Xã hội

Đất trồng thuốc lào tiến vua giờ ra sao?

06/06/2021, 06:31

Những ngày tháng 6, bước chân vào vựa “tương tư thảo” ở Tiên Lãng (Hải Phòng), đâu đâu cũng ngập trong mùi thuốc lào cay nồng.

img

Thuốc lào được phơi đầy đường ở Vĩnh Bảo

Mùa “gặt” thuốc lào bắt đầu từ cuối tháng 5 kéo dài đến khoảng hết tháng 6. Không còn nhộn nhịp như xưa, nhưng vào những ngày này, bước chân vào vựa “tương tư thảo” ở Tiên Lãng (Hải Phòng), đâu đâu cũng ngập trong mùi thuốc lào cay nồng.

Nhiều hộ bỏ trồng vì quá nhọc công

Giữa cái nắng chang chang của trưa hè tháng 6, ông Nguyễn Tiến Sự, ở xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng vẫn đang miệt mài cùng vợ con dở những phên thuốc mới thái - phơi buổi sáng. Những tấm phên hình chữ nhật có diện tích khoảng 2m2, đựng kín thuốc lào. Mùi thuốc lào bốc lên cay nồng khắp mọi ngõ ngách.

Chỉ tay vào hàng chục cuộn thuốc lào đang nằm kín bên trong nhà, ông Sự cho biết, sau những ngày trồng, chăm sóc, là đến ngày bẻ thuốc, thái thuốc. Có thuốc rồi, phải ủ, cất kỹ trong nhà. Những ngày ấy, người phải ra ngoài sân, ngoài hè để ngủ, nhường chỗ để ủ thuốc lào. Mỗi mẻ thuốc lào sẽ ủ khoảng 4-6 ngày.

“Thuốc lào không thể để ngấm mưa, phơi sương cũng chỉ có thời gian, công đoạn, nên khi ủ, phải dành diện tích trong nhà cho thuốc, người ra ngoài ngủ cũng được”, ông Sự cho hay.

Theo ông Sự, thuốc lào là “đặc sản” được trồng ở nhiều nơi nhưng ngon nhất phải kể đến thuốc lào trồng ở vùng đất Tiên Lãng, Vĩnh Bảo. Đây vốn được coi là vùng đất sản sinh ra thuốc lào tiến vua.

“Ruộng đất ở đây không trồng lúa, mà trồng thuốc lào. Có nhiều nhà trồng 1-2 mẫu thuốc lào. Nếu chăm sóc tốt, mỗi sào thuốc lào cũng cho từ 50-70kg, bán với giá thị trường hiện nay từ 100-200 nghìn đồng/kg, loại đặc biệt lên tới 700 - 800 nghìn đồng/kg, có loại lên tới cả triệu đồng/kg. Với giá trị cao gấp nhiều lần trồng lúa như vậy, nhưng cũng nhiều hộ đã bỏ trồng thuốc lào vì quá vất vả”, ông Sự cho hay.

Giữ được “lửa” nghề

Bà Vinh, người cùng xã Lý Học cho biết, so với ngày xưa, giờ công đoạn sản xuất thuốc lào đã nhàn hơn được khâu thái nhờ có máy, không phải thái tay nữa. Nhưng các công đoạn bấm ngọn, bẻ chồi, tưới nước, hái lá, phơi sương, phơi nắng, ủ… thì vẫn phải đầy đủ, kỹ càng như trước.

“Trồng thuốc lào hiệu quả kinh tế gấp 3-4 lần trồng lúa, một sào thuốc một vụ có thể cho 10 triệu đồng. Nhưng ngày nào cũng phải ra ruộng bấm ngọn, bẻ chồi, tưới nước, hái lá, rồi dành cả căn nhà cho thuốc ủ, mình ra ngoài sân ngủ... Vất vả thế nên cũng nhiều người bỏ nghề”, bà Vinh nói.

Ông Sự cho biết thêm, sau khi vất vả chăm sóc khoảng 4-5 tháng, là đến thời gian thu hoạch thuốc lào. Thuốc lào sau khi bẻ về sẽ được rọc ra và lên cuộn. Lá lành thì để làm áo, còn lá rách để làm ruột. Cuộn thuốc lào dài từ 2-2,5m, đường kính khoảng 20cm. Sau khi lên cuộn, là xếp thuốc lào sát vào nhau và để trong nhà hoặc trên giá thoáng mát để ủ từ 4-6 ngày, đến khi lá thuốc từ bên trong đến bên ngoài vàng đều thì sẽ tiến hành thái thuốc.

“Mỗi cuộn thuốc phải đều chiều dài, đều kích cỡ mới cho lên máy thái được. Chính vì vậy người làm thuốc lào phải rất kỹ lưỡng trong việc lên cuộn thuốc, xếp lá sao cho không bị vỡ. Thái thuốc thủ công mỗi cuộn phải mất 45-60 phút, giờ chỉ sau 5-10 phút đã xong một cuộn”, ông Sự kể.

Thuốc lào sau khi thái xong sẽ được giũ đều, sau đó đem phơi. Thuốc lào phơi trên phên, trên liếp phải đều tay, tránh vón cục sẽ không khô đều dẫn đến việc bị hôi hoặc bị hỏng. Nếu gặp trời mưa, không thể phơi thuốc thì phải sấy, dùng rơm khô hun ở phía dưới đến khi sợi thuốc khô lại. Đến khi các mẻ thuốc lào hoàn thành thì dùng chăn, nilon bịt kín lại giữ hơi nóng cho thuốc lào khô đều và hôm sau gặp nắng thì tiếp tục đưa ra hong đến khi khô kiệt, vàng đều.

“Việc đốt thuốc sẽ làm cho màu sắc của thuốc lào không vàng đều như được nắng, thế nhưng nó lại tăng thêm mùi khói, giúp thuốc lào ngon hơn, đậm đà hơn và được người mua săn đón”, ông Sự cho hay.

Bà Vinh vẫn nhớ, hơn chục năm trước, cứ vào mùa thuốc lào là các nhà đổi công cho nhau đi thu hoạch thuốc. Kết thúc một ngày làm việc, các nhà sẽ tập trung lại ăn bữa cơm tối với không khí “vui như ngày hội”. Khói thuốc lào sẽ lan toả trong buổi chiều tối hôm ấy, đàn ông và thậm chí phụ nữ cũng hút được thuốc, các cụ bà già hơn thì nhặt sợi thuốc lào, đặt vào lá trầu, miếng cau ăn cho thêm cay, thêm ấm nồng.

“Ngày nay, làm thuê thì trả lương, việc đổi công, ăn cơm chung không còn, nên cũng vắng dần cảnh cánh đàn ông ngồi hút thuốc bên chén trà cuối ngày, đám phụ nữ ăn cánh trầu têm thêm sợi thuốc. Nhưng mỗi mùa thuốc lào về, vẫn thấy vui vì nghề trồng thuốc lào những năm gần đây ổn định, thuốc có giá bán tốt, đời sống người dân ngày càng khấm khá hơn”, ông Sự cho hay.

“Thủ phủ” của cây thuốc lào cả về diện tích lẫn chất lượng thuộc xã Kiến Thiết (huyện Tiên Lãng) và xã Lý Học (huyện Vĩnh Bảo). Hai xã này liền kề nhau, ngăn cách bởi con sông Hàn. Theo số liệu từ Sở NN&PTNT Hải Phòng, hai huyện có gần 2.500ha thuốc lào, tổng sản lượng năm 2020 đạt 3.264,6 tấn. Năng suất thuốc lào đạt tới 1,6 tấn/ha, nhiều hộ có thu nhập 500-600 triệu đồng/năm từ cây thuốc lào.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.