Cuộc sống an toàn

Đào tạo, cấp GPLX cho đồng bào dân tộc thiểu số có gì đặc biệt?

13/11/2021, 17:32

Giáo án đào tạo cho đồng bào dân tộc thiểu số có trình độ thấp được biên soạn riêng, trực quan, dễ hiểu hơn...

Tham gia giao thông an toàn hơn nhờ có GPLX

Mô tô, xe máy hiện nay là phương tiện sử dụng phổ biến trong việc đi lại sinh hoạt và sản xuất của người dân.

Tuy nhiên, hiện có một bộ phận quần chúng nhân dân ở vùng sâu vùng sa, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số chưa có GPLX vẫn thường xuyên điều khiển phương tiện tham gia giao thông, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT và là nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn, va chạm giao thông.

Nguyên nhân do trình độ học vấn của đồng bào vùng sâu vùng xa còn thấp, nhiều trường hợp không biết chữ nên không đủ điều kiện để được đào tạo, thi sát hạch cấp GPLX, mặc dù các đối tượng này đều đủ năng lực, hành vi về điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông.

Hà Giang là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Để tạo thuận lợi cho đồng bào tiếp cận và chấp hành pháp luật về ATGT tốt hơn, Sở GTVT tỉnh này đã tổ chức đào tạo, sát hạch, cấp GPLX mô tô hạng A1 cho đồng bào dân tộc thiểu số có trình độ văn hóa thấp. Đây là một trong những giải pháp quan trọng để kiềm chế, giảm thiểu tai nạn giao thông (TNGT).

img

Đào tạo, cấp GPLX cho đồng bào dân tộc góp phần kéo giảm tai nạn giao thông - Ảnh minh họa

Ở tuổi ngoài tứ tuần nhưng anh Lý Go Hừ (dân tộc Hà Nhì) tại xã Pải Lủng, huyện Đồng Văn vẫn chưa có GPLX mô tô hạng A1. Anh cho biết, do mặc cảm tuổi tác và học thấp nên anh không đi thi bằng lái xe. Ngày được cán bộ xã thông báo đăng ký học bằng lái xe tại địa phương, anh mạnh dạn đăng ký và đã thi đậu.

“Được giáo viên dạy những kiến thức về an toàn giao thông, những quy định phải chấp hành khi tham gia giao thông, tôi mới biết cần phải đi học, phải nắm luật để tránh tai nạn đáng tiếc xảy ra. Sau khi học xong, mình về nhà truyền đạt lại cho con cháu để chúng nó đi học có cái bằng, chạy xe cho an toàn”, anh Lý Go Hừ nói.

47 tuổi và không biết chữ, để đi học và có được GPLX mô tô là điều không hề dễ với anh Lò A Sính (người H'Mông), thế nhưng anh đã làm được. Học xong cấp I, anh nghỉ học làm nông. Sau mấy chục năm quên dần con chữ nên khi học lái xe, học luật anh không thể đọc hiểu và trả lời các câu hỏi lý thuyết. Do vậy, trước đây anh đã đăng ký học nhưng đành bỏ ngang.

Mới đây, được Sở GTVT mở lớp dạy lái xe mô tô cho người đồng bào dân tộc thiểu số anh đăng ký lại. Phần lý thuyết, anh cố gắng nghe hiểu và nhớ để thi. Cuối cùng anh đã thi đậu và đang chờ ngày lấy GPLX.

“Có cái giấy này, am hiểu hơn về Luật Giao thông đường bộ nên mỗi lần ngồi lên xe máy mình yên tâm, không còn sợ mấy chú công an đứng đường kiểm tra bằng lái”, anh Lò A Sính nói.

Đó chỉ là 2 trong số nhiều thí sinh đăng ký học và thi GPLX mô tô hạng A1 đã được Sở GTVT Hà Giang tổ chức.

Theo lãnh đạo Sở GTVT Hà Giang, nhiều xã vùng sâu vùng xa, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống thời gian qua có tình trạng người dân vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Các lỗi vi phạm chủ yếu là không có GPLX, không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, chở quá số người quy định.

Để hạn chế tai nạn, bên cạnh việc phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạng công tác tuyên truyền, Sở GTVT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX mô tô hai bánh hạng A1 đối với đồng bào dân tộc thiểu số có trình độ thấp trên địa bàn.

"Vấn đề lo ngại nhất khi mở lớp đào tạo, cấp GPLX mô tô cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số là khả năng tiếp thu khi học Luật Giao thông đường bộ. Do vậy, Sở GTVT đã thay đổi linh hoạt phương pháp tổ chức giảng dạy với từng trường hợp khác nhau, chủ yếu bằng phương pháp trực quan. Nhiều lớp đã được mở và hàng trăm người dân đã được đào tạo, sát hạch GPLX mô tô hạng A1 là giải pháp quan trọng giảm thiểu TNGT miền núi", lãnh đạo sở GTVT Hà Giang cho hay.

Tiếp tục đổi mới cách dạy và học

Ông Lương Duyên Thống, Vụ trưởng Vụ phương tiện và người lái, Tổng cục Đường bộ VN cho hay, Thông tư 12/2017 và Thông tư 38/2019 của Bộ GTVT quy định về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ đã có quy định cụ thể về nội dung, chương trình đào tạo và các thủ tục hành chính.

Trên cơ sở đó, sở GTVT các địa phương trình UBND tỉnh hướng dẫn hình thức đào tạo phù hợp đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

Học viên tham gia học và sát hạch ngoài các quy định hiện hành phải được UBND cấp xã xác nhận là đồng bào dân tộc thiểu số không biết đọc, biết viết. Các học viên phải trải qua quá trình học lý thuyết và thực hành với chương trình được xây dựng phù hợp với khả năng nhận biết của họ.

Để đảm bảo việc dạy và học đáp ứng được yêu cầu, giáo viên tại các trung tâm đào tạo sát hạch GPLX mô tô hai bánh hạng A1 phải có khả năng truyền đạt bằng tiếng phù hợp với đa số đồng bào dân tộc thiểu số trong lớp học. Nếu cơ sở đào tạo không có giáo viên biết tiếng đồng bào dân tộc thiểu số có thể hợp đồng với người biết tiếng dân tộc thiểu số có trình độ trung cấp trở lên phiên dịch để cùng tham gia giảng dạy, sát hạch.

Thời gian qua, các địa phương đã quan tâm đến lĩnh vực ATGT. Nhiều địa phương đã có cách làm sáng tạo, đổi mới đào tạo cấp GPLX cho đồng bào dân tộc, góp phần quan trọng trong kéo giảm TNGT nơi đây.

"Các địa phương cần tiếp tục tổ chức các lớp đào tạo cấp GPLX lưu động, đổi mới hình thức đào tạo. Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền. Tuyên truyền đúng đối tượng, bằng ngôn ngữ dân tộc để phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng, tiếp tục kéo giảm TNGT trong vùng đồng bào dân tộc và miền núi", ông Thống nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.