Tại buổi khai mạc Phiên họp thứ 11 diễn ra sáng 11/5, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022.
Đất vùng ven tăng tới 5 lần trong 1 năm
Trong phiên họp, về lĩnh vực đất đai, trình bày báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2022, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh: “Đất nền vùng ven tại một số nơi tăng nóng trong năm 2021, lên cao gấp 2-3 lần, thậm chí tới 5 lần trong vòng một năm”.
Theo ông Thanh, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chủ yếu là do hoạt động đầu cơ.
Đất nền vùng ven tại một số nơi tăng nóng trong năm 2021
Việc thị trường bất động sản phát triển nóng, có tính chất đầu cơ sẽ dẫn đến việc khuyến khích người dân, doanh nghiệp dùng đòn bẩy tài chính để đầu cơ, rủi ro nợ xấu với ngân hàng thương mại sẽ gia tăng khi thị trường có biến động.
Việc một số tổ chức, cá nhân tăng cường đầu tư, đầu cơ vào thị trường chứng khoán và bất động sản góp phần tạo thêm bong bóng giá chứng khoán và bất động sản.
Cũng tại phiên họp, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh lưu ý: "Lượng vốn đổ vào đầu tư chứng khoán, bất động sản lớn nhất về quy mô và tỷ trọng từ trước đến nay".
Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh
Tăng trưởng tín dụng bất động sản lên đến hơn 17,14%, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng bình quân của hệ thống. Dự nợ tín dụng đổ vào thị trường bất động sản chiếm 20,11% dự nợ toàn hệ thống.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tính đến 31/3/2022, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 783.942 tỷ đồng.
Trong đó đáng chú ý, dư nợ tín dụng đối với các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án phát triển nhà ở đạt 188.105 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 24% tổng dư nợ); Dư nợ tín dụng đối với cho vay xây dựng, sửa chữa nhà để bán, cho thuê đạt 121.153 tỷ đồng (chiếm 15,4% tổng dư nợ)…
Còn báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tài chính - Ngân sách cho biết, tiền thu từ sử dụng đất có mức tăng lớn so với dự toán (tăng 74.081 tỷ đồng) nhưng đây là khoản thu không ổn định, không bền vững cho cân đối ngân sách địa phương.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng nhận định thời gian qua, thị trường quyền sử dụng đất có dấu hiệu bất ổn. Những hiện tượng sai phạm trong đấu giá đất; môi giới bất động sản liên kết với nhau để nâng giá đất gây sốt đất, làm bất ổn thị trường.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga
Trong việc sử dụng đất đai còn xảy ra tình trạng lãng phí, nhiều nơi đất đai để không, không đưa vào sử dụng. Tình trạng khiếu nại, tố cao liên quan đến đất đai còn nhiều và phức tạp.
Theo bà Nga, "khiếu nại, tố cáo về đất đai chiếm gần 70% trong tổng số khiếu nại tố cáo”.
Đề nghị chỉ rõ nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm, quyết tâm sửa Luật Đất đai 2023
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh: "Đề nghị chỉ rõ nguyên nhân thuộc về quan điểm, chủ trương, chính sách nêu trong các nghị quyết và bất cập của Luật Đất đai năm 2013 để có giải pháp khắc phục các vướng mắc, bất cập, đồng thời nhận thức đầy đủ và đúng đắn hơn về sở hữu toàn dân về đất đai do Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu.
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh
Ông Thanh cũng đề nghị báo cáo rõ hơn tình trạng đẩy giá đất trong đấu giá đất đai để trục lợi; hiện tượng cò đất, thổi giá đất tạo nên những cơn sốt ảo, làm bất ổn thị trường đất đai; việc giao đất không qua đấu giá… để có biện pháp xử lý thích hợp, trường hợp cần thiết phải thu hồi nhằm tăng cường kỷ cương, trách nhiệm của các chủ thể quản lý, khai thác, sử dụng đất và phát huy hiệu quả nguồn lực này.
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh: “Cần quyết tâm, khẩn trương, ưu tiên bố trí thời gian và nguồn lực để sớm hoàn thành việc sửa đổi Luật Đất đai trong năm 2023”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận