Anh Nguyễn Phú Thịnh, học viên lái xe ô tô hạng B2 đang thực hành tay lái trên sa hình gắn thiết bị chấm điểm bằng cảm biến tại Trung tâm Đào tạo và Dạy nghề - Trường Đại học PCCC - Ảnh: K.Linh |
Dự kiến từ tháng 9 này, việc đào tạo, sát hạch cấp GPLX số tự động sẽ được tiến hành.
Giảm 12 ngày học thực hành, đào tạo cả thứ bảy và chủ nhật
Theo ông Nguyễn Thắng Quân, Vụ trưởng Vụ Quản lý phương tiện người lái (Tổng cục Đường bộ VN), đơn vị này đã trình Bộ GTVT dự thảo sửa đổi Thông tư số 46. Hiện dự thảo đang được lấy ý kiến rộng rãi trước khi ban hành. Điểm đáng lưu ý nhất của dự thảo chính là việc hiện thực hoá đào tạo, sát hạch, cấp GPLX số tự động.
“Dự thảo thông tư này nêu rõ, GPLX số tự động sẽ được cấp cho người có nhu cầu cấp GPLX hạng B1 để điều khiển các loại xe ô tô số tự động chở người đến 9 chỗ ngồi (kể cả chỗ ngồi cho người lái xe) và người lái ô tô tải, kể cả ô tô tải chuyên dụng số tự động có tải trọng thiết kế dưới 3.500 kg không kinh doanh vận tải”, ông Quân nói.
Ngoài nội dung về đào tạo xe số tự động, dự thảo sửa đổi Thông tư số 46 còn một số nội dung sửa đổi đáng chú ý khác như: bổ sung quy định chi tiết về số phòng học, số lượng máy tính đối với cơ sở đào tạo có lưu lượng từ 500 - 1 nghìn học viên trở lên; Bổ sung quy định về xe tập lái hạng FC không giới hạn tỷ lệ số lượng xe hợp đồng; quy định thời gian hành nghề về kilomet lái xe an toàn với người học nâng hạng C, D, E lên FC; Điều chỉnh giảm thời gian đào tạo lái xe hạng A3, A4; Quy định lộ trình sát hạch thực hành lái xe trên đường hạng B1, B2, C, D, E có thiết bị chấm điểm… |
Chương trình đào tạo lái xe số đã rút ngắn hơn so với nội dung đào tạo lái xe số sàn. Cụ thể, toàn bộ thời gian học số tự động sẽ chỉ còn 476 giờ (136 giờ học lý thuyết và 340 giờ học thực hành) so với thời gian học số sàn là 556 giờ (136 giờ học lý thuyết; 420 giờ học thực hành). Theo tính toán, thời gian rút ngắn này tương đương với 12 ngày học lái xe của học viên.
Ông Nguyễn Thắng Quân cho biết, sở dĩ thời gian đào tạo lái xe số tự động giảm so với số sàn vì loại xe này không có tải. Thứ nữa sẽ có một số môn học viên không bắt buộc phải học như trước mà có thể tự học như: cấu tạo, sửa chữa, nghiệp vụ vận tải… Về sát hạch, nếu là xe số tự động, bài thi “đề pa lên dốc” không cần thiết vì xe số tự động khi lên dốc không bị trôi nên sẽ được loại bỏ. Cùng với đó các nội dung đào tạo như: xử lý tình huống xe chết máy và tăng giảm số cũng được loại bỏ.
Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng và các kỹ năng lái xe, dự thảo đã tăng thêm bài ghép ngang vào nơi đỗ (lùi xe) để đảm bảo phù hợp với thực tế đa số xe số tự động hoạt động tại các thành phố, nên việc ghép xe vào giữa hai xe rất cần nâng cao kỹ năng. Vì thế, nội dung sát hạch lái xe số tự động sẽ tăng thêm một bài thi so với xe số sàn (từ 10 bài lên 11 bài). Liên quan đến các khoản phí cấp GPLX, ông Quân cho biết không có gì thay đổi so với đào tạo lái xe số sàn.
Về tính pháp lý khi ban hành loại GPLX số tự động, theo ông Quân, sẽ quy định, ngoài GPLX B1 bình thường sẽ bổ sung loại B1 dùng cho xe số tự động. Trên GPLX sẽ vẫn như cũ, chỉ mở ngoặc thêm là GPLX để điều khiển xe số tự động. Khi đó, người có bằng lái xe số tự động sẽ chỉ được lái xe số tự động mà không được lái các loại xe khác. Còn người có GPLX số sàn vẫn được sử dụng bình thường.
“Chúng tôi sẽ cố gắng xây dựng và đào tạo kỹ các kỹ năng cho người học. Vì khi thi số tự động có thể dễ hơn số sàn, nên học viên nảy sinh tâm lý chủ quan. Tuy nhiên, nếu những người có ý thức, đáp ứng đúng, đủ các bài học như quy định, hoàn toàn đảm bảo các kỹ năng xử lý tình huống khi tham gia giao thông”, ông Quân nói.
Một điểm mới khác là tại dự thảo thông tư này, lần đầu tiên cho phép được tổ chức đào tạo lái xe vào các ngày thứ 7, chủ nhật để tạo điều kiện cho người học.
Học viên học lái xe số tự động sẽ giảm được 12 ngày |
Quy hoạch các trung tâm sát hạch xe số tự động theo khu vực
Với việc đào tạo xe số tự động, các cơ sở đào tạo sẽ căn cứ vào nhu cầu học thực tế để đăng ký tham gia đào tạo. Để thực hiện, các cơ sở đào tạo sẽ phải đầu tư xe số tự động dựa trên nhu cầu thực tế. Vấn đề băn khoăn còn lại hiện nay là các trung tâm sát hạch cũng sẽ bắt buộc phải đầu tư để tổ chức thực hiện việc sát hạch nếu có yêu cầu.
Một đơn vị sát hạch số tự động nếu phải đầu tư cũng phải khoảng 3 - 4 chiếc xe, mỗi chiếc xe số tự động tối thiểu cũng phải tốn 400 - 500 triệu đồng. Khi có trung tâm đào tạo số tự động, bắt buộc phải có trung tâm sát hạch để đáp ứng nhu cầu sát hạch. Vì thế, hiện nay có một số trung tâm sát hạch đang lo ngại việc đầu tư thêm xe, nhưng nhu cầu sát hạch ít thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch kinh doanh.
Là trung tâm đào tạo kiêm luôn cả việc sát hạch, ông Trần Văn Toản, Chủ tịch Trung tâm Dạy nghề đào tạo và sát hạch lái xe Đông Đô (Bắc Ninh) cho rằng, để giải quyết vấn đề trên bước đầu có thể thực hiện việc quy hoạch các trung tâm sát hạch lái xe số tự động theo từng khu vực để tránh việc đầu tư lãng phí, gây áp lực với nhiều cơ sở hoặc có thể tỉnh này sang tỉnh khác sát hạch nhờ. Khi nhu cầu học lái xe số tự động tăng cao có thể mở rộng đại trà.
“Hầu hết các trung tâm đào tạo hiện nay đều có hợp đồng thuê xe số tự động để phục vụ công tác đào tạo. Vì thế khi cho phép đào tạo số tự động cũng có thể tăng tỷ lệ thuê xe cho các trung tâm để phục vụ đào tạo”, ông Toản đề xuất.
Theo ông Nguyễn Thắng Quân, nếu không có gì thay đổi, dự kiến dự thảo sửa đổi, bổ sung quy định về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ sẽ được Bộ GTVT ban hành trong tháng 9/2015.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận