Một góc xã Tùng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh
Nhắc đến cái tên Tùng Lộc (huyện Can Lộc) hay Hậu Lộc (Ích Hậu ngày nay, huyện Lộc Hà) của tỉnh Hà Tĩnh, nhiều người vẫn nghĩ đến những cụm từ không mấy thiện cảm như làng “cái bang”, làng “ăn xin”… Thế nhưng, đó chỉ là những câu chuyện của quá khứ.
Đọt chuối cũng không có mà ăn
Mái tóc bạc phơ, mồm móm mém nhai trầu, cụ bà Đặng Thị Thuấn (thôn Chính Làng, xã Tùng Lộc) không nhớ chính xác năm nay mình bao nhiêu tuổi. Theo giấy tờ thì năm nay cụ Thuấn 81 tuổi nhưng theo một số cụ cao niên thì tuổi của cụ phải 84, 85 gì đó. Đã ở tuổi xưa nay hiếm nhưng khi kể về tuổi thơ khốn khó của mình, cụ Thuấn nhớ rạch ròi.
Cụ Thuấn kể, nhà đông anh em, bố mẹ mất sớm phải đi ở cho nhà bác ruột từ năm 7 tuổi. Đất nước trải qua chiến tranh ác liệt và kiệt quệ, Tùng Lộc (huyện Can Lộc) lại là vùng đất khô cằn, sỏi đá. Nắng thì cháy da, cháy thịt mà mưa thì thối đất, thối cát, ruộng đồng bị nhiễm mặn, không cấy trồng được gì.
“Đói đến quay quắt. Đói cả làng, cả xã. Đói đến mức rau má, gốc chuối cũng không có mà ăn. Đến mức gọt vỏ cây đu đủ, lấy ruột bên trong để ăn nhưng chỉ được thời gian cũng hết. Và thế là người dân trong làng lần lượt kéo nhau tha phương cầu thực. Người có sức khỏe thì được thuê đi lên rừng đốn củi đốt lấy than, người còn lại thì tay gậy, tay bị đi ăn xin khắp nơi”, cụ Thuấn nhớ lại.
Người dân xã Tùng Lộc kể lại với PV về những năm tháng khó khăn
Những ngày đầu, người dân Tùng Lộc đi xin gần nhưng dần dà người xin thì đông mà các vùng lân cận cũng không khá giả gì hơn, nhiều người kéo nhau đến các vựa lúa ở các tỉnh Đồng bằng sông Hồng như: Thái Bình, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên… cho đến tận các tỉnh sát biên giới như Quảng Ninh, Lào Cai.
“Mỗi lần đi xin, con cái đều gửi ông bà già trong làng. Đi thế, ai cho gì lấy đó, người thì củ khoai, củ sắn, người thì bắp ngô, nhà khá giả thì cho bát gạo… Tất cả đều đổ chung vào 1 cái bị (cái túi được làm từ bao tải). Đi dăm bữa, nửa tháng lại về cho các con ăn, ăn hết lại đi”, cụ Thuấn nhớ lại.
Nghe cụ Thuấn kể, chị Đặng Thị Nga (51 tuổi, ở cùng thôn) góp chuyện: “Thời cụ đi ăn xin đã đành, đến thế hệ chúng cháu cũng chẳng khá khẩm hơn. Nguyên nhân là do sông Én và sông Nghèn không có đập ba ra ngăn thủy triều nên nước tưới cho đồng ruộng bị nhiễm mặn.
Trong khi đó, hồ Cù Lây (ở xã Phúc Lộc, huyện Can Lộc) không đủ nước, có thời điểm công an phải canh các cống để điều tiết nước cho phù hợp. Nhớ nhất là năm 1989, hạn hán diễn ra mấy tháng liền, người dân cũng không có nước để uống, cây cối đều bị nắng cháy quay quắt, trơ trụi. Người người, nhà nhà kéo nhau đi ăn xin khắp vùng”.
“Gần thì đi bộ, xa thì nhảy trộm tàu hỏa. Đi được ít hôm, mang theo dăm ba cân khoai, ngô độn gạo về cho các con bớt đói rồi lại đi. Thời kì đó, không chỉ Tùng Lộc mà cả xã Hậu Lộc (Ích Hậu ngày nay, huyện Lộc Hà) cũng chung cuộc sống cơ cực như vậy”, chị Nga chua chát kể.
Giao thông nông thôn, nước sạch đã về từng nhà
Người dân thôn Chính Làng đang cho lắp đặt hệ thống đường ống nước sạch
Gặp chúng tôi vào những ngày trung tuần tháng 4/2021, ông Phan Đình Minh, Trưởng thôn Chính Làng hồ hởi: “Chính Làng (xã Tùng Lộc) hôm nay khác rồi, đường bê tông đã vào đến tận mọi ngóc ngách; thôn cũng đang triển khai làm đường ống nước sạch, chỉ ít hôm nữa là nước về đến tận từng hộ dân”.
Ở xã Tùng Lộc bây giờ, những ngôi nhà bê tông kiên cố, nhiều nhà 2 - 3 tầng mọc san sát, đồ đạc tiện nghi trong nhà gần như không thiếu gì. Ngoài cánh đồng, lúa xanh biếc một màu - màu của hy vọng, an nhiên.
Ngôi nhà gỗ của bà Đặng Thị Đô ở thôn Chính Làng, xã Tùng Lộc
Trong ngôi nhà gỗ khang trang được làm theo phong cách hiện đại vừa xây không lâu, bà Đặng Thị Đô (thôn Chính Làng) cắm nồi cơm điện rồi đon đả mời chúng tôi uống nước.
Bà kể, ông bà đều sinh ra và lớn lên trong làng, cha mẹ mất sớm nên gia cảnh rất khó khăn. Năm 1979, hai vợ chồng ông bà cưới nhau, của hồi môn chỉ là 1 cái chăn.
Cuộc sống vốn đã nghèo lại thêm đông con (6 trai, 2 gái) lần lượt ra đời khiến gia đình thêm khánh kiệt. Ông phải đi đốt than thuê nhưng cũng không đủ ăn.
Bế tắc, nhiều lần bà Đô phải gửi con rồi đi khắp các vùng ăn xin. Đôi chân bà đã đi không biết bao nhiêu ngàn cây số, chỉ biết rằng bà đã đặt chân đến đủ các tỉnh Quảng Bình, Nghệ An cho tới Hà Nội, Hải Phòng, Cao Bằng, Lạng Sơn…
Sau mỗi chuyến đi xa, bà lại lên tàu hỏa nhảy trộm về Vinh (Nghệ An) rồi lại gánh bộ những mớ hàng xin được hơn 35km về Tùng Lộc…
“Chúng tôi ăn xin nhưng cố cho con học. Nhờ đó, chúng tôi mới có ngày hôm nay. Tất cả là nhờ con cái, đứa bộ đội, đứa giáo viên hay đứa làm ăn tự do cũng đều tu chí cả. Tôi cũng đã có 15 cháu, trong đó có 4 cháu đang theo học các trường quân sự và ngành y, mảnh đất Tùng Lộc ngày nay đã khác xưa rồi”, bà Đô tự hào.
Ông Phan Đình Minh cho biết thêm: Những gia đình có con ăn học được thì thăng tiến bằng đường học tập, còn lại đi lao động ở các khu công nghiệp, đi nước ngoài. Những người trung niên ở nhà làm ruộng, kinh doanh thêm.
“Tính đến năm 2020, toàn thôn có 240 hộ nhưng chỉ còn 6 hộ nghèo và 9 hộ cận nghèo. Thôn Chính Làng đã về đích nông thôn mới năm 2017 và đang quyết tâm đến tháng 7/2021 này sẽ về đích thôn nông thôn mới kiểu mẫu”, ông Minh cho hay.
Xã Tùng Lộc có tổng diện tích tự nhiên 8,8km2 với 2.130 hộ dân, hơn 8.000 nhân khẩu, thuộc 10 thôn. Ông Bùi Chiến Thắng, Chủ tịch UBND xã Tùng Lộc cho hay, người dân địa phương chủ yếu sản xuất nông nghiệp và kinh doanh buôn bán nhỏ lẻ, còn lại đi làm công nhân ở các khu công nghiệp. Ngoài ra, có khá nhiều con em địa phương thành đạt ở xa cũng thường hướng về quê hương. Hiện thu nhập bình quân của người dân ở mức 40 triệu đồng/người/năm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận