Vườn đào Nhật Tân hối hả cho vụ Tết sau |
Hối hả gom gốc đào
Từ mùng 4 Tết, anh Nguyễn Tiến Long, chủ một vườn đào ở Ngọc Trục (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã đạp xe ba gác len lỏi vào trong các ngõ ngách để thu mua đào, quất cảnh đã chơi hết Tết mang về trồng cho Tết năm sau.
Chỉ trong hai ngày, anh đã mua được khoảng 400 gốc đào, quất với giá từ 60-100 nghìn đồng/gốc. “Nếu làm theo cách thông thường là chiết cành hoặc nuôi gốc thì mất 2-3 năm. Đi gom những gốc đào, quất đã chơi Tết xong, tiện và rẻ hơn”, anh Long nói.
Anh Long cho biết, phải luồn vào ngõ ngách sâu, đến tận các nhà vẫn còn cây đào, quất tươi khỏe để hỏi mua. Bởi những cây vứt ra đường, để khô héo 1-2 ngày, thậm chí nắng nóng thế này chỉ cần vứt khô nửa ngày đã khó phục hồi”, anh Long cho biết.
Với những chủ vườn đào lớn chuyên cho thuê đào như anh Toản ở Nhật Tân (quận Tây Hồ, Hà Nội), thì chỉ cần ngồi đợi ngày đến đón đào về. “Mỗi gốc đào tôi chỉ cho thuê khoảng 20 ngày, nên những khách thuê chơi từ 15 tháng Chạp giờ đã lục tục trả gốc. Còn đa phần khách thuê tầm 20-23 tháng Chạp thì trong tuần sau sẽ ồ ạt trả gốc đào”, anh Toản chia sẻ.
Năm nay 200 gốc đào nhà anh Toản vẫn nở đúng vụ, với giá cho thuê dao động từ 5-40 triệu đồng/gốc, nên anh cũng thu lãi được vài trăm triệu. “Những vườn đào lớn được chăm sóc kỹ, lại có sẵn mối khách quen thuê, giá cho thuê cũng ổn định nên vẫn có lãi. Nhưng năm nay, nhiều hộ trồng đào nhỏ lẻ thất thu do để đào nở sớm”, anh Toản cho biết.
Đang xới từng thớ đất để chuẩn bị trồng lại gốc đào sau Tết, chị Tuyết, chủ một vườn đào Nhật Tân cho biết, Tết năm rồi, đào nhà chị nở sớm, thất thu. Tuy nhiên, chị vẫn chi khoảng 4 triệu đồng để thu mua hơn 300 gốc đào trồng cho vụ Tết năm sau. “Trồng đào vẫn có lãi, mình phải cố vụ sau vậy”, chị Tuyết nói.
Ngoài ra, các chủ vườn đào Nhật Tân cũng nhận chăm sóc, ký gửi trồng đào cho khách hàng. Với những gốc đào đẹp giá tầm 2-3 triệu đồng thì giá ký gửi thường là 1 triệu đồng, thậm chí có những cây được ký gửi với giá 3 triệu đồng.
Quất, hoa “thất sủng”
Trái ngược với cảnh tấp nập trồng cây sau Tết ở vườn đào Nhật Tân, vườn quất Tứ Liên (quận Tây Hồ, Hà Nội) có vẻ đìu hiu. Anh Quân, chủ một vườn quất Tứ Liên chỉ vào hàng trăm gốc cây quất vẫn bám đất nằm yên vị trí, điểm trên cây quất chỉ là những chùm lá héo úa chen lẫn quả vàng đã nhăn vỏ, ngán ngẩm: “Cây xấu quá, đánh lên trước Tết cũng không bán được, tôi đang đợi thợ đến nhổ bỏ bớt cây quất để trồng cây khác bù vào”.
Anh Nguyễn Văn Lưỡng, chủ một vườn quất khác thở dài: “Thời điểm trước Tết, hàng trăm cây quất ở vườn Tứ Liên đều bị thối rễ, chết sớm, những cây còn lại lá xấu, quả xấu, nên nhà vườn chỉ mong hồi lại vốn chứ không mong có lãi. Vì vậy, sau Tết, nhiều hộ không đi thu mua gốc quất về trồng nữa; có hộ đã giảm số lượng cây trồng để chuyển sang cây khác”.
Tại Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), diện tích trồng hoa cũng đang bị thu hẹp, nhường chỗ cho rau màu. Theo quan sát của chúng tôi, nhiều vựa hoa Tây Tựu đã không còn trồng cây hoa nào, một lượng lớn hoa cúc, hoa đồng tiền, hoa thược dược đã héo úa và được vứt đống bên bãi cỏ.
Ông Phạm Tiến Tư, chủ một vựa hoa Tây Tựu cho biết, Tết năm nay hoa, quất cảnh từ Vân Canh (Hoài Đức); từ Bắc Giang, Nam Định, thậm chí cả Đà Lạt... đổ về nhiều với giá cả cạnh tranh, khiến hoa của Tứ Liên rớt giá, nhiều nhà vườn thua lỗ.
Những ngày sau Tết, dù hoa khá khan hiếm, nhưng giá bán cũng rất rẻ, như hoa ly 14 nghìn đồng/cành, hoa hồng 3 nghìn đồng/bông; hoa cúc 1 nghìn đồng/bông… “Nắng nóng đột ngột nên nhiều loại hoa đã bị chết; giá hoa cũng thấp nên người trồng hoa không mặn mà”, ông Tư cho hay.
“Việc trồng lại đào, quất khó hơn lúc chăm sóc rất nhiều. Những cây đào đã chơi qua Tết phải cưa cành, cắt hoa lá, ghép mắt và tăng độ dinh dưỡng đất trồng thì mới sống được. Trồng lại phải khẩn trương, để quá ngày lập xuân sẽ không kịp thời vụ”, ông Lê Hàm (Chủ nhiệm CLB Sinh vật cảnh Nhật Tân) chia sẻ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận