Giá khởi điểm vẫn chia theo vùng
Sáng 21/10, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, Chính phủ chính thức trình Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá
Dự thảo Nghị quyết quy định: Biển số đưa ra đấu giá là biển số ô tô chưa đăng ký, Bộ Công an dự kiến cấp mới cho xe ô tô của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân (nền màu trắng, chữ và số màu đen). Hình thức đấu giá trực tuyến theo phương thức trả giá lên.
Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có nhu cầu được lựa chọn biển số của tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trên toàn quốc để đăng ký tham gia đấu giá (kể cả biển số của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương không phải là nơi đăng ký thường trú, đặt trụ sở của người tham gia đấu giá).
Biển số không được lựa chọn để đấu giá, biển số qua cuộc đấu giá không thành sẽ chuyển vào hệ thống đăng ký, quản lý xe để đăng ký theo quy định của Bộ Công an.
Về giá khởi điểm của 1 biển số đưa ra đấu giá, Dự thảo Nghị quyết quy định vùng 1 (gồm: Hà Nội, TP.HCM), giá khởi điểm 40 triệu đồng và vùng 2 (gồm các địa phương còn lại) là 20 triệu đồng. Giá khởi điểm chỉ là mức giá ban đầu, trong quá trình đấu giá, tính cạnh tranh giữa những người tham gia đấu giá sẽ quyết định giá trúng đấu giá của biển số đó.
Trước đó, trong thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Nghị quyết này đã cho ý kiến: Áp dụng thống nhất trên toàn quốc một mức giá khởi điểm chung.
Thiếu tướng Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - an ninh của Quốc hội
Tránh hiện tượng “xe sang” thường hay có “biển số đẹp”
Đại diện đơn vị thẩm tra, Thiếu tướng Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - an ninh của Quốc hội cho biết, việc cấp quyền sử dụng biển số xe ô tô thông qua đấu giá nhằm đáp ứng nhu cầu của một bộ phận chủ xe; Bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả công tác quản lý phương tiện giao thông đường bộ; Tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước và tránh dư luận xã hội cho rằng có sự thiếu minh bạch, có hành vi trục lợi trong việc cấp biển số xe.
"Tuy nhiên, việc cấp quyền sử dụng biển số xe ô tô thông qua đấu giá là chính sách mới, có nhiều điểm khác với quy định của một số luật hiện hành, nên cần trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về thực hiện thí điểm là phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015", ông Tới nêu.
Nhất trí với Tờ trình và dự thảo Nghị quyết là thực hiện thí điểm trên phạm vi toàn quốc việc cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số xe ô tô thông qua đấu giá, đại diện Ủy ban Quốc phòng - an ninh đề nghị làm rõ công tác quản lý, đăng ký xe ô tô đối với những trường hợp thường trú ở địa phương này trúng đấu giá biển số xe ô tô ở địa phương khác.
Về giá khởi điểm, Ủy ban Quốc phòng và an ninh thấy rằng, việc xác định giá khởi điểm của biển số xe ô tô là rất khó, vì biển số xe là tài sản công, chưa có cơ sở để xác định giá khởi điểm đối với từng loại biển số khác nhau. Đây cũng chính là điểm khác biệt với quy định của pháp luật hiện hành.
"Việc quy định giá khởi điểm khác nhau giữa Vùng 1 và Vùng 2 không có ý nghĩa khi người tham gia đấu giá trên phạm vi toàn quốc, không giới hạn và phân biệt giữa Vùng 1 và Vùng 2", ông Tới nói và đề xuất áp dụng thống nhất một mức giá khởi điểm trên toàn quốc là 40 triệu đồng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận