Chuyển đổi GPLX theo hạng mới thế nào?
Tổng cục Đường bộ cho biết cơ quan này đang tiếp tục sửa đổi Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) theo hướng giảm số hạng GPLX xuống còn 14 hạng (gồm A1, A, B1, B2, B, C, D1, D2, D, BE, CE, D1E, D2E và DE) thay vì 17 hạng như Dự thảo trước đó.
Cụ thể, hạng A0 được ghép vào hạng A1, không chia nhỏ hạng C thành 2 hạng C1 và C như Công ước Viên. Việc bổ sung hoặc bỏ hạng C1 và C1E không ảnh hưởng đến người sử dụng GPLX tại Việt Nam mà chỉ tác động đến người có GPLX hạng C1 và C1E của nước ngoài khi sử dụng GPLX tại Việt Nam. Nếu cho phép sử dụng tương đương hạng B sẽ hạn chế quyền điều khiển xe tải có khối lượng hàng hóa chuyên chở từ 3.500 kg đến 7.500 kg. Nếu cho phép sử dụng tương đương hạng C sẽ mở rộng quyền điều khiển xe tải có khối lượng hàng chuyên chở trên 7.500 kg, nguy cơ mất ATGT.
Cũng theo Tổng cục Đường bộ, dự thảo Luật GTĐB sửa đổi cũng bổ sung quy định chuyển tiếp để làm rõ kể từ ngày luật có hiệu lực thi hành, GPLX cấp theo hạng mới sẽ được thực hiện đối với người cấp mới lần đầu.
GPLX đã cấp hiện nay vẫn có giá trị sử dụng cho đến khi hết thời hạn sử dụng ghi trên GPLX (các hạng A1, A2, A3 không thời hạn, giấy phép hạng B1 có thời hạn đến khi người lái xe đủ 60 tuổi đối với nam và 55 tuổi đối với nữ). Khi GPLX hết thời hạn, bị hỏng, bị mất hoặc muốn đổi GPLX theo hạng mới để được thừa nhận và tham gia giao thông khu vực và quốc tế thì phải đổi lại GPLX theo hạng mới.
Hạng A1 mới chỉ dùng cho cấp mới cho người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy có dung tích xy lanh đến 125 cm3 và xe máy điện có công suất động cơ điện đến 11 kw. Tuy nhiên, tại mặt sau của GPLX ghi điều kiện hạn chế đối với người từ 16 - 18 tuổi chỉ được điều khiển xe gắn máy có dung tích xy lanh dưới 50 cm3 và xe máy điện có công suất động cơ điện dưới 4 kw.
Hạng A mới dùng cho cấp mới và cấp đổi cho người đã có GPLX hạng A1 cũ để điều khiển xe mô tô có dung tích xy lanh trên 125 cm3 và xe máy điện có công suất động cơ điện trên 11 kw. Tuy nhiên, tại mặt sau của GPLX ghi điều kiện hạn chế đối với người đổi từ GPLX hạng A1 cũ chỉ được điều khiển xe mô tô có dung tích xy lanh đến 175 cm3 và xe máy điện có công suất động cơ điện đến 14 kw.
Hạng B1 mới dùng cho cấp mới và cấp đổi cho người đã có GPLX hạng A3 cũ để điều khiển xe mô tô ba bánh.
Hạng B2 mới dùng cho cấp mới và cấp đổi cho người đã có GPLX hạng B1 số tự động và B1 số sàn.
Hạng B mới dùng cho cấp mới và cấp đổi cho người đã có GPLX hạng B2 cũ.
Hạng C mới dùng cho cấp mới và cấp đổi cho người đã có GPLX hạng C cũ.
Hạng D1 mới dùng cho cấp mới cho người điều khiển xe chở người có từ 10 - 16 chỗ ngồi.
Hạng D2 mới dùng cho cấp mới và cấp đổi cho người đã có GPLX hạng D cũ.
Hạng D mới dùng cho cấp mới và cấp đổi cho người đã có GPLX hạng E cũ.
Hạng BE, CE, D2E và DE mới dùng cho cấp mới và cấp đổi cho người đã có GPLX hạng FB2, FC, FD và FE cũ.
Hạng D1E mới dùng cho cấp mới cho người điều khiển xe chở người có từ 10 đến 16 chỗ ngồi kéo rơ móoc.
Ghép hạng A0 vào A1
Theo Tổng cục Đường bộ VN, công ước quốc tế 1968 về Giao thông đường bộ quy định người điều khiển các loại xe cơ giới có giấy phép lái xe theo các hạng tại Phụ lục 6, bao gồm: A, B, C, CE, D và DE. Trong đó GPLX mô tô được phân làm 2 hạng: Hạng A điều khiển mô tô. Hạng A1 điều khiển xe mô tô có dung tích không vượt quá 125cm và động cơ không vượt quá 11Kw (xe mô tô hạng nhẹ).
Tuy nhiên, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 không quy định bắt buộc người điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh dưới 50cm3 phải có GPLX.
Kết quả khảo sát điều tra độ tuổi sử dụng xe mô tô, xe máy điện có dung tích xi lanh dưới 50cm3 chủ yếu bởi học sinh phổ thông, phổ thông trung học, đại học và cao đẳng.
Để phù hợp với các quy định của Công ước Viên, đồng thời đáp ứng được yêu cầu thực tế là người điều khiển các phương tiện cơ giới phải có hiểu biết về quy tắc tham giao thông đường bộ, có kỹ năng lái xe an toàn để đảm bảo an toàn cho bản thân cũng như những người tham gia giao thông khác, dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi đã quy định người lái xe xe gắn máy (kể cả xe máy điện) có dung tích xy lanh dưới 50 cm3 hoặc có công suất động cơ điện không vượt quá 4 kw phải có GPLX.
Sau khi tiếp thu ý kiến của các tổ chức và cá nhân trong quá trình xây dựng Luật Giao thông đường bộ sửa đổi, cơ quan soạn thảo đã sửa đổi quy định đối với hạng A0 tại dự thảo Luật trình Chính phủ. Theo đó, hạng A0 được ghép vào hạng A1 (cấp mới để điều khiển xe đến 125 cm3 và đến 11 kw), đồng thời quy định điều kiện hạn chế đối với người từ 16 - 18 tuổi chỉ được điều khiển xe gắn máy có dung tích xy lanh dưới 50 cm3 và xe máy điện có công suất động cơ điện dưới 04 kw.
Do vậy, người có nhu cầu được cấp giấy phép lái xe hạng A1 (bao gồm cả điều khiển xe gắn máy có dung tích xy lanh dưới 50 cm3 và xe máy điện có công suất động cơ điện dưới 4 kw) sẽ chỉ học, sát hạch, để được cấp GPLX và phát sinh chi phí 1 lần.
Tuy nhiên, Tổng cục Đường bộ VN cho rằng, với lợi ích của việc người điều khiển phương tiện được bồi dưỡng kiến thức pháp luật giao thông đường bộ và các kỹ năng điều khiển phương tiện sẽ tạo môi trường giao thông an toàn và hiệu quả, ngăn ngừa nguy cơ tai nạn, góp phần giảm chi phí xã hội thì việc phát sinh những chi phí không đáng kể cho việc học và lấy GPLX là phù hợp.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận