Thành công về mọi mặt
Trong cuộc trao đổi với báo chí sau chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Luxembourg, Hà Lan và Bỉ từ ngày 9-15/12 và tham dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN - EU tại Brussels, Bỉ, ngày 14/12, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng Luxembourg, Hà Lan và Bỉ thể hiện sự coi trọng vị thế Việt Nam trong chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
"Chuyến thăm chính thức Luxembourg, Hà Lan và Bỉ của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thành công tốt đẹp. Các nước coi trọng vị thế, vai trò của Việt Nam ở khu vực, quyết tâm cùng đẩy mạnh toàn diện quan hệ hợp tác", Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết trong cuộc trao đổi với báo chí hôm nay.
Sự coi trọng vị thế và quan hệ với Việt Nam được thể hiện rõ khi cả ba nước châu Âu đều đón tiếp Thủ tướng Phạm Minh Chính với nghi lễ trang trọng; Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp và trao đổi với hầu hết lãnh đạo cấp cao ba nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Alexander De Croo chứng kiến lễ ký Ý định thư hợp tác giữa Bộ TN&MT và Bộ Biển Bắc của Vương quốc Bỉ - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Còn với Hội nghị cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN – EU, đây là lần đầu lãnh đạo ASEAN gặp gỡ với đầy đủ lãnh đạo các nước thành viên EU, cho thấy hai bên coi trọng, cam kết mạnh mẽ thúc đẩy mối quan hệ đối tác này.
Thành quả đáng chú ý là EU đã công bố đóng góp 10 tỷ euro hỗ trợ triển khai chiến lược Cửa ngõ toàn cầu thông qua các dự án hợp tác, khởi động Sáng kiến Nhóm châu Âu về kết nối bền vững tại ASEAN, đồng thời triển khai Chương trình Sáng kiến Xanh trị giá 30 triệu euro hỗ trợ hợp tác ASEAN - EU thời gian tới.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhận xét: "Chuyến thăm của Thủ tướng đã thành công về mọi mặt, là dấu mốc quan trọng trong quan hệ của Việt Nam với ba nước châu Âu, gia tăng tin cậy chính trị, đẩy mạnh toàn diện hợp tác trong giai đoạn phát triển mới, phục vụ lợi ích an ninh - phát triển và đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới".
Ký kết 30 thỏa thuận hợp tác
Còn theo Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, đây là chuyến thăm trong thời gian ngắn có lịch trình dày đặc và đã đạt được những kết quả hết sức quan trọng.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, các nước luôn có tình cảm đặc biệt, lựa chọn Việt Nam là điểm đến hấp dẫn để đầu tư, hợp tác, đánh giá Việt Nam có sự đổi mới sáng tạo và tiềm năng rất lớn trong hợp tác. Đó là dấu ấn rất lớn trong chuyến công tác lần này.
Một điểm mới của chuyến công tác lần này là chúng ta tiếp tục làm sâu sắc thêm những hợp tác trong các lĩnh vực truyền thống - Người đứng đầu Bộ TN&MT nhấn mạnh.
Ví dụ trong lĩnh vực TN&MT, Việt Nam đã cùng các nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược trong lĩnh vực tăng trưởng xanh, biến đổi khí hậu. Lần này, chúng ta đã làm sâu sắc thêm những hợp tác thông qua những hiệp định với giai đoạn mới, đòi hỏi nâng cấp các mối quan hệ cả về tầm cao, chiều sâu.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von der Leyen đón Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Lễ khai mạc Hội nghị cấp cao ASEAN- EU. Ảnh VGP/Nhật Bắc
Đặc biệt, các hiệp định tập trung vào vấn đề chuyển đổi sang nền kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp. Từ các hiệp định, nhiều hoạt động sẽ được triển khai để có thể thích ứng với biến đổi khí hậu, chuyển đổi được kinh tế dựa trên năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo.
Đặc biệt, chúng ta đã ký kết một hiệp định mới với Vương quốc Bỉ về hợp tác liên quan đến kinh tế biển xanh, giúp Việt Nam có kinh nghiệm trong quy hoạch khai thác, quản lý tổng hợp biển, đặc biệt là khai thác tiềm năng năng lượng gió ngoài khơi.
Qua các diễn đàn doanh nghiệp, gặp và làm việc với lãnh đạo các vùng cùng 20 tập đoàn, doanh nghiệp lớn, đã có 30 thỏa thuận hợp tác giữa các bộ ngành, địa phương, viện nghiên cứu và giữa các doanh nghiệp đã được ký kết trong chuyến thăm, theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.
Bộ TN&MT và Bộ Biển bắc Bỉ sẽ hợp tác trong nghiên cứu biển, cũng như thúc đẩy hỗ trợ của Vương quốc Bỉ về công nghệ và tài chính.
"Các trao đổi, ký kết hết sức hiệu quả thiết thực, đi đúng xu thế Việt Nam lựa chọn là chuyển sang kinh tế số, kinh tế xanh", Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định.
Sau COP26 và gần đây là COP27, Việt Nam đã thể hiện tinh thần, trách nhiệm hết sức cao trong vấn đề chuyển đổi nền kinh tế, có cam kết để cùng chung tay với thế giới đạt mục tiêu vào năm 2050 phát thải bằng 0 cùng cam kết trong vấn đề chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo.
Với cam kết này vị thế, vai trò, uy tín của Việt Nam được nâng cao. Với các quốc gia đoàn cấp cao đến thăm, bạn cũng đặt mối quan hệ với Việt Nam là quan hệ hợp tác đối tác để cùng thực hiện, cùng đóng góp vào quá trình thực hiện mục tiêu kinh tế-xã hội; xác định Việt Nam là đối tác quan trọng.
Cũng theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Việt Nam cùng các nước G7 và các đối tác phát triển khác đã ra tuyên bố hết sức quan trọng là tuyên bố liên quan đến xây dựng đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng. Đây là mẫu hình mới về sự hợp tác giữa các nước phát triển và nước đang phát triển để thực hiện mục tiêu về biến đổi khí hậu. Qua đó mở ra một cơ chế mới, cơ chế thông qua hợp tác của chính phủ, nguồn đầu tư công để khơi thông nguồn đầu tư tư.
Sau tuyên bố này, Việt Nam cùng với các đối tác phát triển sẽ có chương trình, kế hoạch rõ ràng thông qua đàm phán, tiếp nhận các hỗ trợ về công nghệ mới, công nghệ xanh; cùng các nước xem xét đánh giá quá trình chuyển đổi đó để nhận được hỗ trợ tài chính, công nghệ quản trị; giúp Việt Nam có thể cùng các nước đạt được mục tiêu phát triển bền vững.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận