Xã hội

Đau đầu vì đất

Khi đất cát tăng giá liên tục, người người bỏ việc đi môi giới bất động sản.

Không chỉ đất nền, đất thổ cư được giao dịch mà đất nông nghiệp, đất rau xanh, đất xen kẹt, đất nào cũng mua bán được hết với hứa hẹn sẽ tăng giá chóng mặt.

img

Một phiên đấu giá đất (Ảnh minh họa)

Trước làn sóng tăng giá đất và lo ngại dòng tiền chảy hết vào đầu cơ với lướt sóng bất động sản, Báo Giao thông nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc cho rằng Nhà nước cần sớm sửa Luật Đất đai.

Một trong những vấn đề quan trọng khi sửa Luật là tạo ra hành lang pháp lý để biến đất đai thành nguồn lực được tính bằng tiền, để biến đất thành vốn đầu tư phát triển hạ tầng, kinh tế, công khai minh bạch đấu giá để tiền không chỉ chạy vào túi nhóm lợi ích.

Bạn đọc Hồng Quảng (Quảng Ninh) viết: “Tôi rất tâm đắc với ý kiến của nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT Đặng Hùng Võ. Cần sửa Luật để tận dụng nguồn thu từ giá trị đất đai tăng thêm, phải “vốn hóa đất đai”.

Nhà nước đầu tư hạ tầng làm tăng giá trị đất thì phải dùng tiền thu được này đầu tư ngược vào hạ tầng, như vậy sẽ giảm gánh nặng cho ngân sách.

Việc này, Đà Nẵng từng làm, cần tiếp tục tổng kết, rút kinh nghiệm, có sai thì sửa chứ không nên bỏ qua phương thức này”.

Tuy nhiên, để làm được điều này, nhiều bạn đọc cho rằng cần phải sửa cả quy định đấu giá đất. “Chỉ thông qua đấu giá đất minh bạch, công khai, Chính phủ mới thu được tiền để tái đầu tư”, bạn đọc Minh Tuấn (Hà Nội) phân tích.

Theo bạn đọc này, yêu cầu tất cả phải đấu giá, không có ngoại lệ trong các trường hợp có thu tiền sử dụng đất thì mới hạn chế được việc chuyển quyền sử dụng đất không đúng mục tiêu, mục đích, dễ làm cán bộ mờ mắt vì lợi nhuận mà biến chất.

Hai năm nay đã chứng kiến bao lãnh đạo địa phương bị khởi tố đi tù vì sai phạm trong các thương vụ mua bán, giao “đất vàng”, “đất kim cương giá bèo” cho các đơn vị.

Nếu kiểm soát được đấu giá đất, Nhà nước có thể thu về khoản tiền khổng lồ dành cho đầu tư thay vì lợi nhuận chênh lệch thu được từ đất chạy về túi tư nhân, bạn đọc Quốc Phong (TP.HCM) chia sẻ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.