Văn Mai Hương, Hà Đỗ, Giám đốc sáng tạo của MV nhận xét nhiều bạn trẻ cứ thấy cái gì nhang nhác nhau là ngay lập tức “chụp” cho người làm sáng tạo cái mác “đạo”. “Tôi nghĩ các bạn ấy không hiểu thấu đáo định nghĩa của sự sáng tạo, không phân biệt được thế nào là “copy”, là sáng tạo và kế thừa từ những cái cũ để tạo nên cái mới”, chị Hà Đỗ nhận định.
Việc liên quan đến bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, cụ thể là quyền tác giả còn chưa làm tới nơi, tới chốn nói gì đến xử lý các vấn đề đạo nhạc, đạo ý tưởng. Vì người ta thường quan niệm sự việc này nằm trong phạm trù đạo đức chứ không phải là vấn đề luật pháp”. Nhạc sĩ Hồ Hoài Anh |
Nhạc sĩ Hồ Hoài Anh cho rằng, internet quá phổ cập, mọi người dễ tiếp cận với nhiều công nghệ thì các sản phẩm âm nhạc na ná nhau là chuyện khó tránh khỏi. Tình trạng này không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. “Tôi phản đối và bài bác chuyện “đạo nhái”, nhưng tôi nghĩ nó vẫn sẽ tồn tại như một mặt trái của đời sống xã hội.
Khán giả có nhận định riêng với các sản phẩm âm nhạc, còn những người làm nghề chuyên nghiệp, họ có thể biết sản phẩm của người sáng tạo thật sự hoặc ăn cắp, hay chỉ không may giống bản gốc khi nhìn vào các sản phẩm đó”, nam nhạc sĩ bày tỏ.Nhạc sĩ Hồ Hoài Anh nhận định, bản thân nhạc Vpop bị ảnh hưởng rất nhiều bởi nền âm nhạc của Mỹ, Anh, Hàn Quốc nên sẽ có nhiều sản phẩm na ná nhau.
“Nhiều nhạc sĩ được đào tạo ở nước ngoài. Có nhiều ca khúc hay kể cả những bản phối khí cũng đều học cách thức triển khai giai điệu, hòa thanh theo phương Tây. Họ học hỏi cách làm, cách sáng tạo của nước ngoài nên không thể nói họ “ăn cắp” được.
Trước câu hỏi làm sao mới có thể bài trừ nạn đạo nhái trong âm nhạc, nhạc sĩ Hồ Hoài Anh bày tỏ: “Tôi nghĩ đây là công việc của những người làm công tác quản lý văn hoá, nó rất vỹ mô chứ không chỉ trong 1 câu chuyện đạo nhac, mà còn nằm cả trong việc giáo dục văn hoá và đào tạo âm nhạc nữa. Tôi biết ở Hàn Quốc, khi nghệ sỹ có sai lầm như vậy thì họ phải chịu thiệt hại vô cùng lớn. Toàn bộ hệ thống sản xuất sản phẩm đó bị tẩy chay, những ca khúc sẽ bị dỡ ra khỏi các trang nghe nhạc. Phải có luật như vậy mới xử lý rõ ràng được”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận