Khách mua thì ít, trả giá "chơi" là nhiều
Người mua hời hợt, kỳ kèo
Theo khảo sát của PV Báo Giao thông, trên các tuyến đường quen thuộc của Hà Nội như Hoàng Quốc Việt, Lạc Long Quân, Âu Cơ, Võ Chí Công…đã bày bán đào quất từ rất sớm. Tuy nhiên, thị trường ảm đảm hơn hẳn, khách hàng thờ ơ dù đã bước vào những ngày cận Tết.
Chị Kim Nhung (Xuân Đỉnh, Hà Nội), một thương lái lâu năm cho biết, dự đoán tình hình thị trường sẽ ảm đạm khi Covid-19 lại ập đến vào những ngày sát Tết Nguyên đán, chị đã bố trí thêm người để chủ động đón khách qua đường ghé xem.
"Song khách mua thì ít, trả giá chơi thì nhiều. Tôi chán chẳng muốn đứng lên mời chào bởi ngán với kiểu trả giá cực rẻ để được thì ghé vào mua, không thì phóng xe đi không thương tiếc", chi Nhung nói.
Theo chị Nhung, người mua hời hợt, chủ yếu họ đi lướt qua hỏi giá để thăm dò xem có xuống thấp không mới vào xem. Mỗi ngày cả trăm khách hỏi nhưng chỉ được một vài khách xuống tiền mua “trâu vàng cõng quất” có giá từ 1-1,5 triệu đồng, rẻ gần bằng một nửa giá gốc.
Phần lớn khách hàng chọn những chậu quất nhỏ để bàn có giá từ 100-200 nghìn đồng. Họ cũng kỳ kèo "bớt lên bớt xuống" dù giá rẻ hơn nhiều so với hàng năm.
Khách đếm trên đầu ngón tay, người trồng đào lo lắng bao nhiêu công sức theo Covid-19 mất hết
Cách đó không xa, ông Trần Văn Hiển, chủ một vườn đào ở Nhật Tân cũng đang trầm ngâm bên những chậu đào của mình. Ông Hiển chia sẻ: “Năm nay tiếc quá, bao nhiêu công sức chỉ sợ theo Covid-19 mất hết”.
Theo ông Hiển, nhiều năm nay mới thấy thời tiết dịp Tết quá đẹp để đào bung sắc. Nhiều nụ to, nở lác đác, đảm bảo mọi điều kiện để có một cây đào chuẩn đẹp.
“Tôi còn hàng trăm cây tại vườn, nhưng mỗi ngày chỉ bán được vài đơn hàng. Hy vọng đến ngày 27, 28 tháng Chạp lượng mua sẽ nhiều hơn. Nhưng nếu dịch còn tiếp tục tăng thêm thì người về quê ít, chúng tôi cũng khó mà tiêu thụ”, ông Hiển nhận định và cho biết, tốc độ tiêu thụ đào giảm mạnh khi các công ty lớn năm nay cũng ít mua đào biếu hoặc thuê cây.
Đua nhau “xuống giá” để “đẩy” hàng
Khách hàng èo uột dù giá đã giảm ngay đầu mùa.
Ngao ngán với cảnh ảm đạm, nhiều nhà buôn lập tức giảm giá khi mới bắt đầu vào thời điểm “được giá đầu mùa” với mong muốn đẩy nhanh hàng.
Chị Nhung cho biết, bây giờ chị không bận tâm đến giá “thách” mà chỉ đưa ra mức giá thấp nhất để khách không "chạy”.
“Bình thường, chậu “trâu vàng cõng quất” này có giá không dưới 2 triệu đồng, riêng bình đã đến 1 triệu đồng nhưng tôi chỉ muốn bán cho nhanh còn về, chứ tình hình này còn ế dài”, chị Nhung thở dài.
Bày bán khoảng 100 cây quất trên đường Hoàng Quốc Việt (Cầu Giấy, Hà Nội), anh Nguyễn Hùng vừa là chủ vườn, vừa là thương lái chia sẻ, thị trường quất năm nay ảm đạm hơn hẳn bởi tác động của dịch Covid-19 khiến nhiều người đắn đo chưa biết về quê hay ở lại Hà Nội ăn Tết.
“Nếu họ về thì những cây to, đẹp sẽ được mua nhiều, còn ở lại, tức là họ phải thắt chặt chi tiêu khi diễn biến dịch xấu đi. Đường nào cũng khó. Không giảm giá để đẩy hàng thì khi đến ngày cận Tết muốn đẩy cũng chẳng được”, anh Hùng nhận định.
Anh Hùng cũng cho biết, ngay từ khi có ca nhiễm Covid-19 trong đợt dịch lần này, anh đã chủ động giảm giá bán từ 200 nghìn đồng đến 2 triệu đồng/cây so với năm ngoái.
"Đây là thời điểm giảm "vô lý nhất", chưa bao giờ xảy ra theo quy luật kinh doanh, bởi chỉ giảm giá vào những ngày cuối vụ để bán những cây xấu còn lại.
Không những thế, thị trường đào quất còn bị chi phối bởi tâm lý ngại đến nhà chơi khi có dịch bệnh làm cho người dân cũng không hào hứng sắm Tết", anh Hùng bày tỏ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận