Hạ tầng

Đất nước thịnh vượng cần hạ tầng giao thông hiện đại

25/01/2021, 05:57

Để giao thông “đi trước mở đường”, ngành GTVT phấn đấu đến năm 2025 cả nước có khoảng 3.858km đường cao tốc...

img

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể. Ảnh: Tạ Hải

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể - Bí thư Ban Cán sự đảng Bộ GTVT, đại biểu tham dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII trả lời phỏng vấn Báo Giao thông về quyết tâm chính trị của ngành trong giai đoạn mới.

Nhiều lĩnh vực có sự bứt phá

Thưa Bộ trưởng, Đại hội XIII của Đảng diễn ra trong bối cảnh thế và lực đất nước đi lên, Việt Nam có nhiều thành tựu dù cả thế giới đang rất khó khăn vì dịch Covid-19. Ông đánh giá nhiệm kỳ vừa qua, ngành GTVT đã đóng góp như thế nào vào sự phát triển của đất nước?

Năm 2020 với tác động chưa từng có của dịch bệnh Covid-19 và bão lũ tại miền Trung đã khép lại 5 năm kế hoạch 2016 - 2020.

Khó khăn chồng khó khăn nhưng vượt qua những thách thức, bám sát các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, nhiệm kỳ 5 năm qua, ngành GTVT đã hoàn thành các nhiệm vụ đã đặt ra.

Cụ thể: Chất lượng, tiến độ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đề án tốt hơn; Cắt giảm hàng trăm thủ tục hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp; Quản lý, khai thác vận tải hiệu quả nhờ ứng dụng công nghệ; Tập trung đầu tư các dự án trọng điểm, tháo gỡ điểm nghẽn hạ tầng giao thông; TNGT giảm 3 tiêu chí…

Một số lĩnh vực của ngành giao thông đã có sự bứt phá.

Thứ nhất là công tác phát triển hạ tầng giao thông. Bên cạnh việc đầu tư các công trình bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, nhiều công trình giao thông hiện đại đã và đang được triển khai, thiết lập các tuyến vận tải kết nối khu kinh tế trọng điểm… Từ đó đóng góp vào tăng trưởng GDP của cả nước.

Năng lực và chất lượng kết cấu hạ tầng của Việt Nam liên tục tăng bậc theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới.

Song song với việc đầu tư hạ tầng, Bộ GTVT đã thực hiện nhiều giải pháp tái cơ cấu để phát huy thế mạnh của từng phương thức vận tải, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả và chất lượng dịch vụ vận tải, logistics.

Đặc biệt, vận tải hàng không, đường bộ chuyển biến mạnh mẽ, ngày càng có nhiều dịch vụ cho người dân lựa chọn.

Một kết quả rất đáng mừng đó là từ năm 2016 - 2020, TNGT giảm 70.085 vụ (giảm 42,7%), giảm 9.372 người chết (giảm 19%), giảm 90.628 người bị thương (giảm 53,91%). Việc giảm được hơn 9 nghìn người tử vong vì TNGT là một thành quả rất lớn giúp giảm tác động tiêu cực tới đời sống xã hội.

Thể chế và công nghệ sẽ tạo nên đột phá

img

Trong lĩnh vực đường bộ, giai đoạn 2016- 2020, cả nước đã đưa vào khai thác 1.074 km cao tốc, đưa tổng chiều dài cao tốc hiện có lên 1.163 km (Trong ảnh: Cao tốc Hà Nội- Hải Phòng)

Để phát triển hạ tầng giao thông là 1 trong 3 khâu đột phá, đưa đất nước đi lên thịnh vượng như mục tiêu dự thảo văn kiện Đại hội XIII đưa ra, kế hoạch hành động của Bộ GTVT tập trung vào những khâu then chốt nào, thưa Bộ trưởng?

Ngành GTVT có 3 nhiệm vụ trụ cột:

Một là phát triển và duy trì năng lực, chất lượng kết cấu hạ tầng giao thông.

Hai là phát triển và quản lý hiệu quả, cơ cấu cân đối thị trường vận tải.

Ba là quản lý hoạt động giao thông thông suốt, trật tự, an toàn.

Ban Cán sự Đảng chỉ đạo công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực GTVT hướng đến 4 mục tiêu: An toàn - Thông suốt - Kinh tế - Thân thiện môi trường.

Nền tảng để tạo nên đột phá là Thể chế.

Động lực của đột phá trong giai đoạn này là khoa học công nghệ (công nghệ thông tin, công nghệ thi công, vật liệu mới).

Cụ thể, trong 5 năm tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế. Coi đây là điểm đột phá, làm sao để các quy định cụ thể, rõ ràng, minh bạch để tổ chức thực hiện tốt hơn. Từ đó tạo động lực thu hút nhiều nguồn lực đầu tư; quản lý đầu tư, khai thác và vận hành công trình hiệu quả; giúp tăng cường quản lý vận tải và kiềm chế tai nạn, đảm bảo an toàn cho người dân.

Thứ hai là đầu tư vào khoa học công nghệ. Bộ GTVT đang tích cực triển khai Chính phủ điện tử, chuyển đổi số theo chỉ đạo của Thủ tướng.Để nhanh chóng ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ thế giới phát triển giao thông ở Việt Nam, chúng ta cần phải sửa luật, thiết kế lại bộ máy, ưu tiên ngân sách, ưu đãi tài chính cho các công nghệ mới, phải đào tạo, tuyển dụng nguồn nhân lực công nghệ cao.

Để đất nước đi lên thịnh vượng, cần hạ tầng giao thông hiện đại.

Để giao thông “đi trước mở đường”, ngành GTVT phấn đấu đến năm 2025 cả nước có khoảng 3.858km đường cao tốc, cơ bản kết nối đường cao tốc với các trung tâm tỉnh lị, cảng biển, cửa khẩu biên giới, cảng hàng không, tạo nên một hệ thống liên hoàn để phát triển KT- XH.

Đồng thời triển khai đúng tiến độ, chất lượng các dự án trọng điểm như Cảng hàng không quốc tế Long Thành, hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao…

Bên cạnh đó, tập trung duy tu, sửa chữa đường hiện hữu.

Một trong những định hướng mới trong thời gian tới là không dồn sức mở rộng quốc lộ hiện hữu (chi phí đền bù rất cao, thường tạo điểm nóng gây bức xúc cho người dân) mà tập trung xây dựng các tuyến đường song hành.

Chúng tôi cũng sẽ tham mưu Chính phủ, Quốc hội cố gắng huy động các nguồn lực bao gồm cả ngân sách Nhà nước và nguồn lực xã hội để sớm hình thành hệ thống GTVT tương đối tốt ở các vùng còn thiếu điều kiện cơ sở hạ tầng như miền núi Tây Bắc, các tỉnh Tây Nguyên, ĐBSCL…

Chống tiêu cực phải truy trách nhiệm đến cùng

Trong kế hoạch hành động của Bộ GTVT, công tác phòng chống tham nhũng được chú trọng ra sao, đặc biệt trong triển khai các dự án giao thông, thưa Bộ trưởng?

Hạ tầng giao thông đường bộ là cơ sở nền tảng đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia.

Nguồn vốn để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông là rất lớn do đó dễ xảy ra tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong tất cả quá trình, từ đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, tổ chức thi công, thanh quyết toán…

Trong điều kiện đất nước khó khăn, nguồn vốn còn rất hạn hẹp, những hành vi này ngoài việc vi phạm pháp luật, còn ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến hiệu quả đầu tư.

Bộ GTVT yêu cầu tất cả các cơ quan, đơn vị, các cán bộ, công nhân viên chức, người lao động, từ lãnh đạo Bộ đến những người công nhân bình thường đều phải nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc thực thi nhiệm vụ để tránh tiêu cực, lãng phí, kém hiệu quả.

Nếu có bất kỳ vi phạm nào xảy ra, quan điểm của Ban Cán sự Đảng Bộ GTVT là truy cứu trách nhiệm đến cùng.

Những cá nhân, tổ chức gây lãng phí, tiêu cực, tham nhũng sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật để đảm bảo hệ thống các cơ quan đơn vị thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Bộ GTVT vừa đề nghị Bộ Công an phối hợp và hỗ trợ quá trình thực hiện dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Nhiều chuyên gia hoan nghênh sự chủ động của Bộ GTVT và cho rằng một cơ chế giám sát tốt sẽ giúp giảm thiểu sai phạm. Đây cũng là vấn đề nhiều người dân quan tâm và gửi gắm tới Đại hội Đảng XIII đang diễn ra. Quan điểm của Bộ trưởng về việc này thế nào?

Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo các dự án thành phần thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phải là dự án mẫu, phòng chống tham nhũng tốt, bảo đảm chất lượng, tiến độ.

Để việc triển khai tuân thủ đúng các quy định pháp luật và yêu cầu của Thủ tướng, Bộ GTVT đã có công văn đề nghị Bộ Công an chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp và hỗ trợ Bộ GTVT trong quá trình thực hiện dự án.

Từ giải phóng mặt bằng, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu và trong suốt quá trình thi công, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo các đơn vị phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Bộ Công an.

Việc chúng tôi đề nghị Bộ Công an phối hợp ngay từ khi triển khai dự án, ngoài việc khẳng định quyết tâm phòng chống tham nhũng của Bộ GTVT, đó cũng chính là cách để bảo vệ cán bộ của mình tránh những sai phạm.

Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

12 định hướng phát triển, 6 nhiệm vụ trọng tâm

Đại hội XIII của Đảng diễn ra từ ngày 25/1 - 2/2/2021, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội. Đại hội được tiến hành với phương châm: “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển”. Tham dự có 1.587 đại biểu chính thức đại diện cho gần 5,2 triệu đảng viên cả nước.

Trong ngày làm việc đầu tiên, Đại hội họp phiên trù bị để thông qua chương trình phiên họp; thông qua Quy chế làm việc của Đại hội; Bầu đoàn chủ tịch, đoàn thư ký và Ban thẩm tra tư cách đại biểu... Ngày 26/1, Đại hội sẽ khai mạc chính thức.

Nhiệm vụ của Đại hội bao gồm: Kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XII gắn với đánh giá tổng quát tiến trình đổi mới; quyết định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ 5, 10 năm tới và tầm nhìn đến năm 2045; đánh giá việc thi hành Điều lệ Đảng khoá XII; kiểm điểm sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII; bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII.

Theo Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng, các Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng được chuẩn bị rất công phu, bài bản, chu đáo, qua nhiều lần, nhiều vòng, từng bước hoàn thiện.

Về tầm nhìn, dự thảo Văn kiện đã cập nhật kịp thời những diễn biến mới nhất của tình hình trong nước và thế giới, phân tích, dự báo có cơ sở khoa học về tình hình và xu hướng phát triển của thế giới và đất nước trong giai đoạn mới, tạo cơ sở cho việc xác định các mục tiêu phát triển trong 5 năm, 10 năm tới và tầm nhìn đến năm 2045.

Về quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, dự thảo Báo cáo chính trị lần này dành ra một mục riêng là quan điểm chỉ đạo với 5 nội dung quan trọng, có bổ sung, làm rõ hơn một số nội dung của các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo mà Đảng ta đã đề ra và từng bước hoàn thiện qua các kỳ Đại hội. Đặc biệt, đã khẳng định cần phải “khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc… khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”…

Về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp, dự thảo đã đề ra 12 định hướng phát triển đất nước trong thời kỳ chiến lược 10 năm 2021 - 2030, 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá chiến lược và các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục đổi mới, phát triển các ngành, lĩnh vực cụ thể với những nội dung mới, quan trọng.

PV

Tổng quan hạ tầng giao thông 2016-2020

Đường bộ: Khai thác 1.074km cao tốc, đưa tổng chiều dài cao tốc hiện có lên 1.163km. Mạng lưới quốc lộ dài 24.598km; đã thay thế cầu yếu và đồng bộ tải trọng; tỷ lệ mặt đường bê tông nhựa đạt 64%.

Đường sắt: Đang triển khai 4 dự án cải tạo, nâng cấp các công trình đường sắt trên tuyến Bắc - Nam.

Đường thủy nội địa: Tập trung cải tạo một số tuyến tại khu vực Đồng bằng Bắc bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, các công trình chỉnh trị cửa sông, kênh, âu tàu lớn và một số cảng đầu mối container kết hợp cảng cạn; động thổ Cụm công trình kênh nối Đáy - Ninh Cơ.

Hàng hải: Hệ thống cảng biển có năng lực thông qua khoảng 570 triệu tấn hàng hóa/năm, có khả năng đón tàu chở khách lớn nhất thế giới; phát triển hệ thống cảng cạn hỗ trợ khai thác cảng biển, phát triển logistics.

Hàng không: Nâng cấp cảng hàng không Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng; Xây mới cảng hàng không Phú Quốc, Vân Đồn, nâng tổng công suất mạng cảng hàng không đạt khoảng 90 triệu hành khách/năm. Công nghệ điều hành bay hiện đại an toàn.

(Theo báo cáo Tổng kết giai đoạn 2016-2020 của Bộ GTVT)

Tăng trưởng vận tải cao hơn mức tăng trưởng GDP

Sản lượng vận tải giai đoạn 2016 - 2020: Ước đạt 7.559,621 triệu tấn hàng; đạt 20.617,8 triệu lượt hành khách; khối lượng luân chuyển hàng hóa ước đạt 1.431,356 triệu Tấn.km; luân chuyển hành khách ước đạt 988,981 triệu HK.km.

Từ năm 2016 - 2019 sản lượng vận tải luôn đạt và vượt mức kế hoạch đề ra; vận tải hàng hóa có tốc độ tăng trưởng bình quân 11,87%/năm về khối lượng vận chuyển và 7,1%/năm về khối lượng luân chuyển. Vận tải hành khách có tốc độ tăng trưởng bình quân 11,75%/năm về khối lượng vận chuyển và 10,4%/năm về khối lượng luân chuyển. Tốc độ tăng trưởng luôn cao hơn so với tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước.

Riêng năm 2020, do ảnh hưởng bất khả kháng của dịch Covid-19, sản lượng vận tải hàng hóa giảm 6,2%, vận tải hành khách giảm 29,7% so với cùng kỳ năm 2019.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.