Theo ghi nhận của PV, trên đường Lạc Long Quân (Hà Nội) đã bắt đầu xuất hiện những cành đào vùng cao được thương lái đưa về phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
Đáng chú ý, đây cũng là lô đào đầu tiên được dán tem "hoa đào Vân Hồ" chứng thực không phải đào rừng có mặt tại Thủ đô.
Người bán tại đây cho biết, số đào này được mua từ hộ dân trồng tại xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ (tỉnh Sơn La). Ngay sau khi được khai thác, chính quyền địa phương đã đến nhà dân để xác nhận và cấp lượng tem tương ứng dán trực tiếp lên các cành đào.
Được biết, để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và thương lái khai thác, mua bán, kinh doanh cành, cây đào trong dịp Tết Nguyên đán năm 2021, UBND huyện Vân Hồ đã phát hành và đưa vào sử dụng 2 mẫu tem dán vừa để quảng bá, đồng thời xác nhận nguồn gốc xuất xứ của cây đào trồng trên địa bàn.
Thân cây khúc khuỷu với nhiều lớp rêu phong, địa y... giống như cành củi khô nhưng khi cắm vào trong nước, cành sẽ đâm chồi, nảy lộc, nụ hoa bung nở tạo ra vẻ đẹp tự nhiên hút mắt.
Với những cành đào nhỏ và vừa đang được rao bán giá từ 500 nghìn đến 5 triệu đồng. Với những cành lâu năm, có thế đẹp tự nhiên có thể lên tới hàng chục triệu đồng.
Đa phần những cành đào tại đây đều là đào phai, hoa đơn 5 cánh, màu hồng đậm từ trong ra ngoài.
“Với những cành đào có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, cả người bán và người mua đều cảm thấy an tâm khi sở hữu. Nếu giá cả hợp lý, tôi sẽ chọn một cành về trang trí trong dịp Tết này”, bà Nguyễn Tuyết Mai (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ.
Người dân tới xem đặc biệt quan tâm đến thông tin về nguồn gốc đào.
Dù mới "cập bến" Hà Nội nhưng nhiều cành đã được khách đặt mua.
Trước đó, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2020, triển khai kế hoạch năm 2021 của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu tuyệt đối cấm chặt phá đào rừng, các địa phương phải tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp chặt đào rừng chở về xuôi để chơi Tết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận